Chủ động phương án đảm bảo an toàn cho người dân ở nơi tập trung đông người trong dịp Tết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi tập trung đông người chào đón xuân mới 2023, Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội đã triển khai Phương án đảm bảo an ninh, trật tự lễ hội “Countdown” “Chào đón năm mới 2023” vào đêm 31-12-2022 và giải chạy Bán Marathon Quốc tế Việt Nam 2023” diễn ra quanh khu khu vực hồ Hoàn Kiếm vào rạng sáng 1-1-2023.
Lực lượng CAQ Hoàn Kiếm triển khai phương án đảm bảo ANTT lễ hội “Countdown” chào năm mới 2023

Lực lượng CAQ Hoàn Kiếm triển khai phương án đảm bảo ANTT lễ hội “Countdown” chào năm mới 2023

Chống dẫm đạp trong lễ hội “Countdown” chào năm mới 2023

Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, đã từ lâu, lễ hội đếm ngược (“Countdown”) chào đón năm mới đã trở thành sự kiện quen thuộc được diễn ra ở Thủ đô các nước vào thời điểm chuyển giao năm cũ. Năm nay, chương trình này tiếp tục được tổ chức tại khu vực hồ Hoàn Kiếm vào đêm 31-12 gồm 2 lễ hội “Countdown” (“Countdown đón chào năm mới 2023” và “Countdown chào đón năm mới 2023 Heineken Khởi sắc Tân Niên”).

Dự kiến cũng như mọi năm, các chương trình này sẽ thu hút hàng vạn người tham dự chào đón năm 2023. Ngay sau đó, vào lúc 4h sáng 1-1-2023, giải chạy “Bán Marathon Quốc tế Việt Nam 2023” do Liên đoàn điền kinh Việt Nam đứng ra tổ chức cũng sẽ diễn ra quanh khu khu vực hồ Hoàn Kiếm. Để đảm bảo công tác giữ gìn an ninh trật tự cho các hoạt động trên, Công an quận Hoàn Kiếm đã xây dựng kế hoạch, triển khai phương án ngay từ hôm nay (30-12). Đặc biệt, đối với phương án đảm bảo an ninh trật tự cho 2 lễ hội “Countdown”, Công an quận đã xây dựng nội dung phương án rất chi tiết.

Theo tính toán, đối với lễ hội “Countdown đón chào năm mới 2023” được tổ chức tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (hướng về phố Đinh Tiên Hoàng) thuộc cấp độ 2, với sự tham giai từ 3.000 đến hơn 5.000 người; lễ hội “Countdown chào đón năm mới 2023 Heineken Khởi sắc Tân Niên” được tổ chức tại địa điểm Quảng Trường Cách mạng Tháng 8 (vòng xoay trước Nhà Hát Lớn Hà Nội) thuộc cấp độ 3, với sự tham dự trên 5.000 đến dưới 1 vạn người.

Trung tá Dương Bảo Thạch, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông và trật tự Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, theo nội dung phương án, đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Công an quận chỉ đạo phân luồng giao thông từ xa, đồng thời bố trí các điểm gửi xe để phục vụ nhân dân. Một số tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm được thu gọn diện tích trống để phục vụ cho xe cứu hoả, cứu thương kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống có thể xảy ra. Đối với các công tác an ninh khác cũng được thắt chặt, kiểm soát như: tình trạng nhiều người sử dụng flycam không phép khiến cho một số hoạt động bị ảnh hưởng cũng được giám sát chặt, thậm chí lực lượng chức năng sử dụng biện pháp mạnh như bắn hạ nếu thấy cần thiết.

Khuyến cáo các bước an toàn trong đám đông

Liên quan đến việc tập trung đông người trong các sự kiện văn hóa, lễ hội dịp Tết, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội khuyến cáo và đưa ra các “nguyên tắc vàng” để đảm bảo an toàn khi lâm vào tình cảnh đám đông tụ tập hỗn loạn.

Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo biện pháp thoát nạn trong tình huống khẩn cấp

Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo biện pháp thoát nạn trong tình huống khẩn cấp

Rút kinh nghiệm từ vụ việc đặc biệt nghiêm trọng gây thương vong lớn ở lễ hội Halloween diễn ra tại Itaewon (TP. Seoul, Hàn Quốc), Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an) đã chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố đưa ra những khuyến cáo cơ bản nhằm trang bị, hướng dẫn kỹ năng thoát nạn khi xảy ra tai nạn, sự cố tại các sự kiện tập trung đông người.

Theo đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội khuyến cáo:

Bình tĩnh không hoảng loạn: Đây là điều đầu tiên và tối quan trọng. Chìa khóa để sống sót ở bất kỳ thảm họa nào sẽ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào khả năng kiểm soát sự hoảng loạn cá nhân, cũng như khả năng đánh giá tình hình và hành động ngay lập tức của cá nhân.

Quan sát, lưu ý tất cả các lối thoát ở địa điểm ngay khi đến nơi. Làm quen với môi trường xung quanh và xác định các lối ra cụ thể.

Nhận biết địa hình nơi mình đang đứng và nhận biết bầu không khí chung của sự kiện, cảnh hỗn loạn thường có thể được dự báo trước. Nếu bắt đầu cảm thấy không thoải mái, nên xem xét rời khỏi đó.

Xác định lối và đường thoát nạn tại địa điểm đứng. Có lối thoát hiểm nào không? Cửa có bị khóa không? Cửa sổ chấn song sắt hay kính? Trong khu vực có điểm nào cao không? Có cách gì trèo lên để thoát hiểm không?

Nếu bị chèn ép trong đám đông nên để hai tay thủ thế trước ngực để bảo vệ phổi và lồng ngực. Nếu có bị ngã cũng nên cuộn người lại, tránh nằm sấp hoặc ngửa có thể bị dẫm đạp nát lồng ngực.

Di chuyển thuận chiều “xuôi theo dòng người”, cùng theo đám đông, tuyệt đối không “ngược dòng” hoặc di chuyển theo hướng chéo thuận chiều, càng ra được ngoài “rìa” đám đông càng tốt.

Việc mặc gì, mang gì theo cũng giúp bạn cơ hội sống sót. Nên đi giày thể thao để có thể chạy được, cũng như di chuyển một cách thuận lợi.

Trong thời đại công nghệ 4.0, nên tận dụng triệt để các tính năng của điện thoại thông minh, khi đi sự kiện nên kiểm tra xem điện thoại có đầy pin không vì khi cần thiết có thể dùng làm đèn pin, có thể gọi điện, nhắn tin, gửi thông tin vị trí để được lực lượng cứu nạn, cứu hộ hỗ trợ.