Chật vật tìm bối cảnh

ANTĐ - Với một đề tài không mới, bộ phim truyền hình “Ngược sóng” đề cập đến những con người dám thoát ra khỏi những cái cũ mà mạnh dạn bắt nhịp với cái mới ở thời kỳ mở cửa. Song, điều hấp dẫn khán giả ở bộ phim này lại chính là sự sâu sắc trong từng lời thoại, tình tiết mạnh mẽ, mạch phim liên tục cũng như bối cảnh phim cùng dàn diễn viên “có nghề”. Phim đang được phát trên sóng VTV1 lúc 20h30 các ngày thứ năm, thứ sáu trong tuần.

Chật vật tìm bối cảnh ảnh 1
“Ngược sóng” là bộ phim cuối cùng của nghệ sĩ Hồ Kiểng. Ảnh: Internet


Cuộc “đấu tranh” giữa đạo diễn và biên kịch

“Ngược sóng” được chuyển thể từ tiểu thuyết “Canh năm” của nhà văn Lê Thành Chơn. Đó là câu chuyện về những năm 90 của thế kỷ trước, khi cả nước bắt đầu bước vào thời kỳ mở cửa. Những chính sách đúng đắn và kịp thời của Nhà nước chính là bệ phóng hữu hiệu cho nhiều ngành kinh tế bứt phá, nhưng cũng chính thời điểm này, những chính sách mới, những cơ chế mới được áp dụng với đầy những vấp váp, bỡ ngỡ ban đầu đồng thời làm xuất hiện những kẽ hở khiến cho những kẻ trục lợi có cơ hội len lách, lợi dụng...

Theo đạo diễn Lê Cung Bắc, “Canh năm” được biên kịch Trịnh Thanh Nhã và Lê Anh Thúy chuyển thể thành kịch bản cùng tên, tuy nhiên phải rất nhiều lần tranh luận gắt gao của đạo diễn và đội ngũ làm phim, cuối cùng biên kịch đồng ý để ông chuyển tên phim thành “Ngược sóng” do nội dung chủ yếu xung quanh cuộc đấu tranh dữ dội giữa Thiện - Ác với nhiều tình tiết và hành động mạnh mẽ. Ông cũng cho biết: “Khi thực hiện bộ phim này, tôi cố gắng giữ nguyên cốt lõi của kịch bản văn học, bởi theo tôi đây là một kịch bản rất sâu sắc. Tôi chỉ mạn phép các tác giả để tạo thêm một số tình tiết làm đậm số phận của một số nhân vật mà tôi cho là rất đời thường để tạo thêm sự gần gũi với khán giả. Sự thay đổi chỉ có tính chất tạo sức hấp dẫn về mặt tình cảm mà thôi”.

Thiện - Ác song hành

Nhân vật chính - Long (diễn viên Hoàng Phúc thủ vai) giám đốc một khách sạn giữa Sài Gòn là nhân vật biểu tượng của cái thiện và năng lực vươn lên làm chủ bản thân, làm chủ đất nước. Từ một cán bộ tổ chức thuộc Sở Thương mại và Du lịch thành phố, Long đột nhiên được đề bạt làm giám đốc khách sạn Dòng sông xanh. Ngay sau ngày nhậm chức, Long đã nhận ra sự thật của cú “đề bạt” này. Đó là một kiểu trừng phạt đối với cái tính nguyên tắc và thẳng thắn trong công tác của anh. Nhưng Long chấp nhận cuộc chơi này. Vượt qua bao gian nan, khách sạn của anh sau hai năm hoạt động đã trở thành địa chỉ đặc biệt đối với những khách trung lưu trong và ngoài nước. Song hành, và đối trọng với Long là nhân vật nữ Huỳnh Thu Lý (diễn viên, người mẫu Phương Mai đóng), một nữ giám đốc nhà hàng trẻ đẹp, thông minh, nhiều tham vọng. Từng bước một, từ một cô trưởng nhóm tiếp viên bướng bỉnh của nhà hàng Trinh nữ cũng thuộc hệ thống quản lý của Tổng công ty Du lịch thành phố, Lý đã ngoi rất nhanh lên chức Giám đốc nhà hàng nhờ sắc đẹp và tính cách quyết liệt của mình. Tuy nhiên, Lý không muốn dừng ở đó. Tham cả tiền lẫn quyền, Lý dấn sâu mãi vào con đường băng hoại, trượt từ vũng bùn này sang vũng bùn khác. 

Giám đốc sản xuất Đoàn Bình, Công ty Cát Tiên Sa, đơn vị sản xuất bộ phim này cho biết, khó khăn nhất có thể nói nằm vào 2 bối cảnh chính là khách sạn Dòng sông xanh và Tổng công ty Du Lịch thành phố trong thập niên 90 của thế kỉ trước. Dĩ nhiên không thể dùng một khách sạn nào hiện nay để quay bối cảnh khách sạn Dòng sông xanh bởi quy định của kịch bản, đó là một khách sạn cũ kĩ xuống cấp từ trước năm 1975 để lại. Đoàn phim đã phải đi tìm những cơ quan chưa được nâng cấp để cải tạo thành bối cảnh trong phim. Mỗi khi quay ngoại cảnh đường phố là mỗi lần đoàn phim vô cùng vất vả với chuyện chặn đường để khỏi lọt xe đời mới và người sử dụng phương tiện mô tô đội mũ bảo hiểm. Đó là chưa kể, đoàn phải tìm thuê những chiếc xe hơi đời cũ và các loại xe lam, xe honda, xích lô di chuyển trên đường phố để tạo không khí thời điểm xã hội trong niên đại đó. “Vào nội cảnh, chúng tôi phải để ý các đạo cụ phù hợp với hoàn cảnh sinh hoạt của đất nước ta trong thập niên 90 như bàn ghế, điện thoại, tivi... Thậm chí, “biến hóa” nhà mới thành nhà cũ, sau đó lại làm mới trở lại” – ông Bình cho biết. 

Vai diễn nhỏ của nghệ sĩ lớn

Theo các thành viên trong ê-kíp làm phim, điều đáng nhớ nhất trong khi thực hiện bộ phim này có lẽ là chuyện nghệ sĩ ưu tú Hồ Kiểng (vừa mới qua đời hôm 3-4). Ai cũng biết Hồ Kiểng là một nghệ sĩ sân khấu và điện ảnh lão làng Việt Nam chuyên đóng vai phụ được ghi vào kỉ lục Việt Nam. Trong phim này, ông đóng vai người gác cửa. Dù là một vai rất nhỏ nhưng khuôn mặt và diễn xuất của ông đã tạo nên sự thích thú không nhỏ đối với người xem. “Chắc chắn không ai trong đoàn phim quên được, một buổi trưa khi mọi người đi ăn cơm về, thấy Hồ Kiểng ngồi tựa lưng vào ghế mắt nhắm nghiền, miệng lẩm bẩm. Ai cũng tưởng ông ngủ nói mơ nhưng khi đến gần mới biết ông đang ôn lời thoại trong phim. Nghe tiếng mọi người, ông mở mắt nhìn vừa cười vừa nói “diễn viên mà không thuộc thoại thì làm sao diễn cho ra hồn”. Tôi nghĩ đó là một câu nói mà tất cả diễn viên đừng bao giờ quên” – đạo diễn Lê Cung Bắc chia sẻ.