Cơ hội tăng kỹ năng

ANTĐ - Nếu Việt Nam muốn tiếp tục tăng trưởng và năng suất cao hơn, cần phải có lực lượng lao động tốt hơn cả về kỹ năng kỹ thuật lẫn kỹ năng nhận thức để nắm bắt được nhiều giá trị hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu, chứ không chỉ là nơi chuyên lắp ráp các thứ lại với nhau. Đó là ý kiến của người đứng đầu nhóm tác giả của Báo cáo phát triển Việt Nam thuộc Ngân hàng Thế giới.

Bản Báo cáo cho rằng, nếu tiền lương tăng lên mà năng suất, kỹ năng không tăng theo thì Việt Nam sẽ không còn là sự lựa chọn của các doanh nghiệp nước ngoài. Toàn bộ logic của cuộc cải cách phản ánh trong Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là đầu tư và tăng cường nguồn nhân lực theo hướng tăng năng suất, nhờ đó tăng thu nhập cho người lao động. Tác giả bản Báo cáo tập trung nghiên cứu những yếu tố hình thành kỹ năng ứng xử, xã hội của lớp trẻ Việt Nam. Theo đó, kỹ năng ứng xử, nhận thức được hình thành từ rất sớm ngay từ trong gia đình và kéo dài tới tuổi tiểu học, trung học cơ sở. Nền tảng của kỹ năng nhận thức đã hoàn thành ở thời điểm này, dù sau này có thể tác động tới kỹ năng ứng xử nhưng sẽ khó hơn nhiều.

Vì thế, điều quan trọng là không thể để mặc trường học trong việc hình thành kỹ năng cho con trẻ. Phát triển kỹ năng không đồng nghĩa với việc đưa con vào một trường có tiếng. Báo cáo khuyến nghị, cha mẹ cần tham gia nhiều hơn vào việc học hành của con cái, nhà trường hòa nhập hơn với phụ huynh. Trả lời câu hỏi đâu là những yếu tố quan trọng nhất giúp nâng cao kỹ năng toàn diện cho thế hệ trẻ, người đứng đầu nhóm tác giả cho rằng, trước hết cần phải thay đổi giáo dục phổ thông. Đó là thay đổi giáo trình, đào tạo giáo viên và thay đổi cách đánh giá. Có khá nhiều khuyến nghị của bản Báo cáo và Đề án đổi mới giáo dục của Việt Nam gặp nhau ở điểm nhất quán. Chẳng hạn như cải cách chương trình phổ thông, đào tạo giáo viên, mở rộng quyền tự chủ của các trường đại học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo đã khẳng định rằng, một số đổi mới, cải cách quan trọng sẽ không tốn nhiều tiền. Ví dụ như cải cách hệ thống đánh giá học sinh để đảm bảo không phản ánh những kiến thức thuộc lòng, mà kiểm tra được học sinh có khả năng giải quyết vấn đề hay không, hoặc có thể áp dụng nội dung học vào thực tiễn hay không. Điều này đòi hỏi phải thay đổi tư duy, quản lý khác đi một chút, chứ không cần phải nhiều tiền hơn.

Báo cáo phát triển Việt Nam của Ngân hàng Thế giới lưu ý, Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều người già. Khi càng có ít người gia nhập thị trường lao động, Nhà nước càng phải đảm bảo cho họ có cơ hội tăng kỹ năng để tăng năng suất, tăng sản phẩm cho xã hội.