Chướng ngại vật

ANTĐ - Trong buổi học cuối, vị giáo sư già thường ngày nổi tiếng nghiêm khắc của lớp bỗng nhiên hắng giọng nói: “Nào các em, chúng ta hãy cùng chơi một trò kỉ niệm - Vượt chướng ngại vật”. Nói rồi, thầy hướng dẫn cả lớp chăng 2 sợi dây thừng, sợi cao sợi thấp, vắt ngang phòng học; đặt thêm vài chiếc ghế lộn xộn dưới thềm bục giảng. 

Thể lệ trò chơi là: Người tham gia bị bịt mắt, trước tiên phải luồn lách qua 2 sợi dây, sau đó bước tiếp và né được những chiếc ghế để tiếp tục tiến đến bục giảng, điều kiện là không chạm vào chướng ngại vật, ai chạm sẽ bị loại. Trước khi chơi chính thức, người tham gia được thử đi 2 lần mà không cần bịt mắt.

5 sinh viên hăng hái xung phong chơi. Anh chàng thứ nhất dù đã rất cẩn thận nhưng một chân vẫn đá phải chiếc ghế. Cả lớp ồ lên cười. Rồi tiếp theo người thứ 2, 3, 4, 5 đều lần lượt lên “đấu trường”. Nhóm “khán giả” nhiệt tình “nhắc bài”: Nhấc chân lên, cao thêm tý nữa; Khom lưng đi, thấp xuống, thấp nữa đi; Sang phải một chút, cẩn thận đụng phải cái ghế... nhưng mấy sinh viên đó vẫn rất lóng ngóng, căng thẳng. Họ không hề biết rằng, khi cả 5 người bị bịt mắt, đến người chơi thứ 2, giáo sư đã ra hiệu cho dỡ hết dây thừng xuống và dẹp ghế sang một bên. Kỳ thực, chẳng còn chướng ngại vật nào.

Khi trò chơi kết thúc, cả 5 người được cởi khăn che mắt. Nhìn thấy gian phòng rỗng không, thoạt đầu họ ngạc nhiên, sau rồi như chợt hiểu ra, bèn cười vang. Đợi không khí rôm rả lắng xuống, giáo sư mới ôn tồn nói: “Các trò sắp rời trường. Thầy không có gì để tặng các trò, chỉ có thể thông qua trò chơi này khuyên các trò: Trong cuộc sống, có những thứ tưởng là khó khăn, nhưng thực ra lại không tồn tại. Chướng ngại vật lớn nhất nằm trong tâm trí của chính chúng ta”.