Ca sĩ người Anh Lee Kirby ra mắt album “Việt Nam ơi!”:

Chúng ta chỉ cần sống 1 lần thôi

ANTĐ - 10 năm trước có một chàng thanh niên ngoại quốc đến từ Vương quốc Anh đã đặt chân đến Việt Nam. Bằng tình yêu vô hạn với quốc gia hình chữ S, anh đã nỗ lực và cố gắng không ngừng để rồi làm được những điều mà không phải người nước ngoài nào cũng làm được: học tiếng Việt, nói tiếng Việt, hát tiếng Việt và đi khắp Việt Nam. Kết tinh cho tình yêu ấy được anh “gói ghém” trong “Việt Nam ơi!” - một album, một tour diễn xuyên Việt. 

Chúng ta chỉ cần sống 1 lần thôi ảnh 1


- Khán giả Việt Nam muốn biết nhiều hơn về anh? 

- Tôi sinh năm 1979, hiện tại đang là Giám đốc điều hành trường ĐH Ashbourne tại Kensington, Thủ đô London - ngôi trường mà cha tôi đã quản lý trong suốt 30 năm qua. 

- Anh đặt chân đến Việt Nam khi nào? 

- Cũng đủ lâu rồi, 10 năm trước. Ngôi trường tôi đang làm việc hiện có khoảng vài chục sinh viên người Việt Nam đang theo học, chính các em đã mời tôi đến thăm quê hương xinh đẹp của các em. 

- Và lời mời đó đã không làm anh thất vọng? 

- Tôi chưa bao giờ đến châu Á, văn hóa ở những quốc gia này rất khác với văn hóa châu Âu. Khi đến hồ Gươm tôi đã gặp một người đàn ông Việt Nam, anh ấy không nói được tiếng Anh, còn tôi thì không trò chuyện được bằng tiếng Việt nhưng chúng tôi vẫn có thể giao tiếp được với nhau bằng ngôn ngữ cử chỉ. Anh ấy mời tôi đi xe máy với anh ấy thăm quan vòng quanh Hà Nội. Đi từ ấn tượng sang thích cuộc sống ở nơi đây, đặc biệt lúc 2, 3h sáng ngoài đường vắng bóng người, đây là lúc lý tưởng để tản bộ trong một không gian của thành phố vừa trầm mặc vừa bình yên. 

- Cuộc sống của anh thế nào trước khi có cuộc “gặp gỡ” với âm nhạc Việt Nam? 

- Khi còn trẻ tôi có một niềm đam mê đặc biệt với bóng đá, tôi tập và chơi bóng. Tại Anh tôi đã chơi bóng cho đội trẻ CLB Fullham. Khi sang Việt Nam tôi đã có 1 năm chơi bóng cho CLB Bưu điện TP.HCM. Quãng thời gian đó rất đặc biệt, tôi được tiếp cận tới ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Tôi thấy Việt Nam, lúc đó và bây giờ thay đổi nhiều nhưng vẫn giữ được những vẻ đẹp truyền thống, và đó chính là lý do tôi trở lại nơi đây nhiều hơn. Tôi có may mắn được đặt chân đến hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới, nhưng Việt Nam để lại trong tôi sự thân thuộc đặc biệt. Có lẽ người Việt Nam đã giúp tôi cảm thấy thân thiết và hiểu văn hóa Việt Nam hơn.

- Tại sao anh lại quyết gắn bó với nhạc Việt trong khi quê hương anh có một nền âm nhạc phát triển? 

- Nói thật tôi không biết tại sao! Năm 2008 lần đầu tiên tôi có cơ hội được biểu diễn những ca khúc tiếng Việt cho khán giả Anh tại nhà hát Mermaid, London trong chương trình VietSoc LSE Show. Và không thể quên ca khúc “Đêm thấy ta là thác đổ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, lúc đầu tôi không biết ý nghĩa của bài hát, thú thật đến giờ vẫn không hiểu. 

- Khó vậy những tại sao anh lại chọn những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để tiếp cận, tập luyện và biểu diễn? 

- Tôi biết Mỹ Tâm có một đĩa nhạc có tên “Ngày ấy và bây giờ” và sự hiện diện của ca khúc “Đêm thấy ta là thác đổ”, nó lạ và cuốn hút tôi. Từ đây tôi biết đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, biết đến “Diễm xưa”… 

- Anh học hát tiếng Việt như thế nào? Cuộc sống của anh thay đổi như thế nào khi đến Việt Nam?

- Ngày xưa khi nghe một ca khúc bằng tiếng Anh tôi không quá quan tâm đến phần lời, nhưng khi đến với âm nhạc Việt Nam, học tiếng Việt thì tôi đã chịu khó đọc lời ca khúc Việt, nếu không đọc sẽ không hiểu câu chuyện, sẽ không thể hát bằng cảm xúc được. Mỗi ca khúc Việt định hát có lẽ tôi phải đọc lời đến 1.000 lần để hiểu và phát âm chuẩn, hiểu từ và nghĩa bài hát, thỉnh thoảng tôi dịch lời Việt sang tiếng Anh, quá trình đó giúp tôi có cảm xúc hơn với bài hát. Tôi muốn cảm ơn âm nhạc Việt Nam bởi khi đến Việt Nam, chơi nhạc Việt, tiếp xúc với con người Việt Nam đã khiến tôi hiểu rằng luôn nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến bản thân mình - đó là điều thay đổi lớn nhất trong cuộc sống của tôi. 

- Một điểm “lạ” anh thấy ở Việt Nam trong âm nhạc? 

- Đó chính là hình ảnh Hà Nội trong âm nhạc Việt Nam. Lần đầu tiên đến Việt Nam, tôi đến Hà Nội và ngay lập tức yêu thành phố này. Có rất nhiều nơi đặc biệt ở Hà Nội, nhiều món ăn đa dạng, mùi hương hoa cỏ và cây cối. Tôi thường ngồi ăn cá bò khô nướng với xoài và tập hát. (Cười) Những chỗ ngồi san sát nhau tạo ra một cảm giác ấm áp mà bạn không thể nào tìm được ở một nhà hàng sang trọng, đó là cái hồn đáng quý! Có lẽ đó cũng là nguyên do tôi thích ca khúc “Em ơi Hà Nội phố”. Và “lạ” rằng có rất nhiều ca khúc viết về thành phố này, nó khác hẳn quê hương tôi, không ai sáng tác ca khúc về Thủ đô London. Từ cuộc sống đến âm nhạc và ngược lại, hầu hết các bạn rất yêu Hà Nội, nếu tôi có trót nói một điều chê bai Hà Nội sẽ được nhận lại một vẻ mặt không thích thú. Tôi thích London, thành phố số 1 tại Anh nhưng tôi không tự hào về nó như những người con của Thủ đô Hà Nội tự hào về thành phố này.  

- Cảm giác đầu tiên khi anh đứng trên sân khấu hát một ca khúc Việt Nam?

- Sợ! Nhưng thông điệp của tôi muốn truyền tới một người là chúng ta chỉ sống một lần thôi. Cuộc sống cứ nối tiếp, chúng ta chẳng thể đoán định được trước tương lai sẽ ra sao, cứ phải làm thôi. Lần đầu tiên lên sân khấu biểu diễn một ca khúc Việt Nam, tôi đã phải mất công chuẩn bị mất 1 tháng để giới thiệu về mình, về ca khúc, và tôi đã phải nghĩ ngợi và lo lắng rất nhiều khiến tôi không có sự thoải mái nhất định. Rồi tôi thấy nếu mắc lỗi, hát không chuẩn, nhưng cuộc sống dạy tôi rằng không sao, tôi sẽ sửa, sẽ thay đổi, sẽ hát bằng trái tim, bằng cảm xúc nội tại trong con người mình.  

- Cảm ơn và chúc anh thành công với âm nhạc Việt Nam!