Xung quanh việc khai quật mộ danh nhân Nguyễn Kiều:
Chưa rõ mộ thật - mộ giả
(ANTĐ) - Năm 2005, một ngôi mộ có xác ướp niên đại khoảng cuối thế kỷ 17 được phát hiện tại vườn đào Nhật Tân - Tây Hồ - Hà Nội. Và kéo theo đó là tin đồn, xác ướp trong ngôi mộ chính là của Tiến sĩ Nguyễn Kiều (chồng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm) còn ngôi mộ đang được dòng họ hương khói nằm cách đó không xa chỉ là mộ giả.
7 năm tìm tiếng nói chung
Năm 2004, việc di dời phần mộ Tiến sĩ Nguyễn Kiều trên cánh đồng Phú Xá - Nhật Tân bắt đầu được đưa ra bàn thảo. Khi đó, mộ nằm trong tình thế buộc phải di dời, do nằm trong diện tích quy hoạch hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây. Bắt đầu từ đó nổi lên nhiều cuộc tranh luận giữa con cháu cụ Nguyễn Kiều và Ban quản lý dự án xung quanh việc di chuyển phần mộ thế nào, nghi thức an táng ra sao, thống nhất nơi an nghỉ, cùng những hỗ trợ về tài chính cho việc di dời…
Cho đến thời điểm hiện tại, việc di dời phần mộ của Tiến sĩ Nguyễn Kiều không thể dừng được nữa vì từ đầu tháng 4-2011, đơn vị thi công đã tiến hành đào móng với độ sâu gần 20m và ngôi mộ chỉ cách miệng hố đào chưa đầy 3m. Bà Nguyễn Thị Sơn - hậu duệ của cụ Nguyễn Kiều cho biết, lo lắng trước tình trạng ngôi mộ có thể sụp xuống bất cứ lúc nào, nên hơn một tháng nay, dòng họ Nguyễn đã phải cắt cử người ra trông coi 24/24h.
Phần mộ của danh nhân Nguyễn Kiều |
Ngày 20-5, một cuộc họp (được cho là lần cuối cùng) đã được tổ chức với sự tham dự của đại diện dòng họ, đại diện UBND quận Tây Hồ, Hội Khảo cổ học, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội và Ban Quản lý dự án hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây. Tại đây, các bên đã đi đến thống nhất, di chuyển phần mộ Tiến sĩ Nguyễn Kiều về nằm cạnh mộ của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, đồng thời xây tường bao, tôn tạo lại cảnh quan để địa điểm này trở thành Khu tưởng niệm cặp vợ chồng thi sĩ đất Thăng Long.
Cũng tại cuộc họp này, các bên đã đồng ý sẽ tiến hành khai quật ngôi mộ của danh nhân Nguyễn Kiều và người phụ trách công việc này là PGS.TS Nguyễn Lân Cường (Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam), người đã từng khai quật mộ vườn đào 6 năm về trước và cũng là một chuyên gia kỳ cựu về khai quật mộ cổ.
“Nghi án” mộ thật, mộ giả
Trong khi mộ danh nhân Nguyễn Kiều còn đang trong tình trạng chờ di dời thì vào năm 2005, một ngôi mộ xác ướp vô chủ tình cờ được phát hiện trên cánh đồng đào Nhật Tân, chỉ cách mộ danh nhân Nguyễn Kiều chưa đầy 100m. Chủ nhân của ngôi mộ là một người đàn ông, căn cứ vào cách thức an táng và ướp xác thì chắc hẳn khi còn sống, người đàn ông này rất quyền thế. Điều đáng tiếc nhất, sau khi các nhà khảo cổ tiếp cận thì mọi thứ trong mộ đều đã bị lục tung lên.
Tấm minh tinh - ghi thân thế, sự nghiệp của người chết cũng không còn. Và người nằm trong ngôi mộ này là ai cho đến nay vẫn là một câu hỏi chưa được giải đáp. Tuy nhiên, ngay sau khi cuộc khai quật ngôi mộ xác ướp vườn đào kết thúc, cũng là lúc xuất hiện tin đồn, xác ướp kia chính là danh nhân Nguyễn Kiều và ngôi mộ có bia đề tên đàng hoàng gần đó, chỉ là mộ giả… Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường những suy diễn như vậy là chưa có đầy đủ cơ sở khoa học.
Theo “chuyên gia đào mộ” này thì tình trạng “mộ thật”, “mộ giả” không phổ biến tại Việt Nam trong khoảng thế kỷ 17-18, hơn nữa, việc xây mộ giả chỉ thấy ở những bậc vương giả gây thù chuốc oán quá nhiều mà thôi, còn theo sử sách, cụ Nguyễn Kiều là người nho nhã, giản dị và có công với dân với nước nên nhiều khả năng chỉ có một mộ mà thôi.
Dự kiến, cuối tháng 6-2011, việc khai quật mộ Tiến sĩ Nguyễn Kiều sẽ được thực hiện trước khi di dời về chôn cạnh mộ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm - cũng thuộc phường Nhật Tân. Và phải cho đến khi ngôi mộ này được khai quật mới có thể làm sáng tỏ được đâu là mộ thật, đâu là mộ giả.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường: “90% mộ có thi hài” - PGS.TS Nguyễn Lân Cường: Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ đào sâu vào chân mộ, làm lộ quách. Nếu đây là mộ xác ướp, thì chúng tôi sẽ tiến hành lấy mẫu nước, thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về chất ướp. - PV: Nói thế có nghĩa, ông khẳng định mộ sẽ có thi hài? -Tôi chỉ dám khẳng định đến 90% thôi. Như đã thống nhất với gia đình danh nhân Nguyễn Kiều. Nếu mộ không có thi hài, chúng tôi sẽ chuyển hướng nghiên cứu sang mộ vườn đào, được phát hiện năm 2005. Không loại trừ khả năng sẽ tiến hành giám định ADN. PV: Tại sao ông chắc chắn, đây sẽ là mộ hợp chất? - Ướp xác là táng thức phổ biến vào thế kỷ 17, thời Hậu Lê kéo dài cho tới đầu thời Nguyễn. PV: Đây không phải lần đầu tiên chúng ta phát hiện mộ hợp chất, tại sao cho đến nay mới đặt vấn đề nghiên cứu về chất ướp? - Nói thật là chưa bao giờ chúng tôi được tiếp cận với một ngôi mộ hợp chất nguyên vẹn, mà thường là khai quật “chữa cháy” khi mộ đã bị không khí và nước mưa xâm thực. Từ trước tới nay cũng chưa có cơ sở khoa học nghiên cứu về vấn đề này. |
Quỳnh Vân