Tăng thuế môi trường, hàng không đồng loạt kêu khó

ANTĐ - Lần đầu tiên, những vấn đề được xem là “gai góc” của vận tải hàng không như cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, phí dịch vụ, thuế xăng dầu, sự cạnh tranh khốc liệt... đã được các hãng hàng không cùng nhau mổ xẻ để tìm tiếng nói chung.

Tăng thuế môi trường, hàng không đồng loạt kêu khó ảnh 1Các hãng hàng không kiến nghị giảm thuế nhập khẩu xăng dầu

Hạ tầng yếu dẫn tới ách tắc

Ông Dương Trí Thành, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, hiện Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đang khai thác thị trường khách nội địa chiếm 65%, Vietjet Air chiếm 35%. “Mật độ bay tăng nhanh nhưng hạ tầng không cải thiện dẫn tới ách tắc. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới chậm hủy chuyến. Hãng hàng không bao giờ cũng mong muốn đến đúng giờ nhưng do thời tiết, không lưu… và quan hệ với các đơn vị cung ứng dịch vụ từ mặt đất, kỹ thuật, xăng dầu, suất ăn... đã ảnh hưởng tới nhanh, chậm”, ông Dương Trí Thành cho hay. Đánh giá chất lượng dịch vụ hành khách trong hàng không, theo lãnh đạo Vietnam Airlines, năm 2015, hạ tầng các sân bay đã có cuộc cách mạng với nhà ga T2, sảnh E, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng nhưng việc chuyển giao, kết nối giữa các nhà ga vẫn còn rất khó khăn.

Là hãng hàng không ra đời muộn, ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air cho rằng, hãng hoàn toàn không có mặt bằng tại các sân bay, không có các công ty phục vụ mặt đất, không có công ty cung ứng trực thuộc hãng. “Hiện tại, Vietjet Air là hãng hàng không duy nhất mà toàn bộ dịch vụ cung ứng tại sân bay và các cảng hàng không đều không do hãng cung cấp. Chất lượng dịch vụ dành cho khách hàng của hãng tại các cảng hàng không phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp giữa các bên, từ khâu làm thủ tục cho hành khách, tiếp nhận hành lý, dịch vụ sân đỗ, trả hành lý trên băng chuyền…”, ông Nguyễn Đức Tâm bày tỏ.

Đặc biệt, Vietjet Air bày tỏ lo ngại về vấn đề kiểm soát hao hụt xăng dầu. Công ty xăng dầu Vinapco - một công ty con của Vietnam Airlines đang nạp nhiên liệu cho Vietjet Air và tỷ lệ thất thoát bình quân hiện tại lên tới gần 2%. Ông Nguyễn Đức Tâm thông tin: “Dự kiến, ngân sách nhiên liệu năm nay của hãng vào khoảng 6.000 tỷ đồng. Nếu hao hụt tới 2% nghĩa là doanh nghiệp bị mất đi khoảng 120 tỷ đồng/năm. Đây là con số ảnh hưởng xấu tới kết quả kinh doanh và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”.

Xin giảm thuế nhập khẩu xăng dầu

Tình trạng hành lý của khách bị mất cắp đang là điểm nóng của dịch vụ hàng không, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air Nguyễn Đức Tâm cho biết, các hãng hàng không phải đối mặt với khiếu nại, phải bồi phường cho hành khách và thậm chí là bị kiện ra  tòa. Nhưng thực tế, các công ty phục vụ mặt đất, đơn vị chịu trách nhiệm chính lại rất hạn chế trong việc hợp tác để giải quyết thấu đáo và rõ ràng với khách hàng.

Lần đầu tiên, cả 3 hãng hàng không nội địa có một tiếng nói chung về vấn đề chi phí nhiên liệu bay. Ông Tạ Hữu Thanh, Giám đốc khu vực phía Bắc của Jetstar Pacific cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2015, giá nhiên liệu bay (Jet A1) giảm sâu so với 2014, ở mức khoảng 70 USD/thùng. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu lại tăng lên 25%, tạo ra gánh nặng tài chính đối với hãng hàng không. Ngoài ra, việc tăng thuế môi trường từ 1.000 lên 3.000 đồng/lít đối với mặt hàng xăng dầu đang khiến các hãng hàng không lo ngại. Theo tính toán của Jetstar Pacific, với mức tăng thuế xăng dầu như vậy, dự kiến, mức ảnh hưởng về chi phí gia tăng trong năm 2015 của hãng lên tới 150 tỷ đồng. Vì vậy, cả 3 hãng hàng không đều kiến nghị Cục Hàng không có văn bản đề xuất với Bộ Tài chính về việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu và đưa thuế môi trường vào cơ cấu giá vé. 

Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các hãng hàng không phải hỗ trợ nhau. “Vừa qua, các cảng hàng không đã được đầu tư rất nhiều về cơ sở hạ tầng nhưng vẫn còn bất cập, thiếu đủ thứ ở bộ phận thủ tục và soi chiếu an ninh. Các hãng hàng không cần ngồi lại với nhau để bàn bạc. Bộ GTVT sẽ có ý kiến với Bộ Tài chính về chi phí nhiên liệu của các hãng hàng không”, ông Phạm Quý Tiêu cho biết.