Con gái Hà Nội
(ANTĐ) - Cách đây khoảng hơn 40 năm, tôi tốt nghiệp ngành báo chí rồi về làm việc ở Báo Thủ đô Hà Nội (Sau này là Báo Hà Nội mới). Ngày đầu đến cơ quan, tôi rất thích thú thấy một chiếc máy điện thoại quay tay trong phòng làm việc, nó hơi bẩn, bụi bám đầy. Tôi tìm một cái giẻ lau, nhưng không có, trên bàn làm việc, có một bộ ấm chén cũng bám nước chè vàng khè mà chẳng tìm đâu ra cái gì để lau. Sáng hôm sau, tôi mang đến một miếng vải xé ra từ chiếc áo đã rách. Tôi lúi húi mang bộ ấm chén ra cọ rửa, sau đó cặm cụi lau cho chiếc điện thoại sáng bóng lên. Khi các bác trong phòng đến, mọi người đều nhìn tôi cười, gật gù khen:
- Cô bé này khá, cứ thế nhé!
Trong phòng có bác cao tuổi nhất, là bác Thiều Quang thì im lặng không nói gì. Buổi chiều, bác rủ tôi cùng một bạn cũng mới về cơ quan sang câu lạc bộ báo chí thành phố lúc đó trụ sở ở Câu lạc bộ Đoàn kết, cạnh Nhà hát Lớn. Bác cùng hai đứa tôi ngồi trên mấy chiếc ghế cao đối diện với quầy bán hàng, mua một đĩa kẹo dồi và 3 chén nước rồi chuyện trò vui vẻ. Bác Thiều Quang cười:
- Cô Nhàn sáng nay chăm chỉ lắm, quét phòng, rửa ấm chén, lau điện thoại. Nhưng bác hỏi nhé, mày có làm như thế suốt đời được không? Hay là để bác xin cho mày chuyển sang làm lao công? Cái nhiệt tình lúc đầu là rất hay, nhưng phải biết nghĩ xa hơn. Hôm này họp ban, bác sẽ cứu nguy cho cháu bằng cách đề nghị phân công trực nhật, vì cơ quan mình ít người, các phòng tự chịu trách nhiệm làm vệ sinh, nhưng xưa nay cứ ai tiện thì làm, bây giờ cháu về, cháu làm hết thì tốt quá rồi, bác chỉ sợ mày làm được, cứ cho là một tháng liền đi, rồi mày sẽ chán, lại bỏ đấy, lúc đó sẽ thành ra khuyết điểm, đúng không?
Hai đứa tôi ngồi nghe bác nói, gật gù chịu trận và từ hôm đó, có chuyện gì ở cơ quan là cứ hai đứa hai bên, đi kèm với bác. Một hôm, tòa soạn cho tất cả đến Nhà hát Lớn xem kịch. Bác ngồi giữa, tôi và Bích San hai bên, vừa ngồi xuống thì tôi nghe tiếng gọi từ phía các dãy ghế phía trên, ngẩng lên, nhận ra thằng Triều toét, bạn học cũ lâu lắm tôi chưa gặp. Tôi mừng rỡ đứng lên, định chen qua bác Thiều Quang để chạy lên gặp bạn. Bác lừ mắt, kéo tôi ngồi xuống, giọng rất nghiêm:
- Con gái con đứa gì mà nghe bạn trai gọi là hớn hở chạy ngay đến với nó, không được. Mày cứ ngồi yên đấy, rồi nó khắc chạy xuống tìm mày.
Quả nhiên, Triều toét chạy xuống, tíu tít chuyện trò. Nó đi rồi, bác nói với cả tôi và Bích San:
- Các cô phải luôn nhớ, mình là con gái, không bao giờ được phép chạy lại với con trai, dù là quan hệ thế nào đi nữa. Gặp bạn trai ngoài đường hay ở bất cứ đâu, nó gọi, mặc kệ, chớ có bao giờ hớn hở chạy ngay tới cười cười nói nói, vô duyên lắm các cháu ạ. Con gái là phải có ý có tứ, con gái Hà Nội càng phải nền nếp, chẳng phải kiêu sa gì đâu, cơ mà phải để bạn trai nó nể mình, hiểu không?
Hai đứa tôi đỏ mặt ngồi im. Và tôi còn nhớ điều bác dặn cho tới hôm nay.
Lần khác, tòa soạn tổ chức cho thanh niên dẫn các con của anh chị em trong cơ quan đi thăm Bảo tàng Lịch sử, bác Thiều Quang cũng đi cùng chúng tôi. Đến trước chiếc trống đồng, có mô hình một đôi trai gái không quần áo đang nằm đè lên nhau, bọn tôi đỏ mặt chạy đi hết, còn bọn trẻ con, đứa thì rúc rích cười, đứa thì nhìn trân trân…
Tôi chạy xa rồi gọi:
- Các em lại đây, có chiếc bình cổ đẹp quá này.
Hôm ấy về, bác Thiều Quang lại gọi hai đứa ra câu lạc bộ, cười:
- Hôm nay các cô bất ngờ quá hả? Bác bảo nhé, lần sau, được phân công việc gì các cô đều phải chuẩn bị cẩn thận từ trước, ví dụ đi xa thì phải có tiền trạm, tức là có người đến trước để tìm chỗ ăn uống nghỉ ngơi cho cả đoàn, còn Bảo tàng Lịch sử ở ngay gần cơ quan, sao hôm qua các cô không chạy ra xem trước để biết nên dẫn các cháu xem những chỗ nào. Tình huống bất ngờ như hôm nay, không được bỏ chạy như thế, mà phải bình tĩnh, hoặc giải thích cho các cháu là trống đồng từ xưa đã có mô hình mọi sinh hoạt bình thường của con người, hoặc cứ lờ đi không nói gì cả mà nhanh chóng dẫn các cháu sang chỗ khác. Các cô bỏ chạy như vịt thật không ra làm sao cả!
Chúng tôi lại đỏ mặt ngồi im.
Tuần trước, mấy chị em cùng học Khoa Báo chí và đều đã làm việc ở Báo Hà Nội mới gặp nhau, Bích San và tôi đã nhắc đến bác Thiều Quang rất nhiều với lòng yêu kính và thương tiếc. Bác đã mất từ rất lâu rồi, vậy mà anh Quang Trọng, con trai bác vẫn có lần đến nhà tôi hoặc nhà Bích San thăm hỏi. Anh biết bác đã coi chúng tôi như con và chúng tôi thì vô cùng thân quí và nghe lời bác chỉ dạy hồi chúng tôi còn trẻ, vừa bước vào công tác. Bác Thiều Quang là người Hà Nội gốc và chúng tôi, những đứa con gái Hà Nội mới ra trường đã được bác chỉ bảo từng việc nhỏ như là một người cha dạy cho con cách đối nhân xử thế, mà bác thường nhấn mạnh: “Con gái Hà Nội là phải…”.
Phan Thị Thanh Nhàn