Chuyện về 2 cựu binh chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ suốt 20 năm

ANTĐ - Dù tuổi đã cao, sức đã bắt đầu yếu nhưng hai cựu chiến binh già vẫn ngày ngày lặng lẽ chăm sóc, nhang khói cho từng phần mộ liệt sĩ như chính người thân của mình.
Họ bảo những việc làm ấy là để tri ân và làm ấm lòng với những người đồng đội đã không tiếc máu xương giành độc lập cho dân tộc...

Canh giấc ngủ cho liệt sĩ

Trên đường thiên lý Bắc- Nam, khi qua đoạn thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, Quảng Trị nếu để ý nhiều người sẽ nhận ra hình ảnh quen thuộc của hai người đàn ông đã luống tuổi vẫn đều đặn khi thì tỉa cây, tưới nước, khi nhặt cỏ, nhang khói cho những phần mộ trong nghĩa trang liệt sĩ huyện. Ấy là hai cựu chiến binh Lê Văn Giản, 52 tuổi và ông Nguyễn Cư, 62 tuổi- những người quản trang tình nguyện tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Triệu Phong từ nhiều năm nay.

Ông Giản và ông Cư chăm sóc hoa tại nghĩa trang

Giữa những ngày cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ, chúng tôi đến nghĩa trang liệt sĩ huyện Triệu Phong tìm ông Giản và ông Cư. Mới chừng 8 giờ sáng nhưng cái nắng tháng 7 đã trở nên oi bức. Chúng tôi đặt chân đến nghĩa trang liệt sĩ huyện, được toạ lạc ngay sát mé Quốc lộ 1A đoạn ngang qua thị trấn Ái Tử đầy gió bụi. Trong cái nắng như nung và những cơn gió Lào rát bỏng, bóng dáng hai người đàn ông gầy guộc vẫn đang gò mình trên chiếc thang gỗ tỉ mẩn tỉa từng khóm nhánh phi lao đều tăm tắp. Hỏi ra mới biết, việc tỉa hàng phi lao trước nghĩa trang này được 2 ông làm đã từ mấy ngày trước đó để chuẩn bị cho việc tổ chức các hoạt động tri ân liệt sĩ sắp tới.
Gặp khách, ông Cư nhẹ nhàng đỡ ông Giản bước xuống thang để vào bóng râm nghỉ ngơi. Mình ướt đẫm mồ hôi, hai ông phe phẩy chiếc mũ cối đã bạc màu cho đỡ nóng và bắt đầu trò chuyện. Ông Giản kể mình gắn bó với nghĩa trang liệt sĩ huyện Triệu Phong đã gần 20 năm nay, ngay từ lúc nghĩa trang này mới được nâng cấp. “Hồi đó, nghĩa trang này vốn là nghĩa trang cấp xã, cơ sở vật chất vốn còn rất thiếu thốn cộng với sự tàn phá khốc liệt của bom đạn sau chiến tranh nên rất hoang tàn. Trong một lần đi ngang qua nghĩa trang, không hiểu cơ duyên gì đã khiến tôi quyết định xin tình nguyện vào làm quản trang nơi đây. Mới đó mà đã gần 20 năm rồi”, ông Giản nhớ lại.
Cùng vào làm với ông Giản hồi ấy còn có ông Hà Văn Van nhưng không may “Vào năm 2006 ông Van bất ngờ qua đời trong một vụ tai nạn giao thông. Ngay sau khi biết ông Van mất thì ông Cư cũng xin tình nguyện vào làm cùng tôi, vừa là đỡ đần nhau vừa để bầu bạn lúc vui buồn”, trìu mến nhìn ông bạn già Nguyễn Cư, ông Giản cho biết. 

Hai ông thắp nhang cho đồng đội

Ông Giản cho biết, khu nghĩa trang này có trên 550 ngôi mộ, trong đó có khoảng 180 mộ là chưa biết tên. Các liệt sĩ được an táng tại đây phần lớn có quê quán ở các tỉnh từ Quảng Bình trở ra, còn lại một ít các liệt sĩ quê tận miền tây Nam Bộ. “Dù là quê ở đâu đi nữa thì chúng tôi từ lâu cũng đã xem và chăm sóc các anh như là người thân của mình. Từ lúc tình nguyện xin vào đây chúng tôi đã xác định sẽ cố gắng hết sức để nhang khói đàng hoàng cho các anh được ấm lòng, có như vậy mới phần nào bù đắp được phần nào sự hy sinh lớn lao của các anh”, ông Giản và ông Cư cùng tâm sự. 
Sau một hồi trò chuyện, hai ông dẫn chúng tôi ra thăm khu vực phần mộ trong nghĩa trang. Từ ngoài vào trong nghĩa trang đã thấy các lối đi sạch sẽ, tinh tươm. Xen kẽ giữa những hàng mộ chí là những khóm hoa các loại đang nở hoa đua sắc dưới ánh nắng. Những khóm hoa xanh mướt điểm xuyết giữa những khu mộ cùng với sự quy hoạch khéo léo đã làm cho khu nghĩa trang này vừa tôn lên sự thiêng liêng vừa tạo được sự gần gũi cho du khách viếng mộ. Nhiều đoàn khách đến tham quan, thân nhân thăm mộ cũng rất xúc động bởi sự chăm sóc tận tình với các phần mộ liệt sĩ của hai ông. “Nhiều người ngỏ ý tặng ít quà cảm ơn nhưng chúng tôi nhất quyết không nhận. Mình chăm sóc nghĩa trang, đồng đội bằng cái tâm, bằng tình đồng chí nên chưa hề nghĩ gì đến chuyện ơn nghĩa”, ông Giản và ông Cư cho biết.   

Ông Giản và ông Cư đang tỉa cây tại nghĩa trang huyện Triệu Phong

Trong lúc ông Cư nhổ những khóm cỏ vừa mọc nhú trên một số ngôi mộ thì ông Giản quẹt lửa thắp nhang. Khi những cây nhang đã bén lửa, ông Giản và ông Cư lần lượt thắp đều lên các phần mộ với tất cả lòng thành kính. Hôm ấy, tôi ở lại cùng các ông đến tận buổi chiều. Khi trời vừa nhạt nắng, ông Giản cùng ông Cư nối ống từ chiếc môtơ ra tận các khóm hoa trong khuôn viên nghĩa trang để tưới. “Khí trời oi bức cộng với gió Lào và nền đất khô cằn nơi đây khiến các loại cây cảnh, hoa rất khó sống nên chúng tôi phải tưới liên tục, chỉ trừ mùa mưa. Bây giờ nhìn khuôn viên nghĩa trang trở nên khang trang với rất nhiều loại hoa, cây xanh khiến chúng tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Các anh được an nghỉ ở đây chắc cũng được an lòng”, ông Cư nhìn bao quát khu nghĩa trang linh thiêng tâm sự.     

Ấm áp tình đồng đội

Ông Giản và Ông Cư đều là cựu chiến binh nên hơn ai hết hai ông hiểu thế nào là tình đồng đội thiêng liêng và sự khắc nghiệt của chiến tranh. Ông Giản quê ở xã biển Triệu Vân. Năm 1984, ông Giản đi bộ đội, được biên chế vào Trung đoàn E 212, Sư đoàn F 361, thuộc Quân chủng Phòng không không quân bảo vệ sân bay Nội Bài, Hà Nội. Đến năm 1988, ông xuất ngũ trở về quê rồi tham gia làm cán bộ HTX đánh bắt hải sản ở địa phương. 
Sau đó gia đình ông chuyển lên thị xã Quảng Trị sinh sống. Quãng thời gian này ông cũng bắt đầu tình nguyện xin chăm sóc nghĩa trang huyện Triệu Phong. “Thời đó tôi chỉ có chiếc xe đạp cà tàng để ra nghĩa trang. Ngày nào tôi cũng ra nghĩa trang thật sớm để dọn cỏ, tỉa cành và tưới cây đến tối mịt mới về. Công việc hồi đầu cũng khá vất vả, nhưng tôi may mắn là được vợ con ủng hộ và động viên nên cảm thấy rất vui”, ông Giản kể. Đến năm 2000, gia đình ông một lần nữa chuyển ra thị trấn Ái Tử, đoạn ngay gần nghĩa trang để sinh sống, vì thế việc chăm sóc nghĩa trang của ông thuận tiện hơn. Cuộc sống gia đình ông cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi các con đang tuổi ăn tuổi học. Cáng đáng gia đình một tay vợ ông đảm nhiệm vì công việc của ông ở nghĩa trang hầu như đã choán hết thời gian.
Ông Giản cho biết, khoảng 3-4 giờ sáng mỗi ngày ông chỉ phụ giúp bà mỗi việc là đi lấy chả về để cho bà bán ở chợ huyện, sau đó ông lại trở về với công việc hàng ngày ở nghĩa trang. Ngoài công việc bán chả, để trang trải sinh hoạt gia đình và có tiền nuôi các con học hành, vợ ông còn bỏ mấy chiếc bàn nhựa ngay sát nghĩa trang để bán nước mía, nước dừa kiếm thêm đồng ra đồng vào. “Tôi chả giúp gì được nhiều cho bà nhà, may mà bà ấy đảm đang, hiểu và thông cảm cho chồng mà cáng đáng hết việc nhà để tôi toàn tâm chăm sóc nghĩa trang. Nhiều lúc tôi cũng thấy áy náy nhưng bà ấy lại động viên, các con cũng thương bố mẹ mà cố gắng học hành, giúp mẹ nên tôi cũng đỡ ra. 
Nếu không có sự sẻ chia của gia đình chắc tôi khó mà chuyên tâm được công việc hiện tại”, ông Giản cho hay. Cũng như ông Giản, ông Cư tình nguyện đến với việc chăm sóc nghĩa trang cũng vì ân tình với đồng đội. Nhà ông Cư ở tận thôn Nhan Biều 1, xã Triệu Thượng, cách nghĩa trang huyện gần chục cây số. Ông Cư năm nay 62 tuổi, mái tóc đã gần như bạc trắng. Ông Cư kể, ông gắn bó với nghĩa trang đã 6 năm nay. “Con cái tôi cũng đã trưởng thành và lập gia đình hết cả. Nhà chỉ còn mỗi tôi với bà. Ở quê cũng chỉ làm mấy sào ruộng với ít luống rau vừa để cải thiện vừa vui thú tuổi già. Cách đây ít lâu, khi biết tin ông Van qua đời, nghĩa trang chỉ còn mỗi ông Giản chăm sóc nên tôi quyết định tình nguyện ra đây để giúp ông ấy vừa để cùng chăm sóc cho đồng đội”, ông Cư cho biết.
Ông Cư đi chăm sóc nghĩa trang thì vợ ông ở nhà cũng xoay xở với gánh hàng rau bán ở chợ làng. “Nói chung tôi cũng chẳng giúp gì được cho bà ấy. Hồi thanh niên thì tôi đã tham gia du kích địa phương, sau đó làm xã đội trưởng xã Triệu Thượng, rồi làm loanh quanh việc làng việc xóm cũng mất mấy chục năm. Bây giờ tóc đã bạc thì tôi ra nghĩa trang này với các anh, may mà bà ấy cũng chịu khó nên tôi mới được thảnh thơi như thế này”, ông Cư tâm sự xen lẫn niềm thương đối với người vợ tảo tần của mình.

Làm ở nghĩa trang, cả hai ông cũng từng gặp nhiều chuyện vui buồn. Đó là chuyện hai ông bị một đoàn thân nhân liệt sĩ hiểu nhầm mà có lời lẽ không hay. Lần ấy, đúng vào lúc nghĩa trang đang nâng cấp các phần mộ thì có đoàn thân nhân của một liệt sĩ quê ở miền Bắc vào thăm. Sau đó chừng 1 năm, họ lại trở vào, lúc này nghĩa trang đã được nâng cấp hoàn thành. Lúc thăm lại mộ người thân, họ đã gọi hai ông vào nói rằng mộ người thân họ đã bị thay đổi vị trí. “Giải thích kiểu gì họ cũng không nghe nên sau đó chúng tôi giở sơ đồ mộ chí ra cho họ xem. Xem xong họ vẫn chưa tin nên chúng tôi phải cho số điện thoại ở Sở LĐ-TB-XH và Nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ để họ xác minh. Sau đó khi xác minh họ trở vào nhưng thái độ đã nhã nhặn và họ đã xin lỗi chúng tôi vì quá nóng giận mà hiểu nhầm. Chúng tôi cũng cảm thấy buồn nhưng hiểu tâm lý của thân nhân liệt sĩ nên cũng không suy nghĩ nhiều”, ông Cư kể lại.  

Ông Giản nhớ một lần cách đây không lâu, có một đoàn khách nước ngoài viếng nghĩa trang. Trong lúc thắp nhang lên các phần mộ, có một người đàn ông quốc tịch Pháp đã trên 80 tuổi bỗng nhiên oà khóc và khấn vái điều gì đó. “Thông qua cậu phiên dịch trẻ, tôi mới biết là ông ấy nói rằng, ông không ngờ binh lính Việt Nam đã ngã xuống nhiều như thế để bảo vệ Tổ quốc mình, và nhiều người trong đó vĩnh viễn nằm lại mà không có nổi một dòng tên. 
Ông nói ông từng là một lính viễn chinh Pháp, tham chiến tại chiến trường Việt Nam và mấy chục năm qua ông đã suy nghĩ, hối hận rất nhiều. Đứng trước nghĩa trang này, ông vừa cảm thấy tủi hổ và khâm phục lòng dũng cảm của những người lính bên kia chiến tuyến. Cũng từ lúc nghe được câu chuyện xúc động này, tôi thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để chăm sóc các đồng đội của mình”, ông Giản nhớ lại. Nghe ông kể, tôi bất giác đốt thêm những que nhang thành kính thắp lên mộ của các anh và lòng cảm thấy thanh thản lạ thường...