Châu Á vẫn tỏa sáng

ANTĐ - Năm 2011 khép lại với bức tranh kinh tế toàn cầu khá ảm đạm. Nhìn lại kinh tế toàn cầu năm qua, người ta nhận thấy trái với châu Âu mệt mỏi với vấn đề nợ công,  nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng chậm thì kinh tế châu Á lại đạt mức phát triển hết sức đáng nể. Trong bức tranh ảm đạm đó, châu Á nổi lên như một ngọn hải đăng giữa biển khơi mênh mông đầy bão tố. Khu vực này tiếp tục được kỳ vọng là đầu tàu của sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2012.

Khủng hoảng tại Eurozone không ảnh hưởng tới các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của châu Á một cách nghiêm trọng như trong cuộc khủng hoảng tại Mỹ năm 2008-2009. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh bảo rằng thành công của châu Á sẽ không thể tự nhiên mà lặp lại được trong năm 2012, đặc biệt là nếu châu Âu rơi vào suy thoái. Các chỉ số tăng trưởng GDP năm 2011 cho thấy hai xu hướng của nền kinh tế toàn cầu: một phương Đông mới nổi và một phương Tây đang tụt dốc. Điểm sáng nhất trong nền kinh tế khu vực châu Á trong năm qua là khả năng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trụ vững trước những biến động về kinh tế. Mặc dù gặp nhiều khó khăn và chịu tác động không nhỏ từ cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu cũng như bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai ở một số nước, nhưng các nền kinh tế ASEAN đã nỗ lực để phục hồi và cơ bản đạt được những chỉ tiêu đề ra

Theo một báo cáo mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thương mại giữa các quốc gia trong khu vực cùng xu hướng tiêu dùng nội địa tăng do tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều sẽ giúp châu Á tránh khỏi hậu quả tồi tệ nhất của cuộc suy thoái toàn cầu. ADB đánh giá hệ thống tài chính châu Á “ít bị ảnh hưởng” bởi tính ổn định của thị trường tín dụng và tiếp tục duy trì được dòng vốn đầu tư đổ vào. Chính sự trỗi dậy về kinh tế đã mang đến cho châu Á ảnh hưởng ngoại giao mới, với việc Tổng thống Mỹ Barack Obama công khai chuyển hướng trọng tâm chính sách ngoại giao của Washington sang khu vực này.

Theo dự báo của các nhà phân tích, tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á sẽ chậm lại đáng kể trong năm 2012 do một số nhân tố bất lợi tiếp tục tác động đến các nền kinh tế khu vực. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu sẽ có những tác động nhất định đến nhiều nền kinh tế, kể cả những nền kinh tế mới nổi ở châu Á.

Mặc dù vậy, châu Á -Thái Bình Dương sẽ vẫn là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và tiếp tục là động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Sở dĩ nói như vậy bởi châu Á-Thái Bình Dương vẫn còn các công cụ để hóa giải những tác động tiêu cực của các nhân tố bất lợi. Các nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn mạnh, lạm phát ở các nền kinh tế tăng trưởng dựa vào xuất khẩu vẫn ở mức vừa phải, hầu hết các nước trong khu vực vẫn duy trì được không gian tài chính có thể tăng chi tiêu của chính phủ. Lãi suất mặc dù tương đối cao, song vẫn trong tầm kiểm soát hoặc có thể giảm nếu cần thiết, nên có thể vẫn sẽ thu hút được nhiều nguồn tín dụng đến toàn khu vực.

Tuy nhiên, Ủy ban kinh tế - xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP) dự báo tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực này sẽ giảm từ 7,2% năm 2011 xuống còn 6,6% năm 2012. Hai nền kinh tế trụ cột của khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ đã bộc lộ những khó khăn. Viện Chính sách Trung Quốc cũng dự báo mức tăng trưởng năm 2012 sẽ chỉ đạt 8,9%, mức thấp nhất trong vòng hơn một thập kỷ trở lại đây. Thậm chí, nhà phân tích Dong Tao thuộc Credit Suisse còn bi quan hơn khi dự đoán mức tăng trưởng năm 2012 của Trung Quốc chỉ đạt 8% - gần sát với mức tối thiểu 7% mà chính phủ nước này cho là cần thiết để duy trì ổn định xã hội, và vẫn là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của khu vực. Trong vai trò là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có nguồn dự trữ ngoại tệ lên tới 3.200 tỷ USD, Trung Quốc thực sự là "nhà đầu tư" triển vọng để châu Âu hiện thực hóa các giải pháp đối phó với vấn đề nợ công. Cho dù kinh tế thế giới diễn biến bất lợi, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng chỉ giảm mức dự báo tăng trưởng năm 2012 của châu Á từ mức 7,8% xuống còn 7,5%.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ cũng biến động trong năm 2012. Theo số liệu trong quý 3, mức tăng trưởng của quốc gia châu Á này chỉ đạt 6,9% do ảnh hưởng của hàng loạt đợt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Chính phủ nước này đã hạ mức dự báo tăng trưởng cho tài khóa tính đến tháng 3-2012 xuống còn 7,3% so với con số ban đầu là 9%. Mức 7,3% - tuy khiến bất kỳ quốc gia phát triển nào cũng phải ghen tị - vẫn là quá thấp so với mức cần thiết là 10% đủ để giải quyết tình trạng nghèo đói tại Ấn Độ.

Sau sự kiện động đất và sóng thần gây ra khủng hoảng hạt nhân tại Fukushima hồi tháng 3, theo số liệu thống kê quý 2, GDP hàng năm của Nhật Bản giảm 2%. Tuy nhiên, sản xuất hàng hóa tăng trưởng nhanh hơn dự đoán và các nỗ lực tái thiết đã khiến GDP hàng năm của Nhật có bước nhảy vọt 6% trong quý 3 năm 2011. Thái Lan phải giải quyết hậu quả của việc hàng hóa bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt. Các chỉ số tăng trưởng 6 tháng cuối năm của Singapore, Hàn Quốc đều nằm ở mức thấp…

Mặc dù vậy, trong gam màu tối của nền kinh tế toàn cầu 2011, châu Á thực sự là một điểm sáng phát triển như báo cáo của ADB nhận định: Châu Á đã dựng lên được bức tường thành chống lại những khó khăn từ các thị trường phương Tây.

Một nghiên cứu vừa công bố của WB nhận định rằng các nền kinh tế châu Á sẽ trụ vững trong năm 2012 bởi hầu hết các nước đều có khả năng tài chính để giảm nhẹ những tác động của “cơn bão” đến từ phương Tây.

Cảnh tượng Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tới Trung Quốc để gây quỹ cứu khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đã phần nào cho thấy câu chuyện kinh tế năm 2011 - Một châu Á thịnh vượng trái ngược với châu Âu ảm đạm. Ngay chính Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng khẳng định rằng để chấn hưng nền kinh tế Mỹ, Washington cần tìm đến châu Á như một cứu cánh. Điều đó thể hiện qua việc Washington đang ra sức thúc đẩy Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiện TPP hội tụ 9 quốc gia, gồm Australia, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, trong khi hai nền kinh tế khác là Nhật Bản và Canada cũng đã tham gia đàm phán.

Với những gì đã đạt được trong năm qua, hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng châu Á -Thái Bình Dương sẽ không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động thương mại sôi động nhất thế giới trong năm 2012 mà còn là điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.