Cháo ngon nên thử ở Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong hệ thống những món ăn nhất định phải thử khi đến Hà Nội, thường thì xếp hạng bao giờ cũng là phở, bún, miến, rồi linh tinh các thứ quà khác, ít khi thấy cháo có mặt trong các danh sách này. Thế nhưng, dù ít khi xuất hiện trong “top nọ, top kia” thì cháo cũng có đời sống riêng và có cả một hệ thống dài dằng dặc các loại cháo cũng như đông đảo thực khách mê món này.

Đặc sản cháo sườn

Kể đến cháo ở Hà Nội đầu tiên phải nhắc đến cháo sườn. Cháo sườn được quấy từ bột gạo nước hoặc bột gạo khô chứ không nấu từ nguyên gạo hạt. Cháo mịn, sánh, khi ăn cùng quẩy. Gọi là cháo sườn nhưng ít khi thấy có sườn, thi thoảng lắm mới bắt gặp những miếng thịt nhỏ được hầm mềm, ngọt ngọt, bùi bùi. Cháo sườn có thời điểm được xem là món ăn dành cho trẻ mầm non, nhưng đó cũng là món ăn mà người lớn cũng thích. Một bát cháo nhỏ lót dạ tầm chiều chiều, không quá nặng bụng, lại cũng vừa đủ độ để có thêm năng lượng... chờ đến bữa tối.

Cháo sườn ở phố bây giờ khác xưa nhiều lắm. Trước mò mãi mới được miếng thịt thì nay, nói theo ngôn ngữ của thanh niên mới lớn, thì đã “full topping”. Tức là ngoài cháo, ngoài quẩy thì còn có thêm đủ các loại “người lái” kèm theo như ruốc, thịt băm, trứng cút luộc... Đó còn chưa kể là nếu gọi cháo sườn sụn thì trong bát sẽ có có thêm dăm bảy miếng sườn non chặt to bằng 2 đốt ngón tay. Ăn một bát thôi có khi no đến chiều. Cái lý thuyết ăn bữa xế để chờ bữa chính đã hoàn toàn thay đổi. Một bát cháo như thế có khi no đến hôm sau, khỏi phải ăn cơm chiều.

Buổi chiều hay giữa trưa ở phố Lý Quốc Sư, ngõ Huyện rất đông người ăn cháo. Hàng cháo sườn trên phố Hàng Điếu cũng tấp nập kẻ ra người vào. Phố Bát Đàn, quãng đầu giờ sáng cũng có một hàng cháo sườn ngon. Bà chủ ngồi vỉa hè ngay cạnh hàng bún riêu nổi tiếng, thành ra có khi ngồi bún riêu thì tràn sang ghế của hàng cháo và ngược lại. Cháo sườn sau khi được quấy xong thì thường được đặt cả nồi vào trong cái thúng với đầy đủ các đồ ủ, sao cho bán gần hết mà cháo trong nồi vẫn nóng. Ngoài cháo sườn ra còn có thêm cháo trai, cách nấu cũng tương tự. Cháo sườn thì chẳng ai cho hành, nhưng cháo trai có thêm mấy nhánh rau răm thái nhỏ ăn rất thơm. Những nhà hàng mang ẩm thực đường phố vào thực đơn sang trọng cũng ít khi bỏ qua cháo sườn. Tất nhiên, ăn một bát cháo sườn ngoài vỉa hè chỉ 10-15 nghìn đồng/bát. Cháo trong nhà hàng có khi gấp đôi, mà lại không ngon bằng.

Cháo tim gan và các loại biến tấu

Buổi sáng, nếu chán bún, miến, thì có thể đổi qua cháo. Cháo ăn sáng có nhiều, tất nhiên ngoài cháo sườn ra thì còn có cháo tim cật, cháo gà hay cháo thịt băm. Hàng cháo gà phố Nhà Thờ nổi tiếng đến nỗi dân tình gọi luôn là cháo chửi. Tuy nhiên, người viết bài này cả trăm lần vào ăn đều chưa lần bị “ăn thêm” chửi bao giờ. Chẳng hiểu chuyện cháo chửi chỉ là tin đồn thất thiệt hay chỉ là “sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người”. Khen cháo ở đây ngon xuất sắc thì cũng chưa hẳn đúng, tuy nhiên nếu tính ở trung tâm Hà Nội thì cũng chưa hàng nào vượt qua được hàng cháo này cả. Cháo ngọt, béo, vị ngọt tự nhiên của gà, ăn đến miếng cuối cùng vẫn không vữa.

Ngoài cháo gà ra thì còn cả hệ thống cháo 37. Thấy bảo khởi đầu là hàng cháo ở 37 Trần Nhân Tông, sau con cái bà chủ mở thêm ở các cơ sở khác. Thế nên trên phố Phùng Hưng cũng có một hàng, rồi đường Hoàng Quốc Việt hay Võ Chí Công cũng đều có cả. Cháo ở đây được nấu bằng gạo vỡ. Khách ăn đến đâu thì người bán múc ra một nồi nhỏ đun sôi rồi tùy theo yêu cầu mà thêm tim, gan, cật hay thịt băm... Hàng cháo này khá đông, khách vào rồi khách ra. Nhưng dù ăn nhiều lần ở đây vẫn tuyệt đối không thấy chủ quán nóng nảy, mắng nhân viên bao giờ. Thậm chí khách vào độ dăm bảy lần là chủ nhớ mặt và lần sau có tới thì chưa cần gọi đồ đã thấy dặn khẽ nhân viên: “Chị ấy ăn ít cháo và không mỳ chính”.

Nếu nhắc đến cháo mà không kể đến cháo lòng thì quả là một thiếu sót. Cháo lòng thường bán ở các hàng lòng lợn, nhưng ở Hà Nội cũng có những hàng chỉ bán mỗi cháo lòng. Cháo được bán đầu giờ sáng để ăn điểm tâm hoặc giữa trưa để phục vụ cho dân văn phòng. Cũng liên quan đến lòng lợn, mấy năm gần đây tự nhiên rộ lên mốt ăn lòng chần cháo. Lòng lợn thay vì được làm chín theo cách bình thường là luộc thì ở đây, lòng thái thành miếng vừa ăn rồi đổ vào làm chín cùng cháo. Khi múc ra bát gồm cả cháo lẫn lòng, tất nhiên là 7 phần lòng, 3 phần cháo. Dân nhậu rất thích món ăn gọi 1 được 2 này.

Ảnh hưởng của các món cháo đến từ miền biển, nhiều hàng quán ở Hà Nội còn bán đủ các loại biến tấu khác như cháo tôm, cháo hàu, cháo ngao, cháo ngán... Thay vì nấu kiểu dở canh, dở cháo như ở miền Trung, cháo hải sản thường được nấu sánh, khi ăn kèm với tía tô, hành hoa và hành tím phi thơm. Cũng phong trào du nhập ẩm thực, có đợt Hà Nội rộ lên các hàng cháo ếch Singapore. Ếch được xào với các gia vị đặc trưng, cháo để riêng, khi ăn mới trộn ếch và cháo vào với nhau. Vài năm trước các hàng cháo ếch đầy rẫy ngoài phố, nhưng nay tự dưng thấy ít hẳn đi. Không biết có phải là vì đây là món ăn phong trào theo kiểu “mỳ cay 7 cấp độ” một dạo nào đó không. Tuy nhiên, cách xào ếch hơi có vị ngọt có vẻ không hợp khẩu vị với người Hà Nội.