Chuyện tán tỉnh những mỹ nhân Hà thành ngày ấy và bây giờ...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954), dân số Hà Nội chỉ có khoảng hơn 400.000 người, chủ yếu sống trong 4 khu phố nội thành. Lớp trẻ ngày ấy được thừa hưởng cuộc sống hòa bình, tự do giữa một đô thị có nền văn hóa ngàn năm tuổi. Còn các cô gái Hà thành ngày ấy có nét đẹp duyên dáng, chân chất, mộc mạc của những người luôn đề cao truyền thống đất Tràng An.
Tứ đại mỹ nhân Hà thành thập kỷ 30 thế kỷ trước, gồm cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ, cô Nga Hàng Gai và cô Bính Hàng Đẫy

Tứ đại mỹ nhân Hà thành thập kỷ 30 thế kỷ trước, gồm cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ, cô Nga Hàng Gai và cô Bính Hàng Đẫy

1. Hơn nửa thế kỷ đi qua, giờ ôn lại những ký ức, kỷ niệm xưa sao mà đẹp, mà nên thơ đến vậy! Tuổi thanh niên mới lớn giữa một thành phố có nền văn hóa trải qua nhiều thời đại, ăn sâu trong lớp người sinh ra và lớn lên mảnh đất Hà thành. Quên sao được khi tiết thu se lạnh, chiều thứ bảy trên con đường Cổ Ngư là những chiếc xe đạp sóng đôi, tiếng cười hồn nhiên của các cô gái như hòa vào không gian của tháng 10.

Các cô gái Hà Nội ngày ấy rất giản dị trong trang phục, không phấn son trên khuôn mặt nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp của tuổi trẻ. Họ đi chơi phố cũng chỉ áo sơ mi trắng, quần đen bằng vải ta-tăng, chân mang guốc nhựa, tóc tết đuôi sam. Dù bình dị, mộc mạc, nhưng ở họ vẫn toát lên vẻ đẹp kiêu sa của con gái Hà Nội, từ dáng đi nhẹ nhàng cho đến phong cách ý tứ nơi công cộng. Trên đường phố người ta ít gặp những cuộc xô xát, to tiếng của những cô gái trẻ. Văn hóa của phụ nữ ngày ấy đã được giáo dục ngay từ gia đình, nhà trường, và họ cứ sống theo nề nếp ấy từ lời ăn, tiếng nói.

Hà Nội từ lâu đã là nơi sản sinh ra nhiều mỹ nhân. Đến nay hơn nửa thế kỷ, nhưng lớp thanh niên ngày ấy vẫn nhớ đến những cái tên như Phi Long (nhân viên Hiệu sách quốc văn Tràng Tiền), Phương “thuốc”, Hồng Hải, Thúy Vân, Hoàng Yến (nhân viên Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền) hay Minh Kính (sinh viên K6) và Bích Ngọc (sinh viên K8) được mệnh danh là “mỹ nhân khoa Hóa” của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Một sáng mùa đông bên quán cà phê phố cổ, tôi được nghe những mẩu chuyện của mấy vị tuổi U80 sống ở thời kỳ đó chuyện trò. Họ đưa ra những bình luận kiểu như “bây giờ Hà Nội sầm uất và hiện đại, ra đường nhiều cô gái ăn mặc sang trọng, đồ hiệu đắt tiền, mỹ phẩm cao cấp, khuôn mặt được chăm sóc từ cặp mắt đến đôi môi… nhưng vẫn không toát lên được cái đẹp của con gái Hà Nội xưa”.

Nghe những câu chuyện ấy, tôi hiểu là họ đang nhớ đến hình bóng những người đẹp mà tôi đã kể trên. Như Phi Long - cô gái có cái tên rất “kiếm hiệp” này đã làm biết bao chàng Hà Nội thầm yêu, trộm nhớ. Người thiếu nữ ấy đẹp như bức tranh mà người họa sĩ miệt mài tạo lên qua bàn tay nghệ thuật, từ cặp mắt đen nhánh nhìn ai cũng như hút hồn, khuôn mặt không son phấn nhưng lúc nào môi cũng mọng đỏ, nước da trắng ngần càng tôn đôi gò má ửng hồng. Cô đứng bán sách ở Tràng Tiền, ăn nói nhẹ nhàng, dáng đi uyển chuyển, ngày nào cũng có vài thanh niên lảng vảng “trồng cây si” hỏi mua sách, nhưng mục đích chỉ để làm quen. Cô đẹp đến nỗi chính các cô gái Hà Nội khác cũng đồn đại rồi rủ nhau đến tận quầy sách để… xem mặt.

Người đẹp Bạch Thược - một trong những người đẹp nức tiếng Hà thành xưa

Người đẹp Bạch Thược - một trong những người đẹp nức tiếng Hà thành xưa

Người đẹp Phạm Trinh Thư - Hoa khôi phố cổ Hà Nội

Người đẹp Phạm Trinh Thư - Hoa khôi phố cổ Hà Nội

Phi Long - một hoa khôi Hà thành khi còn là nhân viên Hiệu sách quốc văn Tràng Tiền (thập niên 1960-1965)

Phi Long - một hoa khôi Hà thành khi còn là nhân viên Hiệu sách quốc văn Tràng Tiền (thập niên 1960-1965)

2. Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền ngày ấy cũng có nhiều nhân viên nữ thuộc hàng tuyệt sắc giai nhân. Do yêu cầu ngành nghề phải tiếp cận khách hàng, ngành Thương nghiệp đã rất khắt khe khi tuyển dụng nhân viên đứng quầy phải có ngoại hình trẻ đẹp. Khác với ngày nay chỉ cần chiếc điện thoại thông minh là có thể kết bạn trên Facebook, Zalo, Tinder… và tha hồ chuyện trò, “buôn dưa”, tán tỉnh đến khi các cô gái “đổ” mới thôi, những chàng trai si tình ngày xưa chỉ có cách tiếp cận trực tiếp để làm quen. Nhiều người đẹp nhận còn được những lá thư tình không quen biết do vài đứa trẻ từ đâu mang đến. Ấy vậy mà có những kịch bản và vai diễn tốt theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” giúp anh chàng si tình thành công trong việc chiếm được trái tim người đẹp. Đó là câu chuyện có thật và đến nay đôi tình nhân ấy đã có 4 mặt con trưởng thành. Cô P xinh đẹp bán ở quầy văn phòng phẩm của Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền, thi thoảng lại có chàng thanh niên cao lớn xuất hiện mua hàng. Lúc thì chàng mua vài cái bút chì, cuốn sổ tay… Ban đầu cô P cũng không quan tâm đến vị khách, nhưng về sau thấy anh chàng thường xuyên xuất hiện nên cô quen mặt. Dù chàng trai không hề chuyện trò, tán tỉnh, nhưng có một chi tiết khiến cô P phải đặt dấu hỏi là lần nào anh ta cũng đưa tờ bạc mệnh giá lớn và không bao giờ lấy lại tiền thừa. Cho dù cô có gọi thế nào thì anh ta cũng không hề quay lại. Tính cách “lạ lùng” của vị khách làm cô P phải chú ý. Rồi một buổi tối tan ca giữa mưa phùn rét mướt mùa đông, chiếc xe đạp của cô P tuột xích. Đang loay hoay mãi mà vẫn không lắp vào được thì một chàng trai xuất hiện. Chỉ loáng một cái anh ta đã khiến mọi việc đã đâu vào đó. Cô P chưa kịp cảm ơn thì nhận ra ngay vị khách “kỳ lạ” vẫn mua hàng tại quầy của mình. Cô đỏ mặt ấp úng cảm ơn… và việc gì đến… đã đến.

Đấy, cái thời tình yêu đến với nhau đơn giản chỉ có thế. Nó bình dị, chân thành, nên thơ và không thiếu phần lãng mạn của lớp trẻ Hà thành những năm tháng xa xưa.