Chuyên gia chỉ cách nhận diện và phòng tránh bắt nạt học đường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thống kê sơ bộ, Viện sức khoẻ tâm thần Bệnh viện Bạch Mai hàng tháng tiếp nhận khoảng 3-4 trường hợp bệnh nhân tới khám có biểu hiện bị bắt nạt học đường. Số ca tăng vào giai đoạn nghỉ hè hoặc vừa bước vào năm học mới.

Từ vụ nữ sinh lớp 10 ở một trường chuyên của tỉnh Nghệ An bị bắt nạt dẫn đến quyết định quyên sinh, đến vụ nữ sinh lớp 8 ở Hà Nội bị "đánh hội đồng" mới đây gây xôn xao dư luận, dấy lên những lo lắng cho phụ huynh về vấn nạn bắt nạt, bạo lực học đường.

Theo Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Yến - Phòng Sức khoẻ tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên, Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - bắt nạt học đường được chia làm 5 dạng: bắt nạt thể chất, bắt nạt bằng lời nói, bắt nạt bằng quan hệ xã hội, bắt nạt qua mạng và bắt nạt tình dục. Ngoài ra còn hình thức bắt nạt tập thể (nhiều cá nhân bắt nạt một người theo bất kể loại bắt nạt riêng lẻ nào).

Bác sỹ Nguyễn Hoàng Yến - Viện sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai

Bác sỹ Nguyễn Hoàng Yến - Viện sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai

Hành vi bắt nạt là một vấn đề nghiêm trọng ở trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học. Bắt nạt học đường tác động tới sức khoẻ thể chất, nỗi đau xã hội, các vấn đề trầm cảm, lo âu, tự sát... Nó có tác động ngắn hạn và dài hạn. Nghiên cứu cho thấy, trẻ em bị bắt nạt có nhiều khả năng lo lâu hơn so với trẻ bị ngược đãi, trầm cảm và có hành vi tự làm hại bản thân ở tuổi trưởng thành.

Các dấu hiệu cảnh báo về việc bị bắt nạt như cảm xúc thay đổi, thường xuyên ốm hoặc chấn thương không rõ nguyên nhân, thay đổi hành vi ăn uống, ít ngủ hay gặp ác mộng, học hành sa sút, mất hoặc hư hỏng đồ đạc, thay đổi trong cách sử dụng mạng internet...

Thực tế tình trạng bắt nạt học đường kéo dài dẫn đến những vụ việc đáng tiếc, thương tâm. Điều ngạc nhiên là trong số các nạn nhân có cả học sinh trường chuyên, tức là rất thông minh, nhưng vẫn sợ hãi trước những lời đe dọa của kẻ bắt nạt nên không dám mách người lớn.

Lý giải điều này, bác sỹ Nguyễn Hoàng Yến chỉ ra một nguyên nhân đến từ yếu tố tâm lý, khi ở độ tuổi thanh thiếu niên, đa số đều muốn chứng tỏ mình có thể tự giải quyết được vấn đề, nếu nói ra sợ bị đánh giá là yếu đuối, kém cỏi, dựa dẫm vào người lớn…

Bàn thêm về vấn đề này, Thạc sỹ, Bác sỹ Lê Công Thiện - Trưởng phòng Sức khỏe tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên, Viện sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai - cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến bắt nạt học đường kéo dài, có thể do nạn nhân giấu, hoặc có từng nói nhưng bố mẹ, giáo viên chủ quan nghĩ mâu thuẫn, đánh nhau giữa trẻ với trẻ là chuyện thường tình.

"Trẻ em ít khi nói dối, vì thế phụ huynh hay giáo viên cần phải có niềm tin. Khi trẻ đã phản hồi thì phải tiếp nhận, đánh giá thông tin, mức độ vụ việc. Bất cứ thông tin nào cũng đều có giá trị, không nên thờ ơ", bác sỹ Lê Công Thiện nhấn mạnh.

Thạc sỹ, Bác sỹ Lê Công Thiện (bìa trái) cho rằng phụ huynh, giáo viên cần có niềm tin vào trẻ

Thạc sỹ, Bác sỹ Lê Công Thiện (bìa trái) cho rằng phụ huynh, giáo viên cần có niềm tin vào trẻ

Để phòng ngừa và xử lý bắt nạt học đường, các chuyên gia của Viện sức khoẻ tâm thần Bệnh viện Bạch Mai chỉ ra các biện pháp như can thiệp dựa vào nhà trường: xây dựng môi trường “nhà trường nói không với bắt nạt học đường”; Giáo dục cho học sinh về việc tôn trọng quyền cá nhân, sức khoẻ, nhân phẩm của người khác; Tăng cường vai trò của giáo viên, nhân viên tâm lý và gia đình trong đánh giá và giải quyết các vấn đề về bát nạt học đường; Khuyến khích những phương thức ứng phó thích hợp và tìm kiếm sự hỗ trợ.

Can thiệp dựa vào cộng đồng như hợp tác liên ngành trong việc giải quyết bắt nạt học đường, lập đường dây nóng về giáo dục, xử lý các khủng hoảng. Can thiệp tâm lý, liệu pháp cá nhân, liệu pháp nhóm, liệu pháp gia đình và can thiệp hoá dược.