Chính trường châu Âu lại nổi sóng

ANTĐ - Tuần qua, thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt sụt giảm do lo ngại khu vực châu Âu khó có khả năng vượt qua khủng hoảng nợ công cũng như thoát khỏi cảnh suy thoái kinh tế trong năm 2012. Mây xám đã bao trùm khu vực châu Âu sau chấn động chính trị tại Hà Lan và những thông tin từ Tây Ban Nha, Anh và Pháp gây thất vọng cho giới đầu tư.

Các Chính phủ và các chính trị gia châu Âu đang phải đương đầu với chính người dân, các đảng phái đối lập và các quốc gia khác cùng khu vực để thông qua các chương trình cắt giảm ngân sách hà khắc. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã từ chức sau khi chính quyền Amsterdam - từng ủng hộ chính sách thắt chặt tài chính mạnh mẽ nhất trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã thất bại khi không thể đi đến thống nhất cắt giảm ngân sách 14 tỷ Euro. Việc Hà Lan thất bại trong đàm phán ngân sách, đứng trước nguy cơ bầu cử trước thời hạn khiến phần còn lại của châu Âu “đứng ngồi không yên”.

Một cuộc bầu cử trước thời hạn chắc chắn sẽ diễn ra với ưu thế có thể thuộc về phe của chính trị gia Geert Wilders-người từng đề xuất một cuộc trưng cầu dân ý về việc ở lại khu vực Eurozone và luôn tỏ rõ quan điểm không cắt giảm lương hưu có thể khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Đơn giản vì đây là một trong những nước giàu đảm nhận phần đóng góp chính vào Quỹ cứu trợ cho các nước nghèo ở châu Âu. Sự giải tán của Chính phủ Liên minh tại Cộng hòa Czech vào ngày 27-4, là dấu hiệu cảnh báo cho hai sự ra đi tiếp theo tại châu Âu. Chính phủ Hà Lan trở thành nạn nhân tiếp theo tại Liên minh châu Âu (EU) bị đổ vỡ vì di sản “nợ nần” của nội các tiền nhiệm, sau Romania, Italia, Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. 

Khi Hà Lan trở thành nỗi lo mới của Eurozone, thì tại Pháp, F. Hollande - ứng cử viên cánh tả của Đảng Xã hội Pháp, nhân vật đã từng hứa sẽ chấn chỉnh lại Hiệp ước ngân sách của châu Âu, dẫn đầu vòng một cuộc bầu cử Tổng thống Pháp và có khả năng trở thành Tổng thống Pháp trong cuộc đua vòng hai, báo hiệu một chiều hướng thay đổi chính trị tại châu Âu, nơi đang bị chia rẽ do cuộc khủng hoảng nợ. Châu Âu sẽ phải hứng chịu nhiều sóng gió mới khi số phận của Hiệp ước Tài chính châu Âu mới vừa được thông qua đã bị đe dọa nghiêm trọng khi Tổng thống Nicolas Sarkozy, vốn được coi là trợ thủ đắc lực của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc chiến chống lại nợ công của khu vực có thể sẽ thất cử vào tháng 5 tới. Bản thân bà Merkel cũng sắp phải đối mặt với một cuộc bầu cử khó khăn khi Liên minh cầm quyền đã xuất hiện những dấu hiệu rạn nứt với sự ra đi của cựu Tổng thống Christian Wulff và thất bại của đảng của Phó Thủ tướng Philipp Rösler trong các cuộc bầu cử Nghị viện bang.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone lại bắt đầu leo thang. Các nhà lãnh đạo Eurozone, vốn đang rối như tơ vò vì cuộc khủng hoảng nợ đang có nguy cơ nhấn chìm cả cựu lục địa. Theo thông báo chính thức được EU công bố ngày 24-4, dù 17 nước đã giảm thâm hụt ngân sách từ 6,2% GDP trong năm 2010, xuống còn 4,1% trong năm 2011, tổng nợ trong khu vực vẫn tăng 1,9 điểm phần trăm, lên đến 87,2% GDP. Đây là mức cao nhất kể từ khi đồng Euro được đưa vào sử dụng năm 1999. Hiện tại, bên cạnh các khoản vay để bù đắp thâm hụt ngân sách, nhiều quốc gia sử dụng đồng tiền chung Euro phải "cõng" cả khoản cứu trợ trị giá 386 tỷ Euro cho các "chúa chổm" Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), các khoản nợ quốc gia vẫn đang tăng bất chấp các biện pháp thắt lưng buộc bụng của các nước thành viên. 

Cách đây vài ngày giới chuyên gia nhận định, Tây Ban Nha đang trở thành một Hy Lạp thứ hai khi nước này xác nhận các khoản chi phí vay mượn ngắn hạn hiện đã cao gần gấp đôi so với tháng trước. Nếu chi phí vay mượn tiếp tục tăng, lúc đó Tây Ban Nha sẽ không trả được nợ - một khó khăn từng buộc Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp phải tìm kiếm các khoản cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU). Nhà kinh tế Mark Zandi của Tập đoàn Moody nhận định nếu Tây Ban Nha sụp đổ, lúc đó toàn bộ khu vực đồng Euro sẽ tan vỡ, mặc dù đến nay Tây Ban Nha dường như ở vị thế mạnh hơn Hy Lạp do có nền kinh tế cạnh tranh và chuẩn bị bán 86 tỷ Euro nợ năm nay. Không còn lạc quan, nước Anh cũng đang đối mặt với một cuộc chiến ngay trong nội bộ khi mà kế hoạch cắt giảm 10 tỷ bảng Anh chi tiêu phúc lợi của chính phủ đang bị Ủy ban Lao động và Hưu trí phản đối kịch liệt. 

Sự suy yếu kinh tế của khu vực châu Âu dường như đang đẩy nhanh tốc độ. Theo ông Thomas Klau, chuyên gia chuyên về quan hệ đối ngoại thuộc Hội đồng châu Âu, bên cạnh sự đổi ngôi trên chính trường, việc người dân mất niềm tin vào sự chèo lái của chính quyền trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn. Một cuộc khủng hoảng về xã hội đã và đang manh nha hình thành với các cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra trên khắp khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu. 

Mối lo sự đổ vỡ của đồng tiền chung Euro vẫn hiện hữu.