Cháy trung tâm thương mại Hải Dương, 500 hộ kinh doanh mất trắng

ANTĐ - Vụ cháy kinh hoàng tại Trung tâm thương mại (TTTM) Hải Dương, TP Hải Dương xảy ra vào rạng sáng 15-9 đã thiêu rụi toàn bộ hàng hóa của hơn 500 hộ tiểu thương. Chỉ sau một đêm họ đã rơi vào cảnh “trắng tay”…

Trung tâm thương mại Hải Dương hoang tàn sau khi vụ cháy xảy ra

Nỗi đau hiện hữu

Sáng  17-9, có mặt tại hiện trường chứng kiến cảnh tượng hoang tàn, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Hàng trăm ki-ốt và toàn bộ hàng hóa ở tầng 1 và tầng 2 đều bị lửa thiêu rụi chỉ còn trơ lại những đống sắt ngổn ngang, nằm trơ trọi, cong queo trên nền xi măng. Những chiếc cửa sắt bị uốn cong, bốn bề TTTM xám xịt, đen ngòm bởi hơi khói trông hết sức tiêu điều. 

Từ khi xảy ra vụ cháy, bà Lê Thị Xuân, 72 tuổi, một tiểu thương kinh doanh ngành hàng lễ hội truyền thống và các mặt hàng thờ cúng như người mất hồn, ngất lên ngất xuống vì bao nhiêu tài sản, vốn liếng mà vợ chồng bà góp nhặt sau hơn 30 năm kinh doanh bỗng chốc trở thành tro bụi. Bà Xuân cũng là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề nhất, với số tiền ước tính lên đến gần 2,5 tỷ đồng. Bà Xuân có 3 quầy hàng tại TTTM Hải Dương, cùng kinh doanh với bà còn có chồng là ông Nguyễn Tuấn Độ, 77 tuổi. Khi xảy ra vụ việc, trong 3 quầy hàng của nhà bà có rất nhiều đỉnh đồng, các loại đồ lễ tứ phủ, nhạc cụ dân tộc được bà mới nhập cách đó chưa lâu. Khi chúng tôi vừa nhắc đến vụ cháy bà Xuân đã nghẹn ngào: “Chiều 14-9, vợ chồng tôi vẫn còn vui vẻ khóa cửa quầy hàng ra về. Vậy mà đang ngủ thì tin dữ đã ập xuống. Khi nghe con tôi nói có đám cháy ở TTTM, chân tay tôi cứ bủn rủn, đứng không vững. Tai tôi ù đi, tinh thần hoảng loạn. Ngay sau khi nhìn thấy đám lửa đỏ rực, ngùn ngùn bốc lên từ TTTM tôi đã ngất đi”. 

Không biết tương lai đi về đâu

Trên đường dẫn chúng tôi đến một số gia đình tiểu thương, bà Phạm Thị Ngái, Bí thư chi bộ khu dân cư số 2 cho biết, đây là một trong những khu dân cư có khá đông các hộ dân kinh doanh tại TTTM Hải Dương, có gia đình thiệt hại lên đến 5 tỷ đồng. Do mất mát của các hộ kinh doanh quá lớn nên nhiều ngày nay bà Ngái chạy tới chạy lui đến các gia đình động viên để họ đứng vững và vượt qua khó khăn.

Tìm đến nhà bà Lê Thị Huyền, 61 tuổi, ở số 56 ngõ 53, phố Bùi Thị Cúc, phường Trần Phú, chúng tôi thấy có khá nhiều người đến hỏi thăm, chia sẻ. Chồng bà Huyền là thương binh nặng. Nhiều năm nay kinh tế cả gia đình bà chỉ trông vào quầy hàng bán quần áo trẻ sơ sinh, túi xách, vali, cặp số cho các cháu nhỏ. Đau lòng nhất là bà vừa vay ngân hàng 30 triệu đồng để mua mặt hàng quần áo thu đông về bán. Số tiền ấy, tối hôm trước khi xảy ra vụ cháy bà chưa kịp mang về nhà. Vậy là, hàng hóa cùng số tiền ấy đã biến thành tro bụi.

“Tôi chạy ra TTTM ngay khi nghe tin dữ, nhưng cũng chỉ biết đứng trân trân nhìn đám lửa. Cứ đặt mình xuống giường là tôi lại thấy hình ảnh đó, không tài nào ngủ được, chẳng thiết ăn uống gì. Không biết những ngày tới gia đình, các con, các cháu tôi sẽ sống ra sao, rồi lấy đâu ra tiền để trả tiền lãi vay ngân hàng…”. Cũng theo bà Huyền, để vay tiền ngân hàng bà đã phải thế chấp cả giấy tờ nhà đất, nếu trong những tháng tới, nguồn thu nhập không có, lãi không trả được thì có khi chẳng còn chỗ chui ra, chui vào cũng nên. Được biết, đa số các hộ ở đây đều không có bảo hiểm cháy, nổ nên không biết trông vào đâu... 

Nặng nhất là trường hợp bà Trần Thị Bình, 53 tuổi, ở phố Mạc Thị Bưởi, phường Trần Phú, chủ của 4 ki-ốt điện máy, trị giá khoảng 5 tỷ đồng đã phải vào điều trị tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh do quá sốc. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Biên, Phó Trưởng khoa Thần kinh thì bà Bình vào viện trong tình trạng rối loạn cảm xúc, biểu hiện lo âu, hốt hoảng do sang chấn tâm lý nặng. Các bác sỹ đã tiến hành truyền dịch, thuốc và trấn an tinh thần bệnh nhân. 

Được biết, ngay sau khi vụ cháy xảy ra, các cấp, các ngành đã tập trung khắc phục hậu quả, khởi động các hoạt động hỗ trợ bà con tiểu thương... Mong muốn lớn nhất của các hộ kinh doanh lúc này là các cơ quan chức năng khẩn trương tổ chức, sắp xếp chợ tạm để bà con tiểu thương sớm ổn định cuộc sống, kinh doanh trở lại, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng cần khoanh nợ, hỗ trợ vốn vay để họ tiếp tục kinh doanh. 

Giảm gánh nặng cho các hộ tiểu thương 

Ông Vũ Tiến Phụng - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hải Dương cho biết, trước mắt, UBND tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ, UBND thành phố hỗ trợ 3 triệu/hộ. Mặt khác, tỉnh cũng đang gấp rút tính các nguồn vốn ưu đãi, tạo điều kiện cho bà con trở lại hoạt động kinh doanh khi chợ tạm xây dựng. Theo kế hoạch, từ nay đến 25-9, việc khảo sát, xây dựng phương án xây dựng chợ tạm sẽ được hoàn thành, trình UBND tỉnh phê duyệt. Thời gian xây dựng chợ chậm nhất sẽ trong 3 tháng.

Chiều 17-9, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trích 700 triệu đồng từ Quỹ Vì người nghèo của đơn vị để ủng hộ các tiểu thương. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương ủng hộ  200 triệu đồng. Hiệp hội Các chợ trung tâm tỉnh Quảng Ninh, Ban quản lý và các hộ kinh doanh chợ Hạ Long ủng hộ 30 triệu đồng.  

Kiểm tra chất lượng công trình 

Ngày 16-9, Bộ Xây dựng đã cử một đoàn công tác do đồng chí Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, phối hợp với UBND tỉnh, Sở Xây dựng tới khám nghiệm hiện trường. Qua khám nghiệm, Đoàn công tác của Bộ Xây dựng yêu cầu tuyệt đối giữ nguyên hiện trạng, không cho tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm vào khu vực, có biện pháp an toàn cho nhân dân trong khu vực xung quanh. Ngành xây dựng sẽ điều tra, giám định chất lượng công trình, ra quyết định phá dỡ hoặc phá dỡ một phần công trình này.