Chủ động đề phòng hiểm họa

ANTD.VN - Theo các nhà khoa học, trong lịch sử ngành năng lượng hạt nhân, đã có không ít sự cố xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng. 

Sau 5 năm xảy ra thảm họa động đất, sóng thần, giới chức Nhật Bản vẫn phải tiến hành làm sạch phóng xạ trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima

Mặc dù, hiện nay công nghệ điện hạt nhân đã có nhiều cải tiến và ngày càng an toàn hơn, tuy nhiên không có công nghệ nào là an toàn tuyệt đối, khi sự cố xảy ra, hiểm họa là khôn lường bởi phóng xạ dịch chuyển không biên giới và không thể quan sát bằng mắt thường.

Do đó, nếu xảy ra rủi ro khi vận hành các tổ máy điện hạt nhân sát biên giới Việt Nam, hậu quả không chỉ Trung Quốc phải hứng chịu mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Bắc nước ta.

Theo TS Nguyễn Hào Quang, Phó viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, cần chủ động phòng tránh những hiểm họa đến từ sự cố hạt nhân. Việc cần làm ngay của các cơ quan chức năng Việt Nam là sớm hoàn thiện hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường ở tầm quốc gia. Mạng lưới sẽ giúp phát hiện sớm sự cố và kịp thời có phương án ứng phó. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi một lượng kinh phí đầu tư lớn vào cơ sở vật chất và con người.

Để dự án được thực hiện hiệu quả mà không tốn quá nhiều chi phí, ông Nguyễn Hào Quang cho rằng, trước mắt cần tập trung đầu tư thiết bị quan trắc tại các địa phương có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất khi xảy ra sự cố nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc là Quảng Ninh (Móng Cái, Bãi Cháy), Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An và Hà Nội (nơi đặt trung tâm điều hành mạng lưới).

Đại diện Cục An toàn và bức xạ hạt nhân - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Việt Nam vừa có trao đổi song phương với Trung Quốc về vấn đề điện hạt nhân của nước này. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ sang làm việc với phía Trung Quốc và có thể ký thỏa thuận cách thức trao đổi thông tin, đề phòng trường hợp xảy ra sự cố.