Chợ Long Biên ngày giáp Tết: Áo mỏng đêm cuối năm

ANTĐ - Chẳng ngại mưa gió, vất vả, những nữ “cửu vạn” chợ Long Biên chỉ mong ước sẽ có thêm manh quần, tấm áo cho những đứa con ở nhà, mong có thêm tiền mua thuốc chữa bệnh cho cha mẹ già. Những ngày giáp Tết, họ chỉ mong có đủ sức khỏe để cuộc mưu sinh không gián đoạn giữa chừng.

Chợ Long Biên ngày giáp Tết: Áo mỏng đêm cuối năm ảnh 1Nhiều phụ nữ vất vả nhọc nhằn mong có được cái Tết sung túc hơn

Trời không mưa, lưng áo vẫn ướt đẫm

Lẫn giữa dòng người đi sắm sửa đồ Tết tại chợ Long Biên, những người phụ nữ tha hương vẫn miệt mài trong vòng xoáy mưu sinh. Giữa cái  rét cắt da cắt thịt, các chị vẫn áo mỏng thấm đẫm mồ hôi. Những tiếng í ới gọi nhau nhận hàng, những bước chân thoăn thoắt, những cánh tay gầy nhưng rắn rỏi bốc hàng, gánh hàng, chuyển hàng… cứ đan vào nhau giữa sự xô bồ, náo nhiệt.

Họ mang trên mình những gánh hàng hóa nặng trĩu vai hay dùng hết sức lực để kéo xe hàng nặng gấp năm, gấp bảy lần trọng lượng cơ thể mình. Đó là cảnh diễn ra hàng đêm ở chợ Long Biên - nơi những người phụ nữ ở các tỉnh đổ về làm thuê. Có người đến từ Sóc Sơn nhưng cũng có chị từ Thái Nguyên, Phú Thọ, Hưng Yên… về đây làm thuê. Công việc của họ bắt đầu từ 9h tối cho đến 8h sáng hôm sau. Hết “ca”, có người về ngủ một giấc “qua loa”, rồi lại tranh thủ làm thêm việc khác. Đợt rét vừa rồi, khi nhiệt độ ban đêm xuống còn đến 4,5 độ C, họ vẫn bám trụ, bởi đó không chỉ là nghề, mà còn là miếng cơm manh áo hàng ngày, để nuôi dưỡng những ước mơ đời thường của họ.

Quệt vội giọt mồ hôi trên khuôn mặt khắc khổ và đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, chị Nguyễn Thi Hằng (36 tuổi, quê ở xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, chị thường làm việc từ 9h tối đến 6h sáng không ngơi nghỉ. Với đồ nghề là một chiếc đòn gánh cùng hai sợi dây thừng, chị đã vật lộn với cuộc mưu sinh ở chợ Long Biên nhiều năm. 

Chợ Long Biên ngày giáp Tết: Áo mỏng đêm cuối năm ảnh 2

Chị Hằng vất vả trong cuộc sống mưu sinh của mình

Chống chiếc đòn gánh làm điểm tựa để giải lao giữa những chuyến xe chở hàng, chị Hằng kể: “Nhiều lúc nhớ chồng con và phải dành dụm được ít tiền, tôi mới dám bắt xe về. Về đến nhà được vài giờ để nấu cho chồng bữa cơm, xem đứa con học bài rồi tôi lại bắt xe trở lại chợ cho kịp giờ làm”. Những ngày thường, chị kiếm được 200.000-300.000 đồng. Những ngày mùng 1, hôm rằm và giáp Tết như thế này, chị kiếm được khá hơn, khoảng 500.000-600.000 đồng một đêm. Ngước lên nhìn trời đêm, chị Hằng vẫn cười tươi: “Không cần áo mưa đâu em ơi, trời không mưa thì áo chị vẫn ướt vì mồ hôi mà!”. Chị nói vậy rồi lại tất tả quẩy quang gánh đi khi phía bên kia có tiếng gọi…

Niềm hy vọng dưới màn đêm

Không chỉ phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, những người phụ nữ như chị Hằng và nhiều người khác từng có “thâm niên” làm nghề vác hàng thuê ở chợ Long Biên còn phải đối mặt biết bao khó khăn và nguy hiểm. Để gánh hàng được nhanh hơn, còn nhận chuyến khác, có những người không ngần ngại “bắt mặt” những chiếc xe tải đang đi trong chợ. Nhiều người còn bị chủ hàng quát mắng, dọa dẫm, ép giá, thậm chí không trả tiền.

Dừng chân nghỉ sau gánh hàng nặng oằn vai, bà Nguyễn Thị Mì kể, chồng bà bệnh nặng, mất khả năng lao động, tiền thuốc men hàng tháng đắt đỏ nên làm không đủ để trả. “Mình lớn tuổi nên cũng yếu, làm chậm và có ít người thuê hơn.

Nhưng được đồng nào hay đồng ấy, còn sức thì còn làm, đỡ phiền đến con cháu, sau này già yếu thì mới dám cậy nhờ chúng nó”. Đếm được 60 nghìn đồng “thành quả” sau một đêm lao động, bà Mì trầm ngâm nhìn vào chuyến xe vừa chạy qua: “Tôi lúc nào cũng nhớ nhà và lo lắng cho chồng ốm đau nằm một mình ở quê. Nhìn người ta mua sắm Tết, cúng bái tổ tiên, tôi càng thấy chạnh lòng. Nhưng vì cuộc sống thì phải cố gắng! Tết này hy vọng sẽ vui hơn!”.

Cũng như bà Mì, gia đình chính là điểm tựa cho những nữ “cửu vạn” chợ Long Biên. Chị Hằng chia sẻ, cuộc sống khó khăn nhưng vợ chồng chị luôn mong ước con được học đại học, sau này có việc làm ổn định, không phải vất vả như cha mẹ. Chị tâm sự: “Nghĩ cũng tủi thân lắm. Cuối năm thấy nhà người ta sum họp, còn mình vẫn phải chật vật kiếm ăn nhưng thôi kệ, hy sinh đời mình để con có tương lai. Nghĩ thế cũng thấy đỡ tủi…”. Chính những đồng tiền chắt chiu từ những chuyến gồng gánh ở chợ Long Biên đã nuôi biết bao người con khôn lớn, vào đại học, thành tài, lập nghiệp, thành gia thất... Giá trị cuộc sống đối với họ là như vậy - luôn nằm ở thì tương lai.

Đêm cuối năm rét như cắt, dòng người vẫn tấp nập, vội vã nhưng những thân cò lặn lội ấy ấm lòng hơn vì nhiều chuyến hàng kẽo kẹt trên đôi vai gầy của họ, cũng là góp thêm vào cái Tết ấm áp ngày mai…