Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC):

Cơ hội "trời cho"

ANTĐ - Đó là nhận định của TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tại diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC 2015” được tổ chức sáng qua, 13-12. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có tận dụng được cơ hội này hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Cơ hội "trời cho" ảnh 1

Cơ cấu hàng hóa giữa các nước ASEAN là tương đồng

3 điểm mạnh và 3 điểm yếu 

TS Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, với không gian thị trường 600 triệu dân, GDP dự kiến sẽ đạt 4,7 nghìn tỷ USD vào năm 2020 và có tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030, AEC chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. 

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, doanh nghiệp Việt Nam hiện có 3 điểm mạnh và 3 điểm yếu lớn. Cụ thể, điểm mạnh là khả năng bứt phá và khả năng hội nhập nhanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Rất nhiều ngành nghề như thủy sản, đồ gỗ, dệt may, điện tử của Việt Nam đã chứng tỏ sự năng động của mình trong nắm bắt cơ hội kinh doanh toàn cầu và thành công.

Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam chú trọng nhiều đến nền tảng văn hóa, nên những nét văn hóa tương đồng trong AEC sẽ tạo lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với thị trường ASEAN. Thứ ba, nếu như đối với các thị trường khác như: EU, Bắc Mỹ, Bắc Á, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tập trung vào các hoạt động thương mại, thì đối với thị trường ASEAN, doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước đi toàn diện bằng việc đầu tư trực tiếp. 

Trong khi đó, điểm yếu lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam là năng suất lao động thấp do khu vực tư nhân khó phát triển, quy mô nhỏ, manh mún, mang nặng tính gia đình, tính liên kết lỏng lẻo. Bên cạnh đó, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thấp. Thêm vào đó, doanh nghiệp Việt Nam đang rất lạc quan với triển vọng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang đến nhưng lại hầu như chưa nhìn thấy mặt trái của nó.

Tổng Thư ký VCCI phân tích: “Đa số doanh nghiệp nhìn nhận AEC như cơ hội tiếp cận thị trường, gia tăng xuất khẩu, mà lợi ích này trong AEC là tương đối hạn chế. Trên thực tế, việc kết nối một “thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất” mới là mục tiêu chính của AEC, là lợi ích dài hạn mà các doanh nghiệp trong ASEAN cần nhắm đến”.

“Thế cờ” chờ cách giải

Cho rằng tham gia AEC là một cơ hội tốt, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh: “Đây là một cơ hội “trời cho” để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Nếu không tận dụng được cơ hội này thì 5-7 năm nữa, Việt Nam không thể thoát được bẫy thu nhập trung bình”. Theo ông Võ Trí Thành, AEC là sân chơi thú vị bởi nó là một phần trong mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại sân chơi này, doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế bởi có rất nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Các chương trình này không chỉ dạy cách kiếm tiền mà còn hướng dẫn doanh nghiệp làm ra tiền một cách xanh hơn, bền vững hơn, trách nhiệm hơn. Như trong một ván cờ, chúng ta phải nghiên cứu nước cờ chơi như thế nào. Đã đến lúc chúng ta phải chuyển sang cách chơi, thế cờ khác với đối phương thì mới có thể thắng được trên sân chơi hội nhập” - ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam đang hội nhập rất nhanh, nhưng khả năng nắm bắt cơ hội của doanh nghiệp là điều còn trăn trở. Chính phủ đã mở đường, khai phá các thị trường để doanh nghiệp khai thác thông qua việc ký được các FTA, TPP… Tuy nhiên, con đường đã có mà doanh nghiệp vẫn chưa bước đi được bởi doanh nghiệp còn quá yếu. “Do đó, Chính phủ cần dẫn dắt và “cầm tay chỉ việc” cho doanh nghiệp thì mới đi được” - đại diện Bộ Công Thương nói.