Châu Âu đang cởi mở hơn với cây trồng chỉnh sửa gen?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Biến đổi khí hậu trên toàn cầu dường như đã khiến nhiều quốc gia cởi mở hơn với các quy định về cây trồng chỉnh sửa gen, trong đó có châu Âu.

Năm 2022, hạn hán đã tàn phá hàng loạt trang trại tại châu Âu, từ ô liu tại Tây Ban Nha, ngô và hoa hướng dương tại Hungary cho đến các cánh đồng ngô tại Ý và Rumani đều chịu thiệt hại nặng nề.

Việc bãi bỏ các quy định liên quan đến kỹ thuật chỉnh sửa gen để tạo ra giống cây trồng tốt hơn sẽ là câu trả lời cho vấn đề này. Cây trồng được sản xuất bằng kỹ thuật chỉnh sửa gen sẽ chống chịu tốt hơn với hạn hán và bệnh tật, đồng thời yêu cầu lượng nước tưới ít hơn so với giống cây trồng thông thường.

Vào tháng 7 tới đây, Ủy ban châu Âu (European Commision – EC) sẽ đề xuất cho phép nới lỏng các quy định đối với thực vật được chọn tạo thông qua kỹ thuật gen mới (New Genomic Technlogies - NGT).

Đây là sự kết hợp của các công cụ chỉnh sửa gen làm thay đổi cấu trúc di truyền của thực vật mà không cần sử dụng thêm các gen ngoại lai - đây chính là điểm khác biệt với các sinh vật chuyển gen thông thường có chứa DNA từ các loài khác. Ủy ban cho biết các quy định hiện hành áp dụng cho sinh vật biến đổi gen, bao gồm việc cấp phép và ghi nhãn là "không phù hợp" để áp dụng cho các sản phẩm chỉnh sửa gen theo công nghệ mới.

Cây trồng chỉnh sửa gen được cho là thích ứng với bối cảnh biến đổi khí hậu, hạn hán gia tăng

Cây trồng chỉnh sửa gen được cho là thích ứng với bối cảnh biến đổi khí hậu, hạn hán gia tăng

Bà Stella Kyriakides, Ủy viên Y tế của EU, cho biết: “Thực vật được sản xuất bằng kỹ thuật gen mới có thể hỗ trợ phát triển bền vững”.

Theo bà Stella, các đề xuất này "là dấu hiệu mạnh mẽ cho nông dân, các nhà nghiên cứu và ngành công nghiệp rằng đây là con đường phía trước của EU".

Một số quốc gia chịu thiệt hại lớn về nông nghiệp do biến đổi khí hậu như Pháp, Ý, Đức hay Tây Ban Nha ủng hộ việc thay đổi các quy tắc. Trong đó Pháp và Ý cũng có những bước tiến đáng kể trong khi chờ đợi bộ luật mới của EU.

Những ngày cuối tháng 5 vừa qua, Uỷ ban Nông nghiệp và Môi trường Thượng viện Italia đã phê duyệt sửa đổi cho phép tiến hành các thử nghiệm đồng ruộng đối với một số cây trồng ứng dụng về công nghệ tiến hoá hỗ trợ (Assisted Evolution Technologies – Tea), trong đó có cây trồng tạo ra bằng kỹ thuật chỉnh sửa gen.

Đây là một bước tiến quan trọng để công nghệ này hỗ trợ Ý sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm tác động lên môi trường, và tối ưu hóa việc sử dụng nước và hóa chất.

Các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu và nông nghiệp có quan điểm gần như nhất trí rằng những kỹ thuật này không phải là biến đổi gen và có thể giúp chúng ta đạt được các mục tiêu xanh mà châu Âu đang hướng tới, chẳng hạn như giảm sử dụng thuốc BVTV, đồng thời giúp chống lại biến đổi khí hậu và mầm bệnh.

Đức và Tây Ban Nha cũng ủng hộ việc đưa ra các quy định mới cho cây trồng chỉnh sửa gen.

Bà Bettina Stark-Watzinger, Bộ trưởng Nghiên cứu Liên bang Đức, cho rằng luật hiện hành về kỹ thuật di truyền ở Đức và châu Âu đã lỗi thời và không còn phù hợp với tình trạng khoa học hiện tại.