Kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Chuyện lạ về những cựu binh: Từ 'tổ trưởng quốc dân' đến người 16 năm quét đường không công

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiến tranh với bao mất mát và tột cùng nỗi đau đã lùi vào quá khứ. Những người lính một thời vào sinh ra tử nơi chiến trường máu lửa năm xưa trở về đời thường vẫn luôn phát huy phẩm chất cao đẹp của anh bộ đội cụ Hồ với nhiều việc làm có ý nghĩa thiết thực, giúp ích cho cộng đồng.

Từ ‘người tổ trưởng dân phố quốc dân’…

Đó là cách gọi rất thân thương của người dân trong khu vực mỗi khi nhắc đến ông Hoàng Xuân Khoa, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, tổ trưởng tổ dân phố số 7, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng sinh viên vừa rời ghế giảng đường đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, trở thành bộ đội nghĩa vụ. Suốt thời gian trong quân đội, ông đã dành trọn nhiệt huyết và tài năng của tuổi trẻ để cống hiến cho đất nước.

Hết thời hạn quy định, ông trở về công tác tại Phòng Kỹ thuật Công ty in Bộ Tài chính và sinh sống tại tổ dân phố số 7. Với bản tính nhanh nhẹn, trách nhiệm, gần gũi, thân thiện, hòa đồng với mọi người lại thêm đức tính nhiệt tình, chịu khó, không quản ngại khó khăn, không nề hà việc gì, ông Khoa được bà con tín nhiệm bầu làm tổ trưởng Tổ dân phố với số phiếu gần như tuyệt đối. Không phụ lòng tin của mọi người dành cho mình, ông đã hết lòng gánh vác những công việc và đưa tổ dân phố có sự khởi sắc rõ rệt.

Vốn là một tổ dân phố đông dân cư với thành phần khá phức tạp từ nhiều nơi chuyển đến, chủ yếu là lao động tự do, trình độ dân trí không cao, thậm chí không ít đối tượng dính vào tệ nạn xã hội như nghiện ngập, trộm cắp vặt nhưng từ khi ông nhận nhiệm vụ Tổ trưởng (năm 2020), bộ mặt của tổ đã hoàn toàn thay đổi.

'Tổ trưởng dân phố quốc dân' Hoàng Xuân Khoa bên sân bóng khang trang cho người lớn, khu vui chơi cho trẻ nhỏ

'Tổ trưởng dân phố quốc dân' Hoàng Xuân Khoa bên sân bóng khang trang cho người lớn, khu vui chơi cho trẻ nhỏ

“Những năm tháng trong quân đội đã khiến tôi trưởng thành. Tôi luôn tự hào và lấy tiêu chí “phẩm chất bộ đội cụ Hồ” để rèn luyện và tu dưỡng phấn đấu. Từ lúc còn là người lính đến khi trở thành người cán bộ sĩ quan trong quân đội, tôi luôn cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ” – ông Khoa chia sẻ.

Ở môi trường nào, ông Khoa cũng luôn phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người lính, không chùn bước trước những khó khăn thử thách, luôn đi đầu trong công việc, gương mẫu giản dị trong lối sống.

Hàng ngày ông đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, quan tâm động viên mọi người thực hiện tốt nếp sống văn hoá, giữ gìn vệ sinh khu phố sạch đẹp. Đều đặn cuối tuần, các ngõ ngách đều được quét dọn sạch sẽ, thông thoáng.

Trên các tuyến đường, con ngõ nhỏ, những chậu hoa rực rỡ bốn mùa cùng cây xanh bóng mát được trồng và chăm sóc cẩn thận. Nhiều khu vực trước đây ngập ngụa rác đã được đổ bê tông sạch sẽ làm sân bóng cho cư dân tập luyện.

Bên cạnh đó, ông Khoa còn tham mưu với cấp trên để cải tạo, nâng cấp trạm y tế cũ đã chuyển đi thành nhà sinh hoạt cộng đồng rộng rãi sạch sẽ thoáng mát. Hệ thống dây điện chằng chịt như mạng nhện trước đây đã được mắc lại cho an toàn và đẹp mắt.

Đặc biệt trong thời gia diễn ra dịch Covid-19, ông Khoa đã cùng đội xung kích lập chốt trực, ngày đêm canh gác, kiểm soát chặt chẽ để ngăn ngừa mầm dịch từ bên ngoài vào.

Không chỉ có vậy. ông Khoa còn làm tốt công tác vận động quyên góp ủng hộ của các doanh nghiệp, các mạnh thường quân, các cá nhân có tấm lòng vàng bằng những xe rau xanh, gạo, mì tôm, dầu ăn, nước mắm, lạc… và tiền mặt để giúp đỡ những người gặp khó khăn trong tổ dân phố. Ông trực tiếp chỉ đạo và giám sát việc phun khử khuẩn rồi hỗ trợ công tác tiêm chủng, đến từng nhà đôn đốc nhắc nhở đi xét nghiệm covid và tiêm vaccine…

Bất kể công việc gì, miễn người dân cần và giúp ích được cho họ thì ngày hay đêm, ông Khoa đều không quản ngại. Yêu mến người tổ trưởng hết lòng vì việc chung, nhiều người vẫn gọi ông là “người vác tù và hàng tổng”.

…đến người 16 năm quét đường không công

Với mỗi người dân nhà B3 khu chung cư Dự án Cầu Diễn, hình ảnh một ông già với mái tóc bạc trắng như cước và khuôn mặt đẹp lão nhưng có phần khắc khổ và đượm buồn vẫn ngày ngày cần mẫn đưa từng nhát chổi dài quét sạch lá rụng trên con đường phía sau khu chung cư vô cùng gần gũi và quen thuộc.

16 năm nay, ông Hoàng Liên An sinh năm 1957, hiện đang cư trú tại nhà B3 phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vẫn liên tục, cần mẫn quét đường không công để làm sạch đẹp môi trường xung quanh.

Xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng, sau khi đi học trường Thiếu sinh quân ở Trung Quốc trở về năm 1971, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, ông đã tình nguyện viết đơn tham gia vào đoàn quân “Nam tiến” và trực tiếp đánh thành Quảng Trị.

Dù nắng hay mưa, 16 năm nay, ông Hoàng Liên An vẫn liên tục, cần mẫn quét đường không công

Dù nắng hay mưa, 16 năm nay, ông Hoàng Liên An vẫn liên tục, cần mẫn quét đường không công

Sau giải phóng miền Nam, ông lại tiếp tục sang Lào và Cam phu chia tham cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Chiến tranh kết thúc, ông trở về E559 Bộ Tư lệnh Thủ đô, là Tiểu đội trưởng trực tiếp huấn luyện đội quân dự bị.... Rời quân ngũ trở về, sức khoẻ của ông đã giảm sút. Do kinh tế gia đình khó khăn, thỉnh thoảng ông An vẫn nhân vài cuốc “xe ôm” chủ yếu chở người quen, cả gia đình chỉ biết trông vào đồng lương hưu còm cõi của bà Thoa - vợ ông với vỏn vẹn 4 triệu đồng/tháng.

Mặc dù vậy, 16 năm qua không quản nắng mưa, với bản tính sạch sẽ và chịu khó, ông vẫn cần mẫn quét dọn sạch sẽ con đường ngõ ngách nơi mình sinh sống dù không được trả một đồng tiền công nào.

Vào mùa cây thay lá, con đường như trải một tấm thảm màu vàng. Có hôm ông phải quét hai, ba lần mới sạch. Quét đường từ lúc tuổi trung niên còn khoẻ mạnh nhanh nhẹn, đến nay dù tuổi đã cao, sức đã yếu bởi căn bệnh ung thư dạ dày hành hạ, nhưng hàng ngày ông An vẫn cùng cây chổi làm sạch đường phố như thể đó là việc của nhà mình.

Ngoài việc quét dọn mỗi ngày, ông An còn trồng và chăm sóc nhiều cây xanh bóng mát quanh khu chung cư khiến cả khu vực được phủ một màu xanh mát, cảnh quan được cải thiện đáng kể.

Ở chung cư B3, mỗi khi có việc gì, ông đều nhiệt tình tham gia và hô hào mọi người cùng làm. Nhà nào to tiếng cãi vã, ông thường can ngăn hòa giải. Ai nhờ giúp đỡ việc gì, ông luôn sẵn sàng.

Cách đây không lâu, khi phát hiện hỏa hoạn trong chung cư, với phản xạ nhanh nhạy dũng cảm của người lính đặc công được rèn luyện trong những năm quân ngũ, ông Anh đã leo lên căn hộ xảy cháy, phá khoá kịp thời cứu được cháu bé bị nhốt ở trong nhà một mình và hô hào mọi người dập tắt ngọn lửa để không lan sang nhà bên cạnh.

Không tính toán thiệt hơn, không vì sự khen chê của người đời, ông An đã âm thầm lặng lẽ đóng góp sức mình cho cộng đồng, cần mẫn làm những công việc đầy ý nghĩa, chẳng khác nào “Bông hoa nhỏ giấu hình hài trong cỏ/ Thơm hết mình mà chẳng thấy hoa đâu”.