Còn câu hỏi “treo”

ANTĐ - Bộ Công Thương cho biết, 9 tháng qua sản xuất công nghiệp tăng trưởng 5,4% so với cùng kỳ năm 2012, nhưng so với mức tăng trưởng những năm trước vẫn còn thấp. Điều này cho thấy sức mua trong nước vẫn yếu, các doanh nghiệp tiếp tục khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và thúc đẩy sản xuất phát triển. Một vấn đề được dư luận đặt nhiều câu hỏi là việc điều hành giá xăng dầu theo nghị định mới thay thế Nghị định 84 và quản giá bán sữa. 

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Bộ Công Thương đã nhận được văn bản thẩm định dự thảo Nghị định của Bộ Tư pháp. Bộ Công Thương đã trình Chính phủ Nghị định mới với nhiều điểm mới so với Nghị định 84 về kinh doanh mặt hàng xăng dầu. Điểm quan trọng nhất là điều chỉnh công thức tính giá cơ sở, biên độ cho phép doanh nghiệp có thể tự quyết định điều chỉnh tăng, giảm giá bán lẻ là 5%, thay vì mức 7% của Nghị định 84.

Việc điều chỉnh giá vẫn có sự giám sát, kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước. Điểm mới nữa là nâng cao công tác quản lý chất lượng xăng dầu theo hệ thống, đảm bảo từ doanh nghiệp đầu mối đến tổng công ty, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải quản lý thống nhất về chất lượng với những quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Liệu dự thảo nghị định mới có còn nặng về cơ chế xin - cho hay không? Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, theo Nghị định 84, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh theo giá thế giới trong chu kỳ 30 ngày tăng hoặc giảm.

Dự thảo Nghị định mới vẫn tiếp tục không quy định giá cơ sở tăng, giảm trong bao nhiêu ngày thì được điều chỉnh giá. Việc tính giá cơ sở đối với kinh doanh xăng dầu căn cứ vào giá bình quân của thế giới trong 30 ngày. Dù vậy, quy định điều chỉnh giá không chỉ phụ thuộc vào giá cơ sở trong 30 ngày, mà còn căn cứ vào mức thuế, quỹ bình ổn, tình hình kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước. Như vậy, quan điểm điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường còn phải trải qua nhiều bước “gian nan” mới có thể hoàn chỉnh được. Để chứng mình rằng, trong quản lý kinh doanh xăng dầu không có cơ chế xin - cho, Bộ Công Thương dẫn chứng, trong thời gian qua Nhà nước không thực hiện bù lỗ cho doanh nghiệp kinh doanh. Cơ quan quản lý để doanh nghiệp tự quyết định giá với biên độ 7% trong Nghị định 84 và 5% trong nghị định mới. 

Dưới góc độ thị trường, một số chuyên gia nhìn nhận, việc thu hẹp biên độ tăng, giảm giá xăng từ 7% xuống 5% sẽ giới hạn mỗi lần tăng giá chỉ khoảng 1.200 đồng/lít. Việc tính giá căn cứ trong 30 ngày cũng như sự lên xuống của giá thế giới là hợp lý. Song, vẫn còn câu hỏi “treo”: tăng, giảm giá không thể tức thì, nhưng vì sao chỉ thấy giá tăng vọt, còn khi giảm thường nhỏ giọt?