Cô gái bị lừa bán qua tay 6 đời chồng vạch tội má mì

ANTĐ - Cách đây tròn 10 năm về trước, lợi dụng chỗ thân tình quen biết, hai người đàn bà đã từng là nạn nhân của nạn buôn người sang Trung Quốc rắp tâm lừa hai đứa cháu họ hàng xa của mình bán cho nhà thổ xứ người với giá rẻ bèo.

Hơn 3.000 ngày lưu lạc, các cô đã phải sống kiếp trâu ngựa, bị mua đi bán lại qua tay tới 6 người đàn ông trước khi gặp được người chồng tử tế. Khi được gia đình nhà chồng cho về thăm quê hương bản xứ, ngay lập tức họ đã viết đơn tố cáo hành vi của hai bà cô ra trước pháp luật.

Có nằm mơ, cả Lữ Thị Phương và Lương Thị Hương cũng không ngờ rằng, tội ác mà mình vùi sâu chôn chặt suốt hơn 10 năm qua cũng có ngày bị phơi bày ra trước ánh sáng của pháp luật.

10 năm rồi, thời gian đã phôi phai đi nhiều thứ, kể cả việc hai ả đàn bà này nhẫn tâm lừa hai đứa cháu tội nghiệp của mình bán sang Trung Quốc chỉ để lấy 3,6 triệu đồng cũng đã có lúc quên béng đi. Yên tâm vì pháp luật không vạch trần được tội ác ấy nữa, và chuyện hai cô gái bản bỗng dưng mất tích không dấu vết đã dần mờ nhạt trong tâm trí của mỗi người dân ở miền sơn cước này. Đùng một cái, một ngày nọ, một trong hai cô gái bỗng dưng xuất hiện ở cuối bản, và vừa nhác thấy bóng dáng của thiếu nữ ngày nào, hai ả đàn bà táng tận lương tâm quýnh quáng đến mất hồn nhưng mọi sự đã an bài khi lá đơn tố cáo được chính cô gái nọ viết trong nước mắt ướt đẫm đêm trường.

Thất nghiệp, chọn “nghề” lừa bán phụ nữ qua biên giới

Chuyện bắt đầu từ việc đối tượng Lương Thị Hương (55 tuổi), dù đã có chồng và 3 đứa con ở xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An nhưng không muốn sống an phận với ruộng rẫy mà khăn gói đến vùng đất Lạng Sơn để tìm giấc mộng đổi đời. Sau một thời gian ngắn làm việc vặt tại đây, Hương không thỏa mãn với việc kiếm tiền quá ít ỏi nên đã nhờ người tìm việc khác để thu nhập cao hơn. Trong những ngày lang thang đó, thị đã lọt vào tầm ngắm của một phụ nữ chuyên dắt gái qua biên giới và đã bị đối tượng này (đến nay thị Hương cũng không biết đích xác tên tuổi) lừa lên cửa khẩu Tân Thanh bán cho một nhà thổ sát biên giới.

Hai má mì Lữ Thị Phương và Lương Thị Hương.

Tuy nhiên, do nhan sắc có hạn, tuổi lại nhiều nên chỉ chưa đầy một tháng sau, Lương Thị Hương đã bị đẩy ra đường rồi phiêu dạt trở lại thành phố Lạng Sơn. Lần này, trong quá trình làm thuê ở đây, Hương đã quen với Mạc Thị Mai và được Mai hướng dẫn cách về quê kiếm người giúp việc đưa ra Lạng Sơn cho Mai sẽ được trả 2 triệu đồng cho mỗi người và bao toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại trong suốt chặng hành trình. Đang khát tiền, lại nắm bắt được nhu cầu ra thành phố làm việc của người dân vùng cao nơi Hương sinh sống nên thị đã nhanh chóng trở về quê “chiêu mộ” các cô gái trẻ ra Lạng Sơn tìm việc làm nhưng thực chất là lừa họ bán qua biên giới để làm nô lệ tình dục.

Tại quê nhà, Lương Thị Hương đã gặp Lữ Thị Phương (50 tuổi) ở xã Châu Thôn, huyện Quế Phong, cùng là một người đàn bà đang thất nghiệp và khát tiền. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, hai ả đàn bà này nhanh chóng kết thân với nhau, thị Hương đã chỉ cho người bạn mới quen cách kiếm tiền dễ dàng bằng cách tìm các cô gái ở vùng đồng bào dân tộc, hứa với họ ra Lạng Sơn làm thuê với tiền lương 600 ngàn đồng/tháng. Nghe lời Hương, thị Phương trở về quê ráo riết tìm người và không mấy khó khăn để tuyển “hàng” cho mình.

Cô gái đầu tiên lọt vào tầm ngắm của thị Phương là Hà Thị Khánh, ở bản Na Niêng, xã Tri Lễ. Tuy mới ngoài 20 nhưng Khánh đã phải một nách hai con nhỏ. Tệ hại hơn, trong lúc khó khăn, gã chồng vô trách nhiệm lại sinh ra thói trăng hoa, bội bạc nên chị vợ này đã về nhà bố mẹ sinh sống. Trong thời gian này, Khánh xin với gia đình lên lâm trường Quế Phong trồng cây. Đi cùng chị còn có thêm đứa em hàng xóm Lô Thị Dấu, lúc bấy giờ mới 15 tuổi. Đi làm được một thời gian, vì lương quá thấp nên hai chị em bỏ về và lại tiếp xúc đối diện với cuộc sống quẫn bách. Đúng lúc này, “thần tài” xuất hiện, ma nữ này không ai khác chính là Lữ Thị Phương. Biết rất rõ nỗi khổ tâm của hai cô gái, Phương đã rủ rê họ lên Lạng Sơn làm nghề chặt mía thuê với lời hứa “lương sẽ cao gấp đôi nơi cũ”.

Tin lời, hai chị em đang hái củi cách nhà chưa đầy cây số đã vội vã leo lên xe máy, chẳng kịp chào từ biệt gia đình, theo Phương xuống Quỳ Châu gặp Lương Thị Hương. Tại đây, nhận ra một trong hai cô gái còn có quan hệ ruột thịt xa với mình nhưng nghĩ đến món tiền kếch sù sắp có được, Lữ Thị Hương đã vờ như không quen biết rồi cùng nhau lên xe đi thẳng ra Lạng Sơn ngay trong đêm tối. Tại đó, Phương và Hương bán hai chị em cho Mạc Thị Mai lấy 3,6 triệu đồng. Nhận tiền xong, hai má mì bình thản bắt xe về quê, trong lòng không hề có một chút day dứt, ân hận nào về việc làm sai trái của mình.

Ngay sau đó, Mạc Thị Mai đã đưa hai nạn nhân bán sang Trung Quốc. Tại xứ người, lúc biết chuyện mình bị lừa bán thì mọi chuyện đã an bài, hai cô gái trẻ chỉ còn biết khóc thầm cho số phận và chấp nhận làm theo những yêu cầu của kẻ đã bỏ tiền ra mua họ. Trong một thời gian dài, cả chị Khánh lẫn em Dấu bị bán chuyền tay nhau nhiều lần giữa các nhà chứa ở vùng biên giáp ranh giữa biên giới Việt - Trung và làm vợ hờ cho các ông chủ ở Trung Quốc. Tiếp đó là những ngày tủi nhục, cay đắng của hai cô gái trẻ khi mỗi ngày các chị phải đem thân thể, nhan sắn của mình để mua vui cho khách làng chơi mà không hề được nhận bất cứ một đồng tiền nào, bởi kể cả tiền khách “bo” cũng đều phải nộp lại cho bà chủ.

Khoảng 2 năm sống cảnh “địa ngục trần gian” nơi các động mại dâm, với nhan sắc mặn mà, dáng hình cao ráo, nên dù là gái đã có con nhưng chị Khánh vẫn được một người đàn ông Trung Quốc chọn về làm vợ. Những tưởng thoát khỏi cảnh mua vui cho khách làng chơi, chị đã tìm được cho mình bến đỗ bình yên, nào ngờ về làm vợ chưa được bao lâu, phần vì khác biệt văn hóa, thứ nữa là do chị Khánh... không biết đẻ nên đã bị nhà chồng đánh đập, hắt hủi rồi tìm cách đuổi cổ. Nhẫn tâm hơn, để không phí khoản tiền đã bỏ ra chuộc cô từ nhà thổ, anh chồng này đã bán chị cho một người đàn ông khác. Người đàn ông này cũng chỉ sở hữu chị như một món đồ chơi, đến khi no xôi chán chè, anh ta lại tìm cách bán lại chị cho người bạn của mình.

Cứ như vậy, chị bị bán qua, bán lại, ròng rã suốt 10 năm liền, Hà Thị Khánh đã phải 6 lần bị bán làm vợ, mỗi người chồng mới của Khánh là một người khác, nhưng điểm chung là tất cả đều lỗ mãng, vũ phu, gia trưởng, ít học, cục cằn, thô lỗ và nghèo đói. Cách đây độ 3 năm về trước, may mắn cũng đã mỉm cười với người đàn bà khốn khổ này khi chị gặp được một người chồng tốt tính. Anh này tên là A Tương, ít hơn chị 4 tuổi, nhà nghèo nhưng được cái hiền lành và chất phác. Qua ba năm chung sống, chị đã sinh hạ cho nhà chồng 2 đứa con, A Tương cũng đã hiểu và chia sẻ những mất mát, đau thương trong cuộc đời sóng gió của vợ nên luôn hết lòng yêu thương. Tình cảm và lòng tin ấy càng được củng cố khi nhân dịp Tết Tân Mão 2011, chị Khánh ngỏ ý muốn được về Việt Nam thăm bố mẹ già và được chồng cũng như gia đình nhà chồng tạo điều kiện để được về quê nhà đón Tết.

Cùng chung nỗi đau với bà chị của mình, em Lô Thị Dấu, ngày mới bị bán sang xứ người chỉ mới bước sang tuổi 15. Trong ký ức vụn của em, bao nhiêu năm qua đúng là một cơn ác mộng. Sau khi qua khỏi biên giới, em và chị Khánh bị tách ra hai đường, Dấu được giao cho một bà da đen, mặt thô rắn đanh trông rất dữ tợn dẫn đi theo đường núi, vượt rừng, đến một phố nhỏ và từ đây, em bắt đầu cuộc sống làm vợ người khác đáng tuổi bố em.

Lô Thị Dấu cho biết, ngày cưới cũng đốt pháo, tổ chức ăn uống kéo dài đến 3-4 ngày và em cũng được mặc áo cô dâu. Nhưng sự tử tế ấy chỉ được mấy ngày, càng sống với nhau, người chồng càng bộc lộ rõ tính lỗ mãng, vũ phu của mình khi thường xuyên nói chuyện bằng tay, bằng gậy với vợ. Đã thế, mấy năm trời chung sống, em như người ở, đầu tắt mặt tối làm tất thảy mọi việc cho nhà chồng, trong lòng không nguôi nỗi nhớ nhà và ý định trốn về quê.

Cũng bởi thế nên một lần biết có thai, Dấu lẳng lặng tự mình đi phá. Biết chuyện này, nhà chồng mắng chửi em thậm tệ rồi đuổi em ra khỏi nhà. Thế nhưng, cuộc đời lưu lạc của em chưa dừng lại ở đó khi trong những ngày lang thang ở một phố nhỏ (mà sau này Dấu mới biết là thành phố Bằng Tường), em đã bị một nhóm người trêu ghẹo, sau đó bắt bán cho một nhà thổ khác. Cứ như thế cho đến khi được cảnh sát hai nước phối hợp giải cứu và đưa về Việt Nam trong nỗi tủi hổ xen lẫn mừng vui sau trọn 10 năm trời xa xứ.

Lại nói về chị Hà Thị Khánh, khi được gia đình nhà chồng cho phép về thăm quê, chị đã nghẹn ngào tâm sự với gia đình đoạn trường cay đắng của mình suốt 10 năm qua. Phẫn uất với hành động phi nhân tính của hai ả đàn bà táng tận lương tâm, được sự động viên của cả gia đình, chị Khánh đã làm đơn tố cáo hành vi buôn bán người của Lữ Thị Phương và Lương Thị Hương ra trước cơ quan pháp luật. 4 ngày sau, hai ả nữ quái này đã lập tức bị bắt về hành vi buôn người. Khi biết Phương và Hương bị bắt, Mạc Thị Mai nhanh chân bỏ trốn và bị truy nã toàn quốc.

Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Lương Thị Hương 6 năm tù, Lữ Thị Phương 4 năm tù đồng thời yêu cầu hai bị cáo bồi thường cho gia đình bị hại hơn 28 triệu đồng. Vụ án đã khép lại, kẻ có tội phải đền tội, nhưng những tổn thương trong tâm hồn của các nạn nhân luôn hằn sâu nhức nhối.