Chuyển hướng điều hành

(ANTĐ) - Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 đánh dấu sự chuyển hướng điều hành kinh tế của Chính phủ. Chính phủ quyết định chấm dứt gói hỗ trợ cho vay ngắn hạn, không tiếp tục kéo dài thêm 3 tháng. Xây dựng ngay hàng rào kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế để chống nhập siêu.

Chuyển hướng điều hành

(ANTĐ) - Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 đánh dấu sự chuyển hướng điều hành kinh tế của Chính phủ. Chính phủ quyết định chấm dứt gói hỗ trợ cho vay ngắn hạn, không tiếp tục kéo dài thêm 3 tháng. Xây dựng ngay hàng rào kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế để chống nhập siêu.

Tiếp tục kéo dài gói hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn đến hết năm 2010, nhưng điều chỉnh lại đối tượng được hưởng theo hướng tập trung, đặc biệt đầu tư vào nông thôn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều chỉnh chính sách tín dụng linh hoạt…

Chuyển hướng điều hành kinh tế không phải là đổi hướng mà là “lái” nó theo hướng phù hợp với tình hình phát triển bởi Quỹ Tiền tệ quốc tế đã báo trước những tín hiệu tái lạm phát có thể diễn ra trên toàn cầu. Cho nên việc điều chỉnh chính sách tiền tệ, điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ chính là điều chỉnh “từ xa” phòng tránh nguy cơ đó.

Tương tự, việc không tiếp tục hỗ trợ cho vay ngắn hạn cũng là động thái ứng phó linh hoạt theo tình hình cụ thể để ổn định tỷ giá và thị trường, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. “Bóng đen” lạm phát đang ám ảnh cả thế giới. Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi khá ấn tượng, nhanh hơn cả Thái Lan, Indonesia…

Song, sự phục hồi đó, thể hiện trên giá trị sản xuất công nghiệp lại phụ thuộc quá nhiều vào lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài và khai thác tài nguyên hơn là dựa vào các doanh nghiệp Nhà nước. Hơn thế, trong khi xuất khẩu “vật vã” hồi phục thì nhập khẩu lại tăng quá đà. Bình quân nhập siêu mỗi tháng đã trên 2 tỷ USD, đạt “kỷ lục” 10 tỷ USD, chưa kể nhập khẩu vàng.

Dự báo của các chuyên gia kinh tế, năm 2010 nước ta đối mặt trước nhiều rủi ro lớn tầm vĩ mô như thâm hụt ngân sách khoảng 10% GDP, thâm hụt thương mại và cán cân thanh toán, áp lực phá giá đồng nội tệ và rủi ro tỷ giá. Nền kinh tế thế giới “ấm” dần lên, đồng nghĩa với việc giá cả tăng trở lại, trong khi nước ta đang nhập siêu. Trên thị trường nội địa, những rủi ro có thể xảy ra là giá hàng hóa căn bản đang rục rịch tăng, sự thay đổi đột ngột về môi trường chính sách.

Vì vậy, thách thức lớn nhất của nền kinh tế nước ta trong năm 2010 là không được để tái lạm phát “trỗi dậy”. Một chuyên gia kinh tế cấp cao khuyến cáo vấn đề “sống còn” của nước ta hiện nay là cơ cấu lại nền kinh tế, bởi vì nhiều mô hình kinh tế sử dụng tiền vốn và lao động nhiều mà không mang lại hiệu quả do đầu tư dàn trải. Đồng thời cần điều chỉnh lại sự mất cân đối giữa tỷ lệ đầu tư trong nước và nước ngoài.

Trong năm 2008, đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép chiếm tới 71 tỷ USD, trong khi đầu tư trong nước chỉ có 20 tỷ USD. Điều chúng ta cần nhất là huy động vốn nước ngoài để đầu tư vào những dự án của doanh nghiệp trong nước, chứ không phải là trao cho các nhà đầu tư nước ngoài quản lý, điều hành, thu bộn tiền rồi chuyển về nước họ.

Nền kinh tế đang thực sự phục hồi tốt, song dư luận trông chờ hơn cả là phục hồi một cách chắc chắn và ổn định. Bởi nếu đẩy nhanh quá trình này, kinh tế vốn chưa thật ổn định lại có thể bị tổn thương. Quả thực, quá trình phục hồi nền kinh tế chưa bao giờ bằng phẳng và vì thế sự chuyển hướng điều hành kinh tế của Chính phủ là quyết định mang tính chiến lược chứ không phải là giải pháp tình thế, tức thời.

Trước mối lo ngại về tình hình giá vàng tăng cao và chỉ tiêu lạm phát cả năm khó đạt dưới 7%, Thứ trưởng Bộ Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đều khẳng định, mặc dù giá vàng tăng và giá cả cuối năm có biến động, nhưng theo tính toán thì chỉ số lạm phát cả năm vẫn không thể vượt quá mức 6%.

Đan Thanh