Liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường có tính chất nghiêm trọng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước tình trạng liên tục xảy ra bạo lực học đường có tính chất nghiêm trọng, thậm chí gây án mạng, nhiều đơn vị chức năng được yêu cầu vào cuộc.
Liên tục các vụ bạo lực học đường nghiêm trọng khiến dư luận bức xúc

Liên tục các vụ bạo lực học đường nghiêm trọng khiến dư luận bức xúc

Từ đầu tháng 4/2023 đến nay liên tiếp các vụ bạo lực học đường nghiêm trọng đã xảy ra tại Quảng Trị. Trong đó, đáng chú ý nhất là vụ em Nguyễn Văn Q. (15 tuổi, học lớp 9, Trường THCS thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông) bị Lê Hữu Q. (15 tuổi, học lớp 9 Trường tiểu học và THCS Ba Lòng, huyện Đakrông) đâm chết.

Gần đây nhất là vụ nữ sinh lớp 8 trường THCS thị trấn Gio Linh bị bạn bắt quỳ trong nhà vệ sinh sau đó túm tóc đánh tới tấp vào đầu và mặt cũng khiến dư luận dậy sóng.

Trước vấn nạn này, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị đã được UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo tăng cường các giải pháp tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự trường học và phòng chống bạo lực học đường.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Sở GD-ĐT tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động giáo dục đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh.

Triển khai tập huấn, hội thảo về tâm lý học đường cho cán bộ quản lý, giáo viên trên toàn tỉnh để làm tốt việc tham vấn, tư vấn cho học sinh. Chỉ đạo các Phòng GD-ĐT, các đơn vị, trường học tăng cường xây dựng văn hóa học đường; trong đó đặc biệt quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng xử lý các tình huống cho học sinh.

Ngoài việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống vào nội dung, chương trình môn học, nhà trường cần phải trang bị cho học sinh các kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng về quản lý cảm xúc, ứng xử, giải quyết mâu thuẫn; giáo dục kỹ năng sử dụng mạng xã hội và cách ứng xử trên mạng xã hội. Đồng thời, tạo cho các em nhiều sân chơi, hoạt động lành mạnh, ý nghĩa và phù hợp với đặc thù lứa tuổi…

Xây dựng và thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương, nhất là cơ chế chia sẻ thông tin chính xác, kịp thời khi có dấu hiệu của vụ việc bạo lực học đường. Đồng thời, phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội của học sinh để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Nhà trường cần niêm yết tổng đài quốc gia "Bảo vệ chăm sóc trẻ em 111" và điện thoại của trường để học sinh biết và liên lạc khi cần thiết; xây dựng quy trình, rà soát, phát hiện nguy cơ có ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh.

Công an tỉnh Quảng Trị được yêu cầu vào cuộc tăng cường phối hợp với các trường học, địa phương để hướng dẫn, tập huấn, tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm đạo đức và bạo lực học đường; tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự trường học, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành giáo dục.