Chiêu trò làm giá thuốc

ANTĐ - Bắt đầu từ ngày 1-6, Thông tư 50 về quản lý giá thuốc chữa bệnh sẽ có hiệu lực và được cơ quan chức năng hy vọng là công cụ đắc lực để ngăn chặn tình trạng giá thuốc “vượt rào” với những chiêu làm giá, kiếm lợi nhuận bất chính trên sức khỏe và tính mạng người bệnh. Liệu Thông tư 50 có bịt kín được những “kẽ hở” mà doanh nghiệp thường luồn lách để tăng giá?

Ảnh minh hoạ internet

Theo số liệu của Cục Quản lý dược, trong mấy năm nay giá thuốc vẫn “âm thầm” tăng liên tục, nhất là những tháng đầu năm nay, đưa tốc độ tăng trưởng thị trường dược phẩm lên trung bình 25%. Dự báo, con số này sẽ đạt trị giá khoảng 2 tỷ USD vào cuối năm nay. Có nghĩa là việc chi tiêu cho tiền thuốc men của người dân ngày càng tăng. Theo ước tính, tiền thuốc chữa bệnh bình quân đầu người ở nước ta trên 50 USD/người. Không giống như giá xăng dầu, gas, giá điện, giá thuốc cứ “lừ lừ” thẳng tiến, không gây xôn xao dư luận cũng không gặp bất kỳ phản ứng dữ dội nào. Cuối cùng chỉ có người bệnh, nhất là người bệnh nghèo “cắn răng” chịu thiệt thòi, trong khi các doanh nghiệp ung dung hưởng lợi béo bở.

Theo khảo sát của Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh dược phẩm, chỉ trong tháng 4 vừa qua, giá nhiều mặt hàng thuốc đã tăng tới trên 40%. Giải thích việc tăng giá, các nhà sản xuất, nhập khẩu thuốc thường vin vào chi phí giá đầu vào tăng cao. Thế nhưng, theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nguyên phụ liệu và nhóm mặt hàng dược phẩm những tháng đầu năm lại giảm tới 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Trên thực tế, công nghiệp dược Việt Nam cũng như nhiều ngành công nghiệp “lắp ráp” khác chỉ làm công đoạn gia công, đóng góp bán thành phẩm nhập khẩu; đa số thành phần làm ra từ nguyên liệu nhập.

Nhiều nhà máy dược phẩm mọc lên chỉ để làm một công việc đơn giản là đóng gói, dán mác hoặc sản xuất “ăn theo”, nhiều công ty dược chỉ “cắt lô” để dễ bề làm giá. Lẽ ra, các công ty này phải tiếp cận được các loại thuốc hết bảo hộ độc quyền để có thể sản xuất thuốc rẻ hơn cho người bệnh, thay vì phải nhập khẩu. Có những nhà máy, quanh năm chỉ sản xuất một vài loại thuốc nhức đầu, xổ mũi thông dụng, còn giám đốc thì sang các nước để “cắt lô” một số thuốc phân phối độc quyền về Việt Nam. Thủ thuật là, mua gom một lô thuốc trị bệnh tiểu đường, tim mạch từ hãng dược nước ngoài, đưa về Việt Nam phân phối độc quyền, kiếm lời rất nhanh. Khi đưa lô thuốc về, công ty phân phối lại qua các tầng lớp trung gian để kiếm lời. Chính chiêu trò “cắt lô” rất phổ biến này là mảnh đất cực kỳ lợi nhuận để doanh nghiệp dược dễ bề thao túng thị trường, đẩy giá. Tình trạng khan hiếm thuốc, thổi giá liên tục bởi những doanh nghiệp làm ăn theo kiểu “cắt lô” hoặc tạo ra những “liên minh đen tối” trong kinh doanh thuốc.

Thông tư 50 được trông chờ như một “liều thuốc” đặc trị căn bệnh nan y tăng giá thuốc trên thị trường. Việc quản lý giá thuốc ngay từ đầu vào liệu có giúp giảm bớt gánh nặng tiền thuốc trên vai người bệnh? Thông tư vẫn còn không ít “kẽ hở” mà doanh nghiệp có thể dùng chiêu trò làm giá thuốc.