Chênh lệch thuế xăng dầu: Nên để phục vụ lại lợi ích của người dân

ANTĐ - Đó là quan điểm của chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong. Ông Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, phương án tính thuế bình quân gia quyền được coi là một giải pháp không tồi trong bối cảnh hiện tại.

Chênh lệch thuế xăng dầu: Nên để phục vụ lại lợi ích của người dân ảnh 1Giá xăng Ron 92 tăng lên mức trên 14.400 đồng/lít từ ngày 21-3

- PV: Theo kế hoạch, giá xăng dầu sẽ có phương án điều hành vào ngày 19-3. Tuy nhiên, đến tận cuối giờ chiều 21-3, Liên Bộ Công Thương - Tài chính mới công bố quyết định về giá bán mới cho mặt hàng xăng dầu. Ông đánh giá ra sao về việc này?

- TS Nguyễn Minh Phong: Thực tế thì giá xăng dầu thế giới trong hơn nửa tháng qua đã tăng, thậm chí đến gần 20%. Tuy nhiên, vì một số lý do, việc điều hành giá xăng dầu được tạm hoãn. Đương nhiên là người dân phấn khởi vì vẫn được hưởng giá xăng thấp và nền kinh tế được lợi vì giá xăng không tăng. 

Chênh lệch thuế xăng dầu: Nên để phục vụ lại lợi ích của người dân ảnh 2

- Quan điểm của ông về phương pháp tính thuế bình quân gia quyền trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu?

- Cách tính cũ khá phức tạp, ví dụ 10% xăng dầu nhập khẩu tính theo thuế suất 0%, 70% tính theo thuế suất 20%... sẽ rối rắm và phải kiểm tra nguồn nhập xem áp thuế đúng không. Sắp tới với phương án tính thuế bình quân gia quyền, cách tính sẽ đỡ phức tạp hơn, tương tự như áp thuế khoán thu.

Tức là anh muốn nhập ở thị trường nào thì nhập, tôi cứ thu thuế 5%. Cách tính cũ cũng có thể dẫn tới gian lận, đảo lộn cơ cấu nguồn nhập khẩu. Phương án mới vừa không đi ngược lại cam kết hội nhập, vừa hạn chế được gian lận. Trong bối cảnh hiện tại thì đây là một ý tưởng không tồi. 

- Vậy người tiêu dùng hưởng lợi như thế nào từ cách tính này, thưa ông?

- Chính sách nào cũng có 2 mặt. Người tiêu dùng trong trường hợp nào cũng không thể được miễn thuế hoàn toàn, nhưng cũng hy vọng sẽ không phải đóng thuế “oan” như vừa rồi. Chính sách đưa ra có tác động như thế nào sẽ phải được đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp.

- Với hơn 3.500 tỷ đồng thu thuế không đúng, theo ông nên xử lý như thế nào?

- Theo tôi Nhà nước có thể thu lại một phần và xin lỗi người dân. Đối với người dân, khoản tiền thuế chênh lệch này có 2 cách để giải quyết. Một là đưa vào quỹ môi trường như một khoản quỹ bảo vệ môi trường thông qua tiêu dùng xăng dầu.

Tuy nhiên, việc sử dụng quỹ này cũng còn nhiều vấn đề. Hai là nên đưa trực tiếp số tiền trên vào quỹ bình ổn giá xăng dầu khi quỹ này còn được duy trì. Mỗi đơn vị căn cứ vào cơ cấu thu và cơ cấu nhập để trả lại. Sau đó thì vẫn theo cơ chế quản lý hiện nay là gửi tiết kiệm, được sử dụng khi cho phép. Cách này theo tôi là hợp lý hơn chứ chưa phải cách tốt nhất. 

Xăng tăng giá thêm 670 đồng/lít

Từ 16h30 ngày 21-3, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng thêm từ 290-670 đồng/lít. Bộ Công Thương cho biết, 15 ngày qua, tính từ 4-3, giá xăng dầu trên thị trường Singapore đã tăng mạnh, có lúc lên tới gần 50 USD/thùng, dẫn đến giá bán lẻ hiện hành thấp hơn so với giá cơ sở. Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng thêm 670 đồng/lít xăng RON 92 lên mức 14.422 đồng/lít; xăng E5 có giá bán mới không cao hơn 13.891 đồng/lít, tăng 570 đồng/lít.

Dầu diezel có giá bán mới là 9.873 đồng/lít, dầu hỏa là 8.905 đồng/lít và dầu madut là 7.225 đồng/kg. Đồng thời, Liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng mức chi xả quỹ bình ổn giá xăng dầu lên mức 1.047 đồng/lít đối với xăng RON 92, 1.115 đồng/lít đối với xăng E5, 983 đồng/lít đối với dầu diezel. Dầu hỏa và dầu madut được xả quỹ tương ứng là 909 đồng/lít và 231 đồng//kg.