Châu Phi và những cơn say bất tận

ANTĐ - Tại Worcester, vùng quê nghèo ở phía nam Nam Phi, hình ảnh dòng người xếp hàng dài chờ mua rượu đã trở nên quen thuộc. Không chỉ Nam Phi, tình trạng lạm dụng rượu bia giờ không còn quá xa lạ tại các quốc gia ở lục địa đen. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 25% dân số châu Phi bị nát rượu, tỷ lệ cao nhất trên thế giới.

Ảnh: internet

Cơn khát bia rượu

Khi thu nhập tăng lên, châu Phi trở thành một thị trường làm ăn đầy tiềm năng của các công ty rượu bia quốc tế. Theo các hãng sản xuất đồ uống, cuộc sống của người dân châu Phi giờ đã khấm khá hơn và tiêu thụ nhiều bia rượu hơn. Như ở thị trấn Worcester, cứ tối đến là những tay bợm rượu lại tụ tập tại các quán rượu xập xệ. “Họ uống và uống không biết đến khi nào thì dừng”, ông Berita Jones, cảnh sát trưởng ở thị trấn khoảng 130.000 dân này cho biết. Nhiều người say đến mức nôn mửa, bò lê bò càng. Theo ông Jones, tội phạm ở Worcester hầu hết liên quan đến rượu. Qua kiểm tra cho thấy, 166 quầy rượu trong thị trấn tuân thủ pháp luật trong khi vẫn còn hơn 300 quán rượu lậu, hoạt động trái phép. 

Một số nước ở châu Phi nằm trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, và cơn khát bia rượu ở châu lục này dường như bất tận. Các nhà phân tích ước tính, lượng bia tiêu thụ tăng khoảng 7% hồi năm ngoái. Ngoại trừ Nam Phi, thị trường châu Phi đạt mức tăng hơn 10% mỗi năm. Trung bình, mỗi người châu Phi uống khoảng 6,15 lít rượu mỗi năm, bằng một nửa so với châu Âu. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 25% dân số châu Phi bị nát rượu, tỷ lệ cao nhất thế giới. “Trên thực tế, hầu hết người dân châu Phi không uống rượu vì lý do kinh tế, văn hóa và tôn giáo nhưng ai đã uống lại uống rất nhiều”, Tiến sĩ Vladimir Poznyak thuộc WHO ở Geneva nói. 


Hậu quả nhãn tiền

Khi mới mang thai được vài tháng, chị Martha ở Johannesburg (Nam Phi) thường xuyên uống rượu say mềm. Cho đến khi cậu con trai sinh ra bị dị tật bẩm sinh ở tim, lúc này cô mới thấy tác hại của việc nát rượu, hối hận nhưng quá muộn. Hiện con trai đã 12 tuổi nhưng hành động như một đứa trẻ 4 tuổi. Theo các chuyên gia, giống như Martha, nhiều phụ nữ châu Phi không được giáo dục đầy đủ về tác hại của rượu, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, việc tiếp cận các cơ sở khám chữa bệnh còn hạn chế. 

Không chỉ ảnh hưởng đến việc sinh đẻ, bia rượu còn làm tăng nguy hiểm khi lái xe. Vào các tối thứ bảy, bệnh viện quốc gia Kenyatta ở Kenya phải tiếp nhận điều trị cho 40 nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông đường bộ, phần lớn do lái xe say rượu gây ra.

Hiện nay, các loại rượu bia nổi tiếng như Johnny Walker hay Heineken đã có mặt rộng rãi tại hầu hết các nước châu Phi, hướng tới những người có thu nhập trung bình. 

Trong nhiều năm, những người dân nghèo châu Phi chỉ sử dụng những loại bia rượu được chế biến thủ công từ lúa miến hoặc ngô. “Thường thì những người có thu nhập thấp hay mua những loại rượu lậu và tiềm ẩn nguy cơ gây hại”, Vincent Maphai, giám đốc điều hành quan hệ đối ngoại tại  SABMiller, chi nhánh Nam Phi cho biết. 

Các nước châu lục này đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng về việc giải quyết tình trạng lạm dụng rượu bia, bên cạnh những gánh nặng khác như HIV, dị tật bẩm sinh, tai nạn giao thông và tệ nạn xã hội. Khi rượu vào, ham muốn tình dục tăng lên, nhiều thanh niên lại tìm đến gái mại dâm, khiến cho tình trạng nhiễm HIV trong giới trẻ gia tăng. “Mặc dù sản xuất và bán rượu có thể mang lại lợi ích kinh tế, nhưng sức khỏe của người dân nên được ưu tiên bảo vệ”, Tiến sĩ Vladimir Poznyak thuộc WHO đánh giá, “Đầu tư cho y tế là cách đầu tư tốt nhất”.    

 

Khó ngăn chặn

Nam Phi đang xây dựng một luật mới hạn chế quảng cáo rượu, nâng độ tuổi được phép uống rượu từ 18 lên 21 và đưa ra những biện pháp xử lý mạnh tay hơn đối với việc lái xe uống rượu. Dự luật mới cũng đề xuất quy định các doanh nghiệp phải in lô gô cảnh báo trên chai, tăng thuế và quy định cấp phép kinh doanh chặt chẽ hơn đối với các đại lý rượu. Theo một quan chức giấu tên, dự luật mới sẽ được Chính phủ Nam Phi thảo luận trong vài tuần tới trước khi đưa ra lấy kiến của người dân.

Chính quyền Kenya cũng đang tính đến việc tăng độ tuổi được phép uống rượu từ 18 lên 21 tuổi, sau khi một bộ luật ra đời năm 2010 trong đó quy định cấm bán rượu tại các cửa hàng tạp hóa và trong các quán rượu trước 17h hàng ngày. 

Đầu năm nay, Zambia cấm sản xuất và bán các loại rượu mạnh trong các chai nhựa nhỏ rẻ tiền do sợ tình trạng lạm dụng rượu bia trong giới trẻ. Bộ trưởng Y tế nước này cho biết, tai nạn giao thông và những vấn đề sức khỏe liên quan đến bia rượu ngày một đáng lo ngại. Tại Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi cũng đề ra các quy định đối với việc sử dụng và quảng cáo rượu.

Nhưng một số chuyên gia y tế công cộng cho rằng, quy định về việc uống rượu và giáo dục về tình trạng nghiện rượu lại không theo kịp thực tế. Hầu hết các nước châu Phi có luật cấm trẻ vị thành niên uống rượu và cấm uống rượu khi lái xe, nhưng các quy định này được thực thi một cách lỏng lẻo và thường bị lờ đi.