Cháy nổ tại công trình xây dựng: Bất cẩn bỏ ngỏ kiểm tra

ANTĐ - Hỏa hoạn tại công trình xây dựng tòa tháp đôi EVN, tòa nhà Keangnam Hà Nội, hay mới đây là vũ trường New Phương Đông Hotel & Bar Karaoke, TP Đà Nẵng… đều được xác định do công nhân hàn xì bất cẩn gây ra.

Để xảy cháy lớn, nhà thầu phụ tổ hợp Keangnam chỉ bị phạt 7,5 triệu đồng

Nguyên nhân cháy rất vớ vẩn

Liên quan đến vụ hỏa hoạn tại công trình xây dựng Trung tâm Điều hành và Thông tin viễn thông Điện lực Việt Nam, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội, Cơ quan CSĐT CAQ Ba Đình đã triệu tập nam công nhân trực tiếp gây ra vụ cháy ở tầng hầm 1, tháp A. Bước đầu, anh này thừa nhận hành vi bất cẩn trong quá trình thi công hàn xì kim loại, để tia lửa bén vào vật liệu cách nhiệt trên trần tầng hầm, làm hỏa hoạn bùng phát, lan rộng.

Một tuần sau vụ cháy tòa tháp đôi EVN, hỏa hoạn cũng bất ngờ xảy ra tại công trình xây dựng vũ trường New Phương Đông Hotel & Bar Karaoke, ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, rộng hàng trăm m2. 16 xe chữa cháy cùng hơn 100 CBCS Sở Cảnh sát PCCC TP, được điều động để ứng cứu. Sau hơn 2 giờ bùng phát, hỏa hoạn mới được dập tắt, rất may không có ai thương vong. Theo các công nhân làm việc ở đây, họ đang ngủ trưa thì nghe thấy tiếng nổ lách tách, khói lửa bắt đầu bùng lên. Thay vì hô hoán cùng mọi người dùng phương tiện cứu hỏa dập lửa, họ lại bỏ chạy tán loạn. Đến nay, sau 3 ngày tích cực điều tra, nguyên nhân vụ cháy được nhận định do công nhân hàn điện trên tầng cao không che chắn, để tia lửa rơi xuống tầng hầm bén vào xốp cách âm.

Thống kê của PV ANTĐ, nếu tính cả 2 vụ cháy tại công trình xây dựng tòa nhà Keangnam, đường Phạm Hùng, huyện Từ Liêm, thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 4 vụ cháy do hàn xì gây thiệt hại nghiêm trọng. Đó là vụ các cháy ngày 7-7, tại quán EZ Club, ở 55 Mã Mây, quận Hoàn Kiếm làm 2 người chết; vụ cháy nhà hàng Điểm hẹn ca nhạc Đêm Tây Hồ, ngõ 614 Lạc Long Quân làm 1 người chết…

Trách nhiệm từ ba phía

Theo quy định, bất kể doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị nào khi sửa chữa địa điểm kinh doanh phải báo cáo với cơ quan PCCC việc thay đổi thiết kế ban đầu, buộc phải đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC trong suốt quá trình thi công đến khi hoàn thiện. Đại tá Tô Xuần Thiều - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết: Công tác phòng cháy ở công trình tạm chia thành 2 giai đoạn, trong quá trình thi công và khi đưa vào sử dụng. Theo đó, ngay từ khi bắt đầu xây dựng, chủ đầu tư, nhà thầu đã phải trang bị các phương tiện, niêm yết nội quy đảm bảo an toàn PCCC. Song thực tế, ngay công trình xây dựng lớn, quy mô như tòa tháp đôi EVN, tổ hợp Keangnam… cũng  không thực hiện tốt.

Phân tích diễn biến một vụ cháy, lãnh đạo Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội nhấn mạnh: hỏa hoạn nếu được phát hiện sớm khoảng 5 phút đầu, lực lượng chữa cháy cơ sở kịp thời tổ chức ứng cứu, lửa sẽ nhanh chóng được dập tắt. Nhưng khi ngọn lửa đã bùng phát 10 - 15 phút, Cảnh sát PCCC đến nơi thì thiệt hại sẽ rất lớn. Điều này nói lên vai trò của lực lượng PCCC cơ sở là rất quan trọng. Nhìn lại các vụ cháy công trình xây dựng thời gian qua, sẽ thấy “lỗ hổng” của lực lượng này. “Lỗ hổng” có phần tránh nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu thi công và sự buông lỏng kiểm tra, xử lý của cơ quan PCCC. Có lực lượng PCCC cơ sở, có phương tiện chữa cháy tại chỗ nhưng không được huấn luyện, đào tạo, kiểm tra định kỳ thì hiệu quả thấp là dễ hiểu.

Điều tra nguyên nhân các vụ hỏa hoạn ở công trình xây dựng, cơ quan PCCC xác định, đa phần do bất cẩn của công nhân trong lúc hàn xì gây ra. Theo quy trình, trước khi hàn công nhân phải dùng khăn, chăn ướt hoặc tấm ngăn cháy che chắn khu vực có vật liệu dễ bắt lửa. Việc làm tưởng như dễ thực hiện ấy, lại rất ít gặp trong các công trường xây dựng ở Hà Nội. Nhà thầu thờ ơ, cơ quan phòng cháy thiếu sâu sát, thợ hàn gây cháy diễn ra như “cơm bữa”.