Có làm được hay không?

ANTĐ - Đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn thử thách. Theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, nền kinh tế cần đặt trong trạng thái động, các giải pháp phải linh động và uyển chuyển, có thể ưu tiên cho chỉ tiêu này, giảm bớt mức phấn đấu cho chỉ tiêu khác, cũng như dừng dự án này để tập trung vốn cho các dự án khác, đặc biệt ưu tiên cho những dự án đóng tàu vỏ sắt, cho ngư dân, an ninh, quốc phòng. Trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi phải có những nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ đổi mới sâu sắc và triệt để hơn bao giờ hết.

Theo ý kiến của ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, điều cần hướng tới lúc này là làm thế nào để có thể tìm thấy và nắm bắt được những cơ hội từ những “sóng gió”, tức là tìm được “cơ” trong “nguy”. Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: “Muốn biển yên thì bờ phải vững, bờ muốn vững thì kinh tế phải phục hồi và phát triển”. Nền kinh tế chỉ mới trong giai đoạn phục hồi còn rất mong manh, tất cả các giải pháp ngắn hạn và dài hạn được đề ra đều trúng và đúng, nhưng trong thực hiện, kết quả khó được như mong muốn.

Chẳng hạn vấn đề chất lượng bộ máy dù đã cải thiện, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong giới doanh nghiệp và người dân. Tại cuộc hội thảo về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, chỉ cần Việt Nam rút ngắn được 15 ngày thủ tục thông quan hàng xuất khẩu, thì GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 11 tỷ USD. Giảm 14 ngày trong tổng thời gian cần để hoàn thành thủ tục nhập khẩu, thì GDP sẽ tăng được khoảng 15 tỷ USD. Như vậy, chỉ cần rút ngắn 29 ngày làm thủ tục thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp, GDP của nước ta có thể tăng được khoảng 27,3 tỷ USD. Theo báo cáo môi trường kinh doanh năm 2014 của Ngân hàng Thế giới, cơ quan thuế của Việt Nam yêu cầu tới 32 lần khai, nộp thuế trong một năm với thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra để làm thủ tục lên tới 872 giờ/năm, tương đương 100 ngày làm việc. Trong khi đó, thời gian nộp thuế của doanh nghiệp ở châu Á-Thái Bình Dương thấp hơn 4 lần. Tại sao Việt Nam phải mất nhiều thời gian như vậy?

Nghị quyết 19/CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã đưa mục tiêu giảm thời gian làm thủ tục, nộp thuế… cho Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Vấn đề là các bộ có quyết tâm, có làm được hay không? Thừa giải pháp, thiếu quyết tâm thì làm sao phát huy được nội lực, giải phóng sức doanh nghiệp trong tình thế hiện nay? Tăng trưởng GDP, tăng sức mạnh của nền kinh tế nằm ngay trong “điểm nghẽn” thủ tục hành chính.