Chê cầu cũng bị "xử lý"

ANTĐ - Bức xúc vì đồng nghiệp suýt chết do cây cầu mới đưa vào sử dụng được 1 năm đã bị sập, một giáo viên ở xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đã đăng tải sự việc cùng mấy câu bày tỏ cảm nghĩ về những lo lắng của mình lên Facebook.
Chê cầu cũng bị "xử lý" ảnh 1

Chuyện tưởng như rất bình thường, thậm chí có phần đáng khuyến khích vì hiệu ứng của nó là ngay sau đó đã có tổ chức từ thiện đến địa phương để khảo sát thực tế, đề nghị xã lập bản vẽ xây cầu mới, ước tính chi phí cụ thể để đoàn hỗ trợ kinh phí xây cầu mới nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. 

Ấy vậy mà điều cô giáo này nhận lại là những khó dễ. Đầu tiên là một cán bộ xã đã đến gặp trực tiếp cô giáo này, yêu cầu gỡ nội dung trên. Khi cô giáo không gỡ hết hoàn toàn nội dung, lập tức Đảng ủy xã đã yêu cầu nhà trường phải kiểm điểm giáo viên này. Mạnh tay hơn, Đảng ủy xã đã quyết định hạ một bậc đánh giá đối với cô này, từ “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” xuống “Hoàn thành nhiệm vụ”, trong khi quá trình công tác nhiều năm liền cô giáo này luôn đạt danh hiệu chiến sĩ, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và không có sai phạm nào.

Hình thức xử lý trên của Đảng ủy xã Tân Hiệp bị dư luận phản ứng. Ngay cả lãnh đạo huyện Thạnh Hóa cũng cho rằng việc xử lý cô giáo của lãnh đạo xã là sai. “Khi có người phản ảnh đúng vụ việc, thì mình phải nghe, nhận và khắc phục chứ không thể như vậy” - ông Nguyễn Văn Tạo - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa cho biết trên báo chí. Ngay sau những phản ứng trên, chính quyền địa phương xã Tân Hiệp đã phải đến nhà xin lỗi cô giáo này và rút lại các hình thức xử lý.

Nhưng sự việc này một lần nữa lại làm dư luận ngán ngẩm vì “bệnh thành tích” của nhiều cơ quan công quyền, lúc nào cũng chỉ sợ ảnh hưởng đến “bộ mặt chính quyền”. Họ không muốn nhận lỗi, né tránh phê bình, không muốn khắc phục mà chỉ lo che đậy cái xấu, cái chưa làm được. Người viết bài này có lần đã chứng kiến một câu chuyện cười ra nước mắt ở một huyện nọ. Hồi đó có hai anh em thanh niên bị liệt, vì chán nản và cuộc sống quá khó khăn nên đã viết thư đến một bác sĩ uy tín xin hiến giác mạc. Vị bác sĩ này viết thư về cho Hội chữ thập đỏ huyện đề nghị giúp đỡ hai anh em này.

Thế là, thay vì được giúp đỡ, hai thanh niên bị chính quyền địa phương đến yêu cầu gia đình phải  “giáo dục” lại con cái vì dám làm “mất mặt” địa phương, và cuối cùng 2 anh em đó đã bị bố... đánh cho một trận. 

Những câu chuyện tương tự như thế, bây giờ vẫn còn tồn tại không ít. Thế mới sinh ra tâm lý “tròn vo”, vì nói ra, vạ miệng lúc nào chả hay. Bao nhiêu “tấm gương” chống tiêu cực, dù được dư luận bênh vực nhưng cuối cùng cũng chẳng ngẩng mặt lên được, thậm chí còn bị “trù úm” đấy thôi. Vậy nên mong rằng, nếu đã nhận ra sự “nhầm lẫn” trong cách xử lý, chính quyền xã Tân Hiệp cần thật lòng khắc phục chứ đừng làm cho xong. Và điều quan trọng là cần sửa chữa để những người dân nơi đây được đi qua cây cầu một cách an toàn.