Chính quyền phường sơ suất, người dân chịu thiệt thòi

ANTĐ - Khi địa phương tổ chức phát tờ kê khai hiện trạng sử dụng đất để làm thủ tục mua nhà tái định cư, bà Nguyễn Thị Biểu, trú tại tổ 40 phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) đều thực hiện đầy đủ. Thế nhưng đã 7 năm trôi qua, gửi cả chục lá đơn kiến nghị, quyền lợi số đất nông nghiệp đang sản xuất của bà vẫn như bóng chim, tăm cá...

Gia đình bà Biểu khiếu nại suốt 7 năm trời nhưng không được giải quyết

Nhầm lẫn tai hại

Năm 1992 gia đình bà Biểu được HTX Đồng Tháp giao cho 5 suất đất nông nghiệp tại khu ao trên địa bàn để thả cá và kinh doanh dịch vụ. Để thuận tiện cho việc kinh doanh, gia đình bà Biểu đã tiến hành cải tạo toàn bộ diện tích vừa dùng làm nơi sản xuất vừa làm nơi ăn ở và cũng tại địa chỉ này bà đã khai báo tạm trú cho cả gia đình gồm 4 nhân khẩu. Năm 2005, khi UBND Thành phố Hà Nội tiến hành thu hồi đất để xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt, gia đình bà đã thực hiện bàn giao và kê khai toàn bộ hiện trạng sử dụng đất. Theo kế hoạch, những gia đình đã khai báo tạm trú và ăn ở ổn định tại đây sẽ được hưởng chế độ mua nhà tái định cư theo quy định của pháp luật về bồi thường và giải phóng mặt bằng.

Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà sau đó, tất cả các gia đình hàng xóm của bà Biểu đều được tiêu chuẩn tái định cư, nhưng riêng gia đình bà chỉ được nhận bồi thường về đất. Bà Biểu cho biết: “Tại thời điểm đó, khi không thấy có tên mình trong danh sách các hộ dân được tái định cư, chúng tôi đã gửi đơn khiếu nại lên UBND phường nhưng không hề được mời lên để giải thích hay có bất cứ động thái nào giải quyết khiếu nại”.

Theo quy định về giải quyết tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất để xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt thì danh sách các hộ dân được xét duyệt sẽ do UBND phường lập thành văn bản và trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt. Một trong những tiêu chí để các hộ được xét tái định cư là  phải ăn ở thường xuyên tại nơi có diện tích bị thu hồi. Và không hiểu nhầm lẫn ở khâu nào mà trong bản danh sách được UBND phường Thịnh Liệt lập lại ghi rõ gia đình bà Biểu “không ăn ở tại đây”.

Xác nhận của CAP Thịnh Liệt cho gia đình bà Biểu

Biết sai, nên sẽ sửa ngay?

Bà Biểu bức xúc: “Chắc chắn UBND phường lúc đó đã không xem xét hết hồ sơ xin tái định cư của nhà tôi. Khi chính quyền yêu cầu chúng tôi kê khai hiện trạng sử dụng đất và nộp hồ sơ xác nhận của công an phường về nhân hộ khẩu, chúng tôi đã gửi kèm theo 1 bản xác nhận có chữ ký rõ ràng của Trung tá Hồ Văn Phú – Phó trưởng Công an phường Thịnh Liệt xác nhận gia đình chúng tôi có hộ khẩu KT1 và 4 nhân khẩu ăn ở thường xuyên tại đây”. Để chứng minh bà Biểu đưa ra 1 bản Đơn xin xác nhận ghi rõ ngày 12-12-1995 mà Công an phường Thịnh Liệt đã đóng dấu. Điều đáng ngạc nhiên là, trong Biên bản họp để phường Thịnh Liệt xem xét tiêu chuẩn tái định cư cho người dân thì phần chữ ký của Công an phường xác nhận về việc ăn ở của người dân lại bị bỏ trống. Bà Biểu nói: “Rõ ràng là cuộc họp đã không có mặt của đại diện Công an phường, bởi nếu có mặt, các anh ấy sẽ xác nhận việc ăn ở thường xuyên của gia đình tôi. Đây chính là mấu chốt dẫn đến sự thiệt thòi của gia đình mà đã 7 năm nay chúng tôi đi khiếu nại vẫn chưa xong”.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Bùi Thanh Nhã – Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Liệt cho biết: “Trường hợp của bà Biểu rõ ràng khi xét tiêu chuẩn tái định cư đã có sự nhầm lẫn. Chúng tôi đã xem xét lại hồ sơ lưu, đồng thời căn cứ vào các văn bản gia đình mới cung cấp thì đáng lẽ họ phải được mua nhà tái định cư mới đúng. Tại thời điểm đó hội đồng ruộng đất đã làm thiếu 1 căn cứ quan trọng là bỏ qua xác nhận của công an phường. Tuy nhiên sự việc đã xảy ra quá lâu, những người tham gia việc xét duyệt từ năm 2006 phần lớn đã nghỉ hưu. Vì vậy hiện nay nếu lật lại vấn đề này cũng rất phức tạp bởi tất cả các phương án đều đã được phê duyệt từ lâu”. 

Tuy nhiên, ông Nhã khẳng định: “Đã phát hiện sai thì phải sửa để tránh bức xúc không đáng có và đảm bảo quyền lợi của người dân. Trước mắt UBND phường sẽ báo cáo UBND quận để xin ý kiến thành lập lại hội đồng ruộng đất. Sau đó hội đồng sẽ xem xét toàn bộ hồ sơ và trình UBND quận ra phương án xử lý với trường hợp cá biệt này”. “Khi UBND quận đồng ý thì tôi cho rằng vấn đề sẽ nhanh chóng được tháo gỡ. Nhà bà Biểu chỉ sai sót ở việc xác định ăn ở thường xuyên hay không thường xuyên, vì vậy chỉ  họp xét 1 nội dung này sẽ rất nhanh“ – ông Nhã nói.