Chiều nay, Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo chủ chốt

ANTĐ - Sáng nay, 8-1, Thành ủy Hà Nội đã khai mạc hội nghị lần thứ 11 BCH Đảng bộ TP. Một trong những nội dung quan trọng nhất của hội nghị lần này là tổ chức thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của TP.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Thành ủy Hà Nội là cấp ủy đầu tiên trong cả nước đã chủ động, nghiên cứu, xây dựng và ban hành Kế hoạch số 78-KH/TU, ngày 27/12/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về thí điểm thực hiện lấy phiếu tín nhiệm năm 2012 đối với cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý TP. Tại hội nghị lần này, Thành ủy sẽ triển khai tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các cá nhân các đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của TP.

Lần này, việc đánh giá có trọng tâm hơn, đối tượng được nhận xét, lấy phiếu tín nhiệm tập trung vào các chức danh cán bộ chủ chốt là những người đứng đầu cơ quan, đơn vị của thành phố và một số sở, ngành. Cụ thể, chiều nay, BCH Đảng bộ TP tổ chức thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội; các Phó Bí thư Thành ủy, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; các Phó Chủ tịch UBND TP.

Tiêu chí để đánh giá, nhận xét cán bộ lần này cũng đơn giản, cụ thể hơn. Trong đó, tập trung vào hai tiêu chí cơ bản nhất, có tác dụng tác động nhau, hình thành nên uy tín của người cán bộ. Đó là năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao và phẩm chất tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cá nhân cán bộ. Thông qua bỏ phiếu kín, phương thức đánh giá cán bộ sẽ bảo đảm dân chủ, công khai và minh bạch hơn. Người tham gia đánh giá không ngại bị va chạm, mất lòng, tránh được tình trạng nể nang, xuôi chiều; đồng thời, không sợ bị trù úm, định kiến nên việc đánh giá sẽ khách quan, thực chất hơn.

Thành ủy Hà Nội là cấp ủy đầu tiên trong cả nước tổ chức lấy phiếu tín nhiệm

Để đánh giá mức độ tín nhiệm đối với mỗi chức danh cán bộ, trên mẫu phiếu lấy ý kiến sẽ có 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Qua đó, người tham gia đánh giá biểu thị thái độ của mình. Sau khi lấy phiếu, kết quả đánh giá sẽ được công bố công khai tới những đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo cấp trên theo quy định.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, kết quả đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm cùng với những nguồn thông tin sẽ là kênh thông tin quan trọng khác để đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác. Đồng thời, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ có tác dụng góp phần khắc phục được hạn chế, khuyết điểm và tiêu cực để thực hiện tốt khâu khó nhất trong công tác cán bộ là "đánh giá cán bộ". Lấy phiếu tín nhiệm cũng là cụ thể hóa yêu cầu phát huy dân chủ trong Đảng, phát huy vai trò giám sát của tập thể và cá nhân đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ chủ chốt và người đứng đầu cấp ủy địa phương, đơn vị.

Sau khi thí điểm việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ  và một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của TP để rút kinh nghiệm chung, Thành ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với giám đốc, phó giám đốc của 7 Sở: Nội vụ, Quy hoạch Kiến trúc, Kế hoạch và đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Lao động Thương binh và Xã hội và Công an Thành phố. Đối với các chức danh HĐND TP sẽ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội khi Nghị quyết có hiệu lực. Như vậy, nhiều đồng chí  lãnh đạo có thể sẽ được đánh giá hai lần hoặc hơn.