Kết thúc kỳ thi tuyển sinh ĐH 2008:
Chấm thi phải đảm bảo công bằng cho thí sinh
(ANTĐ) - Việc chấm thi sắp tới sẽ được tiến hành theo hai vòng độc lập. Trong trường hợp có sự chênh lệch lớn về kết quả bài thi của thí sinh giữa hai người chấm, Hội đồng chấm thi sẽ tổ chức chấm lần thứ 3.
Tối 10-7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long đã trao đổi với báo giới về những đánh giá xung quanh công tác tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH năm nay. Tổng kết cả hai đợt thi cho thấy cả nước có 1.247.576 thí sinh chính thức dự thi trên tổng số 1.791.816 thí sinh đăng ký dự thi, đạt tỷ lệ 69,62%. Một trong những thành công của kỳ thi này, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH 2008 là kỷ luật phòng thi đã được nâng cao khi số thí sinh vi phạm nghiêm trọng quy chế thi, bị đình chỉ thi giảm so với năm 2007.
Bù lỗ 10.000 đồng/thí sinh
Với tỷ lệ chưa được 70% thí sinh dự thi so với tổng số hồ sơ đăng ký dự thi, thấp hơn năm 2007, cho thấy tình trạng thí sinh “ảo” tiếp tục là vấn đề nóng với các trường.
Bàn về phương án giải quyết thí sinh “ảo”, Thứ trưởng Bành Tiến Long cho biết, nếu muốn, có thể quy định mỗi thí sinh chỉ được nộp 1 bộ hồ sơ ĐKDT, và có thể dùng công nghệ thông tin để sàng lọc. “Tuy nhiên, qua nhiều năm làm công tác tuyển sinh, chúng tôi thấy rằng không thể đặt ra quy định mỗi người nộp một bộ hồ sơ để chống hồ sơ ảo. Nhiều thí sinh đã sớm xác định được trường, được ngành mình có nguyện vọng thi vào, nhưng cũng có những thí sinh và phụ huynh còn nhiều cân nhắc, lựa chọn nên không thể làm mất đi cơ hội của các em được. Thống kê cho thấy tỉ lệ 1 TS nộp 1,8 bộ hồ sơ ĐKDT” - Thứ trưởng cho biết.
Theo bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, trong đợt thi này, nhiều trường phản ánh về tình trạng thí sinh “ảo” và họ phải bù lỗ cho kỳ thi. Do vậy, Bộ GD-ĐT đang làm việc với Bộ Tài chính để xây dựng thông tư cấp bù lỗ cho các trường 10.000 đồng/TS đến dự thi. “Vấn đề này, chúng tôi đã làm việc với Bộ Tài chính từ năm ngoái, do lạm phát cao nên không tăng lệ phí dự thi của thí sinh mà Nhà nước sẽ quyết định bù lỗ cho các trường”. Ngoài ra, bà Hà khẳng định, Bộ sẽ đưa ra giải pháp nữa, đó là khi thí sinh nộp hồ sơ thì phải nộp luôn lệ phí đăng ký dự thi.
Có thể chấm thi 3 vòng để đảm bảo công bằng cho thí sinh
Một kỳ thi an toàn, nghiêm túc. |
Kết thúc kỳ thi, điều mà nhiều thí sinh quan tâm hiện nay là khâu chấm thi. Hiện vẫn còn những thắc mắc xung quanh đề và đáp án chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, khá nhiều nhận xét cho rằng đề thi môn Vật lý, Sinh học, thậm chí cả Hóa học năm nay có những câu không tường minh, có nhiều phương án trả lời. TS Nguyễn An Ninh - Cục trưởng cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, Ban đề thi đang thảo luận nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có sự thay đổi nào về đáp án đối với môn Vật lý, Sinh học. Với những ý kiến thắc mắc, Bộ sẽ trao đổi lại sau bằng văn bản.
Theo Thứ trưởng Bành Tiến Long, việc chấm thi sắp tới sẽ được tiến hành theo hai vòng độc lập. Trong trường hợp có sự chênh lệch lớn về kết quả bài thi của thí sinh giữa hai người chấm, Hội đồng chấm thi sẽ tổ chức chấm lần thứ 3. Nếu kết quả vẫn không thống nhất, bài làm của thí sinh sẽ được tổ chức chấm tập thể. Cách làm này sẽ đảm bảo công bằng về kết quả cho thí sinh. Được biết, theo quy định của Bộ GD-ĐT ngày 5-8 là thời hạn cuối để các trường hoàn thành chấm thi và công bố điểm cho thí sinh.
Với một đề thi được bộ đánh giá là nằm trong chương trình, không quá dài, quá khó và phân loại được thí sinh, Thứ trưởng Bành Tiến Long cho rằng điểm sàn vẫn giữ ổn định như những năm trước. Tuy nhiên, để có thể xây dựng các phương án điểm sàn, phải có kết quả chấm thi trên toàn quốc. Từ thống kê cụ thể, Bộ mới đưa ra các phương án điểm sàn, trong đó có tính đến yếu tố vùng miền, ngành nghề.
Vinh Hương