Chớ biến hợp tác xã thành lưỡng tính

ANTĐ - Tiếp tục ngày làm việc thứ 5, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, hôm qua (25-10), các đại biểu thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật Hợp tác xã.

Sửa đổi Luật Quản lý thuế cần tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

Điều luật gây bất lợi cho doanh nghiệp

Trong phiên thảo luận buổi sáng, nhiều ý kiến tập trung vào điều 42 dự thảo Luật Quản lý thuế về ân hạn 275 ngày sau thông quan. Dự thảo sửa đổi theo hướng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) phải nộp thuế trước khi được thông quan giải phóng hàng hóa. ĐB Thân Đức Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (đoàn Đà Nẵng) cho rằng: Việc sửa đổi có thể hạn chế hiện tượng lợi dụng chính sách gia hạn thuế để cố tình nợ thuế, nhưng mặt khác quy định này sẽ phần nào gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, ĐB Trần Du Lịch của đoàn TP.HCM phát biểu: “Nếu thay đổi điều khoản này thì tất cả các ngành nhập khẩu, chế biến cho xuất khẩu, chỉ tính lãi vay không ở mức bình quân ngoại tệ. Như vậy, với mức bình quân 12% thì chi phí tài chính tăng thêm 1,5 tỷ USD và chi phí giá thành xuất khẩu tăng 1,5%. Không lý do gì chúng ta lại thay đổi một cái đang bình thường để gây khó khăn cho doanh nghiệp”.

Báo cáo nhanh tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng: Về bản chất, việc sửa đổi với luật hiện hành giống nhau, chỉ khác phần bảo lãnh: luật sửa đổi đề xuất với Quốc hội là tất cả đều phải nộp phí bảo lãnh. Lý do sửa là vì nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiến hành thanh khoản với số tiền nợ thuế quá hạn là 1.497 tỷ đồng, trong đó có 500 tỷ đồng không thể thu hồi. Luật sửa đổi đã cân nhắc rất nhiều đến thực trạng ngành thuế. 

Vẫn chưa rõ bản chất của hợp tác xã

Đó chính là điều mà nhiều đại biểu quan tâm trong khi thảo luận về Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Trong báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày, phần lớn các ý kiến đều nhất trí với điều 4 về bản chất của hợp tác xã. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị định nghĩa hợp tác xã là loại hình doanh nghiệp đặc thù hoặc doanh nghiệp tập thể, làm rõ hơn bản chất hợp tác xã khác với doanh nghiệp. Xuất phát từ thực tiễn các ý kiến của ĐB Nguyễn Ngọc Hòa, đoàn TP Hồ Chí Minh (Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh, đơn vị chủ quản hệ thống chuỗi Siêu thị Co.op Mart) và ĐB Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội đều tập trung vào vấn đề này. ĐB Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân cho rằng: Hợp tác xã và doanh nghiệp đều là tổ chức kinh tế, đan xen nhau về hoạt động, nhưng để phân biệt sự khác nhau cần nhìn vào bản chất. Nếu quy định hợp tác xã là doanh nghiệp tập thể, vô hình trung lại thành một loại hình lưỡng tính, sẽ gây nên phức tạp, chồng chéo và dễ bị lợi dụng.