Chuyện Covid-19 mùa... siêu quậy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hơn chục đứa trẻ lau nhau từ 5 đến 13 tuổi đã biến tầng chung cư nhà tôi thành một bãi chiến trường, đồ đạc vứt bừa bãi từ trong nhà ra đến hành lang, nhà nào nhà nấy bị quần thảo tan tành. Đứa nào đứa nấy đầm đìa mồ hôi, ngày đầu tiên học ở nhà chống dịch trở thành ngày siêu quậy của chúng...
Trẻ con cũng có những nỗi khổ của riêng mình mùa… Covid-19

Trẻ con cũng có những nỗi khổ của riêng mình mùa… Covid-19

18h ngày 3-5-2021.

Điện thoại của tôi có chuông báo tin nhắn mới. Cô giáo lũ trẻ nhắn với nội dung: “Ngày mai, các con ở nhà học trực tuyến qua Internet để phòng, chống dịch Covid-19”.

Đám trẻ con tiu nghỉu như mèo mất râu, đứa lớn phân trần: “Kế hoạch là mai con thi, mấy ngày nghỉ lễ bố mẹ bắt ở nhà để ôn thi, không cho đi đâu, giờ lại ở nhà tiếp thì đến bao giờ mới thi, bao giờ mới được ra khỏi nhà”.

Đứa bé đang tuổi đi mẫu giáo giậm chân bành bạch nhõng nhẽo: “Ở nhà chán lắm, con không ở nhà đâu. Ở nhà chả có gì chơi”.

Vợ tôi lại một phen sốt vó làm thế nào quản lý được bọn trẻ khi để chúng ở nhà.

Một tin nhắn báo bỗng dưng phát sinh ra bao nhiêu vấn đề!

Đợt dịch Covid-19 này “ập” vào Hà Nội sau kỳ nghỉ lễ dài ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 vốn đã được dự báo trước nhưng nhiều người vẫn tỏ ra ngỡ ngàng. Trước đó trên tivi, báo đài, mạng xã hội đã ngập tràn những thông tin, hình ảnh dịch bệnh tang thương ở Ấn Độ. Sáng 26-4, sau khi phát hiện 3 ca dương tính mới do nhập cảnh trái phép, Bộ Y tế đã cảnh báo về đợt dịch thứ tư và khuyến cáo người dân nên có kỳ nghỉ 30-4 và 1-5 phù hợp, hạn chế đi lại, tụ tập đông người để phòng tránh dịch bệnh nhưng các bãi biển Sầm Sơn, Vũng Tàu… vẫn chật như nêm; các con đường ra vào cửa ngõ Thủ đô sáng 29-4 và ngày 2-5 vẫn ùn hàng cây số.

“Đợt dịch Covid-19 này “ập” vào Hà Nội sau kỳ nghỉ lễ dài ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 vốn đã được dự báo trước nhưng nhiều người vẫn tỏ ra ngỡ ngàng… Lệnh đóng cửa các quán ăn vỉa hè, dừng các dịch vụ không thiết yếu, cho học sinh học qua Internet… được ban hành là điều tất yếu. Sự thiệt hại đối với người dân, nền kinh tế khi phải tạm ngưng các dịch vụ, hạn chế đi lại, hạn chế giao thương vẫn có thể chịu đựng được, nhưng việc tiếp tục phải “nhốt” bọn trẻ con ở nhà học online với nhiều gia đình thành phố thực sự là điều hết sức khó thích nghi bởi không thể tìm được người trông trẻ”.

Nhà báo Ngô Chí Tùng

Lúc đó, với nhiều người, dịch bệnh vẫn ở đâu đó rất xa, chả liên quan gì đến mình. Đến khi ổ dịch ở quán Karaoke Sunny, TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc bùng phát do tiếp xúc với những người đàn ông đến từ Trung Quốc, tiếp đến lực lượng Công an Hà Nội liên tiếp bắt được hàng chục người Trung Quốc nhập cảnh trái phép thuê nhà ở ngang nhiên giữa các khu chung cư đông người thì sự việc đã trở nên căng thẳng. Lệnh đóng cửa các quán ăn vỉa hè, dừng các dịch vụ không thiết yếu, cho học sinh học qua Internet… được ban hành là điều tất yếu.

Sự thiệt hại đối với người dân, nền kinh tế khi phải tạm ngưng các dịch vụ, hạn chế đi lại, hạn chế giao thương vẫn có thể chịu đựng được, nhưng việc tiếp tục phải “nhốt” bọn trẻ con ở nhà học online với nhiều gia đình thành phố thực sự là điều khó thích nghi bởi không thể tìm được người trông trẻ. Đợt dịch sau hè năm ngoái, gần khu chung cư nhà tôi có trường hợp F1 nên cả chung cư tự “đóng cửa”, nhà nào nhà nấy nhốt trẻ trong nhà không dám cho ra ngoài.

Sau đợt dịch đứa nào cũng tăng cân vùn vụt. Thằng bé hàng xóm học lớp 5, chả biết học online được chữ nào nhưng tăng gần 10kg, bố mẹ than trời. Khổ nhất mấy gia đình có con học lớp 1, bọn trẻ chưa biết gì về máy tính nên bố mẹ phải học cùng con. Các ông bố bà mẹ ở nhà vừa bật máy tính cho con học, vừa làm việc nhà nên không để ý chuyện ăn mặc, cứ tuềnh toàng lên cả màn hình khiến thầy cô giáo của con đôi khi phải… “bỏng mắt”.

Hương. Bạn tôi. Hiệu trưởng một trường tiểu học thuộc quận Nam Từ Liêm kể có những pha giáo viên dở khóc dở cười khi chứng kiến cảnh phụ huynh thay đồ, hay ăn mặc mát mẻ lọt nguyên vào camera khi dạy học online dù nhà trường thường xuyên nhắn tin đề nghị phụ huynh lưu ý trang phục khi đến gần khu vực máy tính của con đang học. Nhiều cô giáo than phiền, không thể quản lý chặt được học sinh vì khi tự học ở nhà, ngồi trước máy tính nhưng chúng có nghe thầy, cô giảng hay mở các cửa sổ màn hình khác ra chát chít, nghe nhạc, hoặc đọc những thứ khác với nhau thì không thầy cô nào kiểm soát nổi.

Rút kinh nghiệm từ những đợt dịch trước, sau khi nhận được thông báo cho trẻ con học ở nhà, ông hàng xóm, trưởng tầng nhà tôi vốn dân Viện Toán sau một hồi tính toán thiệt hơn bèn đưa ra đề xuất, đợt này bố mẹ không khóa cửa nhốt trẻ con trong nhà mà mở cửa, cho chúng chơi trong phạm vi tầng. Đề xuất ấy được cả tầng gật đầu cái roẹt. Lũ trẻ con không bị bố mẹ quản thúc trong nhà, đồ ăn được chuẩn bị sẵn từ sáng, được thoải mái chạy sang nhà nhau chơi nên đã biến thành “lũ giặc” từ lúc nào.

Nhà báo Ngô Chí Tùng

Nhà báo Ngô Chí Tùng

Chiều qua, khi tôi đi làm về, hơn chục đứa trẻ lau nhau từ 5 đến 13 tuổi đã biến tầng chung cư nhà tôi thành một bãi chiến trường, đồ đạc vứt bừa bãi từ trong nhà ra đến hành lang, nhà nào nhà nấy bị quần thảo tan tành. Đứa nào đứa nấy đầm đìa mồ hôi, ngày đầu tiên học ở nhà chống dịch trở thành ngày siêu quậy của chúng. Mấy ông bố, bà mẹ chỉ còn biết thở dài ngao ngán khi điện thoại ting ting tin nhắn của cô giáo thông báo các con không chịu học bài.

Dịch Covid-19 với những biến chủng mới chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Hệ quả tiêu cực của của nó thì ai cũng đã biết. Nếu như ý thức của từng người dân trong phòng chống dịch nâng lên thì chúng ta sẽ không tự làm khổ cho nhau.