Kỳ họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn và cân nhắc một số vấn đề trọng tâm với 5 thành viên Chính phủ, nhận được nhiều câu hỏi chất vấn nhất liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhận được nhiều câu hỏi.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, mặc dù có nhiều ý kiến đề nghị Bộ trưởng GTVT trả lời chất vấn, nhưng xem xét cả quá trình vừa qua, sau khi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Bộ GTVT đã có báo cáo, Chính phủ đã có báo cáo việc thực hiện Nghị quyết tại kỳ họp này về chất vấn và đã có một số giải pháp mà Bộ đang thực hiện và tích cực khắc phục. Hơn nữa, Bộ trưởng Bộ GTVT mới giải trình về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đã được truyền hình trực tiếp.
Liên quan đến vấn đề Vinalines, Thanh tra Chính phủ đã phát biểu và có báo cáo bổ sung. Tuy vậy, trong phiên chất vấn này, nếu đại biểu hỏi thì Bộ trưởng vẫn có trách nhiệm trả lời. Như vậy, thay vì “điểm nóng” giao thông, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, đền bù, giải tỏa trở thành “điểm nóng” không kém thu hút sự quan tâm của cử tri, đặc biệt là việc lùi thời gian sửa đổi Luật Đất đai. Trong gần 2 tháng trước kỳ họp này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, được truyền hình trực tiếp thường xuyên vào cuối tuần.
Song, không phải vì thế mà cử tri và nhân dân cả nước không nóng lòng theo dõi các phiên chất vấn trên nghị trường. Giao lưu trực tuyến trên truyền hình giữa “tư lệnh” một số bộ, ngành với người dân vẫn chỉ mang tính chất “hỏi - đáp”. Trên diễn dàn Quốc hội, trước sự “sát hạch” của các đại biểu cũng như các Ủy ban của Quốc hội, cử tri và người dân mới có cơ hội thấy rõ hơn trách nhiệm chính trị của các thành viên Chính phủ.
Không ít đại biểu tỏ ra băn khoăn về thời lượng chất vấn chỉ gói gọn trong 2 phút, trong khi không khống chế thời gian trả lời. Một số đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ, ngay cả Đề án dự thảo nghị quyết đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội cũng chưa có tiêu chí, để đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm những chức danh do Quốc hội bầu ra. Một số ý kiến đề xuất 2 hình thức bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ và bỏ phiếu tín nhiệm bất thường. Bỏ phiếu bất thường sẽ làm cho người giữ trọng trách không thể né tránh trách nhiệm trước những vụ việc cụ thể để giữ yên “chiếc ghế” của mình.
Chất vấn là hoạt động giám sát hết sức quan trọng của cơ quan quyền lực cao nhất đối với những đại biểu dân cử, những chức danh do Quốc hội bầu ra. Chất vấn không phải để giải tỏa bức xúc cũng chưa thể giải quyết ngay vấn đề. Nhưng chất vấn phải ra vấn đề, hướng giải quyết và phải có trách nhiệm hoàn thành, chứ không chỉ là một lời hứa.