Cõng thêm thuế, giá xăng dầu khó đứng yên

ANTĐ - Các chuyên gia cho rằng, giá xăng dầu xuống thấp là cơ hội tốt để cải cách hệ thống năng lượng của Việt Nam. Nhưng nếu để bù thâm hụt ngân sách do giá dầu giảm bằng cách tăng thuế, phí thì cơ hội này sẽ tuột mất.

Cõng thêm thuế, giá xăng dầu khó đứng yên ảnh 1Giá xăng dầu thấp có lợi cho nền kinh tế

Nhiều lợi ích khi giá dầu giảm

Đánh giá tác động của biến động giá dầu đến kinh tế Việt Nam, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, diễn biến này có lợi nhiều hơn hại đối với nước vừa xuất khẩu dầu thô, vừa nhập xăng dầu thành phẩm như Việt Nam. Tiến sĩ Lê Việt Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và quản lý dầu khí (Viện Dầu khí Việt Nam) cho biết: “Giá dầu giảm kéo theo giá xăng dầu thành phẩm giảm. Khi đó, giá sản phẩm cũng hạ xuống và kích cầu cho nền kinh tế”. 

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, sức mua rất yếu, cần được kích thích thì giá xăng dầu thấp là yếu tố thuận lợi. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tiếp giảm. Diễn biến này trái quy luật hàng năm bởi thông thường, dịp Tết Nguyên đán là thời điểm CPI tăng cao nhất trong năm. Bên cạnh nguyên nhân sức mua yếu thì CPI giảm cũng có đóng góp tích cực từ giá xăng dầu thấp và trực tiếp là cước vận tải giảm từ 0,92-32%. Nhiều mặt hàng khác đang muốn tranh thủ cơ hội hiếm có này để đưa giá theo thị trường, giảm bớt cú sốc cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, áp lực tăng giá xăng dầu lại vừa xuất hiện khi chu kỳ tính giá vừa qua, giá cơ sở xăng dầu đang cao hơn giá bán lẻ hơn 2.000 đồng/lít. Ngày 24-2, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã phải quyết định xả quỹ bình ổn xăng dầu  với mức chi 2.448 đồng/lít xăng. Các doanh nghiệp ước tính, với mức xả quỹ này, chỉ sau khoảng 2 tháng, quỹ bình ổn sẽ cạn. Thêm vào đó, có thông tin cho rằng, cơ quan hữu quan đang tính tới phương án tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu để bù đắp phần thâm hụt ngân sách do giá dầu giảm. Hiện nay, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng đang ở mức 1.000 đồng/lít; Dầu diezen 500 đồng/lít, dầu hỏa và madut chịu mức thấp hơn là 300 đồng/lít,kg. Theo Luật Thuế bảo vệ môi trường hiện hành, mức thuế trần đối với mặt hàng xăng lên tới 4.000 đồng/lít; dầu diezen có mức thuế trần là 3.000 đồng/lít; dầu hoả và dầu madut có mức trần 2.000 đồng/lít,kg. Trước thông tin này, người tiêu dùng lại thấp thỏm vì xăng dầu có thể sẽ tăng giá mạnh trong thời gian tới.

Nên cải cách hệ thống năng lượng

Theo Tiến sĩ Lê Việt Trung, thuế xăng dầu các nước khác trên thế giới gần như không đổi, nhưng Việt Nam lại tăng thuế xăng dầu khi giá dầu thô giảm xuống. “Nhiều nước tranh thủ cơ hội này cải cách hệ thống năng lượng, bỏ trợ giá, tìm kiếm các nguồn năng lượng mới thay thế… Như vậy sẽ tốt hơn cho nền kinh tế”- ông Lê Việt Trung phân tích.

Tiến sĩ Lương Văn Khôi - Trưởng ban Kinh tế thế giới (Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia) tính toán, nếu giá dầu ở mức 50 USD/thùng thì GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 0,48 điểm phần trăm. Và nếu ở ngưỡng 40 USD/thùng thì GDP có thể tăng thêm 0,61 điểm phần trăm. Xuất khẩu và nhập khẩu cũng tăng mạnh. Nếu kết hợp với việc giảm lãi suất cho vay và giá dầu thô giảm xuống mức nêu trên thì GDP tăng thêm lần lượt 0,78 và 0,91 điểm phần trăm. Tóm lại, theo ông Lương Văn Khôi: “Chi phí đầu vào giảm sẽ kích thích sản xuất, tiêu dùng”. 

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cũng nhấn mạnh: “Đây là cơ hội hiếm có để tái cơ cấu hệ thống năng lượng”. Theo ông Lưu Bích Hồ, việc tăng thuế để bù thu ngân sách là chưa thuyết phục và cần được xem xét kỹ lưỡng. “Đối với ngân sách, quan điểm của tôi là cần khoan sức dân và phải siết lại chi vì còn nhiều khoản chi lãng phí. Đây là áp lực để chúng ta đổi mới, không thể cứ đào tài nguyên lên để bán mãi như hiện nay”- ông Lưu Bích Hồ chia sẻ.