Chuyện ít biết về vùng đất thiêng Ba Vì

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ba Vì là vùng đất cổ của nước Việt, là nơi xuất xứ của truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh làm nên tâm thức Việt Nam. Vùng đất này có nhiều di sản lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, nhưng có những chuyện cho đến nay vẫn còn ít người biết.
Đền Thượng còn gọi là Chính cung thần điện, là nơi thờ Đức thánh Tản Viên Sơn tọa lạc trên đỉnh núi Ba Vì ở độ cao 1227m

Đền Thượng còn gọi là Chính cung thần điện, là nơi thờ Đức thánh Tản Viên Sơn tọa lạc trên đỉnh núi Ba Vì ở độ cao 1227m

Làm đường lên Đền Thượng

Quanh khu vực núi Ba Vì hiện có hơn 100 đền, đình thờ thánh Tản Viên - Sơn Tinh, một trong 4 vị thánh được tín ngưỡng dân gian Việt Nam phong là “Tứ bất tử”. Đáng chú ý là 3 ngôi đền xây trên đỉnh, lưng chừng và chân núi Ba Vì gồm Đền Thượng, Đền Trung và Đền Hạ, đều là những ngôi đền cổ. Ở núi Ba Vì còn có một ngôi đền đặc biệt xây dựng năm 1999, đó là đền thờ Bác Hồ .

Vì ở vị trí cao nhất trên ngọn núi cao 1.296 mét nên Đền Thượng luôn được nhiều người quan tâm từ xưa đến nay. Nhưng Đền Thượng có từ bao giờ? Trong một ghi chép của người xưa thì: “Đền được xây dựng trong thời kỳ Bắc thuộc và được trùng tu vào đời vua Đường Ý Tông (860-874)”. Trong sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi soạn năm 1435 viết rằng: “Nhân Tông triều Lý sai thợ xây một cái tháp 20 tầng trên đỉnh núi”. Còn theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, đền được xây vào đời vua Lý Anh Tông (1145). Dù thời gian xây đền trong các tài liệu khác nhau, nhưng chắc chắn tính đến nay Đền Thượng cũng khoảng 1.000 năm tuổi.

Chuyện người xưa vận chuyển vật liệu lên xây đền từ hướng nào và con đường dân chúng thời đó lên lễ bái nằm ở đâu đã bị thời gian phủ lấp. Nhưng có một chuyện được ghi lại ở tấm bia trong chùa Vị Thủy (Sơn Tây), nội dung là năm 1902, Công sứ Muselier (Pháp) tại tỉnh Sơn Tây đã thực hiện một cuộc thám hiểm núi Ba Vì.

Khi đoàn thám hiểm lên đến Đền Thượng, Muselier đặt ra câu hỏi: Làm thế nào mà người Việt xưa có thể mang vật liệu lên đây để xây ngôi đền này? Và trên đỉnh Ba Vì, ông ta chứng kiến màu sắc mây ở đây luôn thay đổi, có lúc cùng với ánh nắng tạo ra khung cảnh mờ ảo đẹp lạ lùng, vì thế ông thấy câu thành ngữ “Nắng Sơn Tây, mây Ba Vì” là đúng. Sau chuyến thám hiểm, viên công sứ đã cho làm đường và trùng tu lại Đền Thượng.

Tuy nhiên, đến năm 1942 thì người ta thấy Đền Thượng chỉ còn lại phế tích với gạch vụn và gỗ đã mục nát. Sau này Đền Thượng mới được phục dựng lại.

Có khoảng 200 phế tích về khu nghỉ dưỡng người Pháp vẫn còn tồn tại trên núi Ba Vì

Có khoảng 200 phế tích về khu nghỉ dưỡng người Pháp vẫn còn tồn tại trên núi Ba Vì

Xứ sở cà phê đầu tiên ở Việt Nam

Khi đánh chiếm thành Hà Nội năm 1882 và sau đó bình định miền Bắc, thực dân Pháp đã vạch ra kế hoạch cho sự cai trị lâu dài. Paul Bert - Tổng Trú sứ Pháp ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ vốn xuất thân là một nhà sinh học. Ông ta muốn có những nghiên cứu về lương thực, rau quả, chăn nuôi gia súc để cung cấp lương thực, thực phẩm cho quân đội Pháp ở miền Bắc nên đã mời các nhà thực vật nổi tiếng nước Pháp khi đó là Benjamin Balansa sang Việt Nam. Vùng đất mà Balansa chọn nghiên cứu là núi Ba Vì và vùng xung quanh.

Giữa năm 1886, Paul Bert cử ông sang Java (Indonesia) tìm kiếm những loại cây trồng phù hợp và Balansa đã mang về nhiều giống cây, trong đó có 2 giống cây công nghiệp là canh ki na và cà phê. Cây canh ki na là nguyên liệu làm thuốc bồi bổ sức khỏe còn cà phê vốn là thức uống quen thuộc với dân chúng châu Âu. Khi Balansa mang được nhiều loại hạt giống về Bắc Kỳ thì Tổng Trú sứ Paul Bert đã chết vì kiết lỵ (1-11-1886), nhưng người kế nhiệm yêu cầu Balansa tiếp tục thực hiện công việc quan trọng này. Balansa đã ươm cây canh ki na ở độ cao 400 mét trên núi Ba Vì, nơi có những người Dao sinh sống, còn cây cà phê thì ươm dưới chân núi. Sau một thời gian, cây cà phê bị bệnh nấm Hemilleia, nhưng ông đã trị được và cây sinh trưởng tốt. Ông đánh giá cây cà phê hoàn toàn phù hợp với khí hậu Bắc Kỳ.

Hưởng ứng chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất do Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1897-1902) khởi xướng, nhiều nhà tư bản Pháp đã sang Việt Nam làm ăn. Năm 1898, ông Morice mua đất lập đồn điền đầu tiên ở Tùng Thiện, Ba Vì. Đến năm 1940 khu vực này có 41 đồn điền. Thế nhưng người trồng cà phê đầu tiên ở Ba Vì lại là Marius Borel. Sang Bắc Kỳ khảo sát, Borel nhận thấy cơ hội làm giàu từ trồng cà phê, nuôi dê, bò, làm pho mát cung cấp cho quân đội Pháp nên đã mua đất vùng Bất Bạt và Tùng Thiện, Ba Vì làm đồn diền.

Cho đến thập niên 20 thế kỷ 20, Borel có 13 đồn điền quanh Ba Vì với tổng diện tích hơn 2.000ha. Năm 1901, ông bắt đầu trồng cà phê. Giống cà phê mà ông trồng chính là những cây cà phê do Balanca đã ươm. Sau mấy năm cây cà phê đã cho quả, ông thuê dân quanh vùng thu hái rồi sơ chế. Một phần được rang xay tại Hà Nội cung cấp cho quân đội và Pháp kiều sống tại Bắc Kỳ, số còn lại xuất khẩu sang châu Âu. Thấy lợi nhuận, nhiều nhà tư bản Pháp cũng mua đất lập đồn điền ở các tỉnh Sơn La, Ninh Bình, Nghệ An… trồng cà phê, nuôi dê lấy sữa làm pho mát. Và từ Bắc Kỳ, cây cà phê bắt đầu Nam tiến rồi lên tận trên Tây Nguyên, nơi có loại đất bazan.

Năm 1883, Hà Nội xuất hiện bar rượu và quán cà phê ở phố Paul Bert (nay Tràng Tiền), khách hàng chủ yếu là binh lính, sỹ quan và Pháp kiều. Ban đầu, cà phê bán ở đây được đưa từ Pháp sang. Nhưng sang đầu thế kỷ 20, các quán cà phê Hà Nội đều bán cà phê trồng ở Ba Vì. Tháng 9-1940, Nhật đưa quân vào Việt Nam, lo sợ quân Nhật chiếm đoạt tài sản và tính mạng có thể không an toàn, các chủ đồn điền cà phê người Pháp đã bán rẻ đồn điền hoặc bỏ hoang để trở về Pháp. Từ đó cây cà phê dần biến mất khỏi Ba Vì.

Để chống lạnh, biệt thự của người Pháp trên núi Ba Vì luôn có lò sưởi

Để chống lạnh, biệt thự của người Pháp trên núi Ba Vì luôn có lò sưởi

Thị trấn sang trọng trên núi

Nhận chức Toàn quyền Đông Dương, Paul Doumer sang Việt Nam tháng 4-1897. Đặt chân đến Hà Nội ít lâu, ông ta đã đưa ra kế hoạch xây dựng các khu nghỉ dưỡng cho công chức, sỹ quan quân đội Pháp để tiết kiệm ngân sách vì chi phí cho những đối tượng này về Pháp nghỉ phép theo tiêu chuẩn ngốn khoản tiền rất lớn.

Ngày 23-7-1897 Paul Doumer ký công lệnh cho khảo sát Ba Vì, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và Sapa (Lào Cai). Tuy nhiên công lệnh này đã vấp phải sự phản ứng của các bác sỹ vì họ cho rằng, độ cao của những dãy núi này không phù hợp với việc phục hồi sức khỏe do chênh lệch nhiệt độ quá lớn. Cuối cùng chỉ có Đà Lạt được xây dựng vào năm này, đến năm 1909 Sapa mới đưa vào quy hoạch và đón khách đầu tiên vào năm 1915.

Năm 1911, đến lượt Albert Sarraut sang nhậm chức Toàn quyền Đông Dương (1911-1913, sau này là Bộ trưởng Bộ Thuộc địa) đã đưa ra chương trình thúc đẩy du lịch nghỉ dưỡng quanh khu vực Hà Nội. Năm 1920, Ba Vì một lần nữa lại lọt vào tầm ngắm để quy hoạch xây khu nghỉ dưỡng trên cao với lý do gần Hà Nội. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, từ năm 1932 đến 1944 có tới hàng trăm biệt thự, khách sạn cùng các hệ thống dịch vụ mọc lên ở cốt 400, 600, 700, 800 trên núi Ba Vì.

Tại cốt 1.000 có họa sỹ người Việt là Trịnh Hữu Ngọc đã xây biệt thự, đưa cả gia đình lên đây sống. Năm 1951 Việt Minh tấn công một đồn Pháp trên cốt 600 nên các chủ biệt thự bỏ xuống núi, kể từ đó cho đến thập niên 70 thế kỷ 20 các biệt thự này bỏ hoang. Đầu những năm 1980, nhiều người dân quanh chân núi đã lên đây phá các biệt thự để lấy sắt, gạch, trang thiết bị… khiến khu nghỉ dưỡng sang trọng một thời chỉ còn phế tích.