Chủ tịch Hà Nội chia sẻ về tầm nhìn và giải pháp phát triển Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đến năm 2030, Hà Nội sẽ làm gì để trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD?
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ về tầm nhìn và giải pháp phát triển Thủ đô

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ về tầm nhìn và giải pháp phát triển Thủ đô

Sáng 8-11, tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đã giảng bài tại lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2025-2030.

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đã điểm qua những kết quả nổi bật của Thành phố về kinh tế, văn hóa, xã hội nhất là trong nhiệm kỳ 2016-2020, năm 2021 và 9 tháng năm 2022 so với giai đoạn trước; phân tích những hạn chế còn tồn tại và nguyên nhân; những bài học kinh nghiệm...

Đặc biệt, về mục tiêu tổng quát phát triển Thủ đô trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP cho biết: Đến năm 2025, Hà Nội sẽ xây dựng Đảng bộ Thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD.

Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Với các giải pháp cụ thể, trong lĩnh vực kinh tế, Hà Nội sẽ cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới toàn diện mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh...

Phát triển kinh tế tri thức, nâng tỷ trọng đóng góp kinh tế số trong GRDP lên khoảng 30% vào năm 2025. Hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số. Phát triển kinh tế đô thị, các mô hình và loại hình kinh doanh mới (kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn...).

Xây dựng hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN cùng với phát triển mạnh các dịch vụ số; Hoàn thành số hóa toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung về dân cư, đất đai, tài sản công… Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị Thành phố.

Tập trung phát triển nhanh một số ngành, lĩnh vực kinh tế số có tiềm năng như: Ngân hàng, tư vấn pháp lý, thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến, dịch vụ di chuyển, du lịch trực tuyến…

Xây dựng Chiến lược chuyển đổi số đưa Hà Nội sớm trở thành trung tâm về an toàn, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn của khu vực ASEAN.

Hà Nội cũng sẽ sẽ quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch gắn với thiết kế sáng tạo, quản lý, khai thác hiệu quả các không gian văn hóa công cộng, cảnh quan, di tích; khuyến khích phát triển các không gian văn hóa sáng tạo trong cộng đồng; gắn phát triển công nghiệp văn hóa với kinh tế du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa bền vững, có giá trị kinh tế cao.

Phát triển các trục không gian văn hoá dọc bờ Bắc và bờ Nam sông Hồng, trục kết nối không gian thành cổ Hà Nội và trục Tây Hồ Tây - Hồ Tây - Cổ Loa nhằm tổ chức các không gian lễ hội văn hóa, các sự kiện văn hóa lớn của Thủ đô;

Phát triển hài hòa giữa văn hóa và kinh tế, trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức đúng, hiểu biết sâu sắc, toàn diện về công nghiệp văn hóa. Phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và quan tâm, ưu tiên phát triển mạnh các ngành công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa, sớm hình thành thị trường sản phẩm dịch vụ văn hóa, thông tin lành mạnh.

Chủ tịch UBND TP cũng cho biết, Hà Nội sẽ kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh; chú trọng công tác phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Công an trong thẩm định đối với các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, thống nhất cơ chế phối hợp trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh; bảo đảm tính lưỡng dụng của các công trình, vừa đảm bảo phục vụ dân sinh vừa đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh khi có tình huống xảy ra.

Tăng cường các nguồn lực cho quốc phòng, an ninh, đầu tư mua sắm trang bị kỹ thuật hiện đại cho lực lượng vũ trang. Tiếp tục xây dựng, nâng cấp trường bắn, thao trường, bãi tập, trụ sở làm việc mới ban chỉ huy quân sự các cấp, các công trình phòng thủ của Thành phố và các địa phương trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh...