Chưa chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng 2017

ANTĐ - Ngày 20-7, tại Hải Phòng, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp phiên đầu tiên để thống nhất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017. Do mức đề xuất của các bên vẫn còn khoảng cách khá xa nên Hội đồng chưa thể chốt được phương án cuối cùng.

Chưa chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng 2017 ảnh 1Mức tăng lương tối thiểu năm 2017 vẫn là ẩn số

Dù sức “nóng” của việc đàm phán tăng lương tối thiểu vùng năm nay đã giảm hơn so với các năm trước do mức tăng được đề xuất không quá cao. Tuy nhiên, kỳ vọng việc đàm phán sẽ sớm thống nhất được phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 ngay trong phiên đầu tiên đã không thành.

Trong phiên họp sáng 20-7, các thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia chủ yếu thảo luận các nguyên tắc xét duyệt tiền lương, các vấn đề liên quan đến mức sống của người dân nói chung và người lao động nói riêng, đưa ra dự báo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Kết thúc phiên họp buổi sáng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho biết, cuối phiên họp, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đã đưa ra 3 phương án tăng lương tối thiếu vùng năm tới.

Phương án thứ nhất là tăng mức lương tối thiểu tại mỗi vùng lên khoảng 10%, tương đương mức tăng thêm từ 250.000-350.000 đồng/tháng.

Phương án thứ hai có mức tăng thấp hơn là từ 230.000-300.000 đồng/tháng và phương án ba thấp hơn nữa, từ 100.000 - 200.000 đồng/tháng.

Đại diện người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn giữ nguyên phương án tăng lương như trong đề xuất đã gửi Bộ LĐ-TB&XH trước đó. Cụ thể, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính đề xuất phương án tăng lương tối thiểu ở mức tuyệt đối là từ 250.000-400.000 đồng/tháng, với tỉ lệ tăng bình quân khoảng 11,11%.

Theo đó, vùng 1 dự kiến tăng thêm 400.000 đồng, vùng 2 tăng 350.000 đồng, vùng 3 tăng 330.000 đồng và vùng 4 tăng 250.000 đồng. Trong đó, mức tăng ở vùng 1 đáp ứng cao nhất nhu cầu sống tối thiểu ở mức 92,85%, mức tăng vùng 3 đáp ứng thấp nhất nhu cầu sống tối thiểu với 88,5%.

Tổng Liên đoàn đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng như vậy vì qua khảo sát của cơ quan này, có 20% người lao động mức thu nhập không đủ sống và chỉ 8% làm việc có tích lũy, số còn lại sống chật vật với mức thu nhập của mình.

Tại phiên làm việc chiều 20-7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI đã chính thức đưa ra đề xuất mức tăng lương tối thiểu năm 2017 là từ 100.000-180.000 đồng/tháng cho 4 vùng, trung bình mức tăng là 4,62%. Theo VCCI, mức lương tối thiểu của Việt Nam đã cao hơn nhiều nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanmar.

Quan điểm của VCCI là phải tăng lương tối thiểu nhưng tăng ở mức doanh nghiệp có thể chấp nhận được. Nếu tăng lương tối thiểu quá nhanh và quá cao thì doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với các nguy cơ giảm chỉ số sản xuất, năng lực chi trả, năng lực cạnh tranh khu vực… Hơn nữa, tăng lương tối thiểu sẽ kèm theo các chi phí khác, cụ thể là phí bảo hiểm xã hội, chi phí lao động.

Như vậy, tới chiều 20-7, dù chưa thể chốt lại nhưng phương án đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2017 của các bên trong Hội đồng tiền lương quốc gia đã rõ. Đề xuất của các bên là căn cứ để xác định mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017.

Một thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết, dự kiến phiên họp bàn tiếp theo của Hội đồng sẽ diễn ra vào đầu tháng 8-2016.