Chắc “cương” thúc kinh tế vọt lên

ANTĐ - Vượt qua những trở ngại, khó khăn của năm 2013, năm Giáp Ngọ 2014 mở ra những cơ hội cũng như thách thức cho nền kinh tế. Với dự báo kinh tế Việt Nam đã “thoát đáy”, năm 2014 được kỳ vọng sẽ đem lại những tín hiệu tích cực, lạc quan thúc đẩy kinh tế tăng trưởng như sức mạnh, tốc độ của chiến mã. 

Vượt đáy

Nhìn lại chặng đường một năm qua có thể thấy, 2013 là năm không mấy thuận lợi cho kinh tế Việt Nam. Hàng loạt các giải pháp được thực hiện nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng nhìn chung tình hình kinh tế-xã hội 2013 vẫn rất nhiều khó khăn. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa thật sự khởi sắc, tổng cầu và sức mua trong xã hội còn yếu, tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu và lạm phát vẫn rình rập tăng trở lại. Tuy nhiên, bên cạnh gam màu xám của kinh tế Việt Nam 2013, vẫn có thể thấy một số điểm sáng như lượng vốn FDI tiếp tục gia tăng, xuất khẩu tiếp tục khởi sắc, đặc biệt là sản xuất công nghiệp có dấu hiệu ngày một tốt hơn…

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu: “Điểm sáng nhất trong năm 2013 là tạo được sự ổn định đối với kinh tế vĩ mô, điều này thể hiện qua chỉ số lạm phát giữ ở mức thấp. Hiện tượng đô la hóa gần như đã được loại trừ tạo ra sự ổn định trên thị trường ngoại hối trong cả năm. Mặc dù mức tăng trưởng không được như kỳ vọng đã đặt ra từ đầu năm nhưng cũng thể hiện nỗ lực đáng kể của một nền kinh tế còn non trẻ. Về tài chính ngân hàng, năm 2013 đánh dấu sự thành công của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cũng như hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh”.

Với những thành quả mà nền kinh tế đạt được trong năm 2013, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong năm 2014 cơ hội lớn nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam nằm ở yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô và xu hướng tăng trưởng trở lại của kinh tế thế giới. Chỉ số lạm phát thấp, xuất khẩu có nhiều điều kiện tăng trưởng, dự trữ ngoại hối được cải thiện là những yếu tố hết sức thuận lợi cho sự phục hồi của hệ thống doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài được dự báo sẽ tiếp tục tăng đáng kể trong năm 2014 cũng là động lực mở ra những cơ hội lan tỏa tới các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, với xu thế mở rộng thị trường và sự tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, sức cạnh tranh quốc tế về đầu tư cũng như chi phí sản xuất và giá bán sản phẩm cũng trở nên ngày càng gay gắt. Thương mại tự do không chỉ là cơ hội mà cũng là thách thức với doanh nghiệp nội địa.

Nhận diện những khó khăn mà kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt trong năm 2014, GS.TS Đặng Hùng Võ chỉ ra rằng: “Việc phục hồi nền kinh tế trong năm 2014 phụ thuộc rất nhiều vào tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có giải quyết nợ xấu của các ngân hàng thương mại, giải quyết nợ của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước... Đây là những chuyện khó và hy vọng chúng ta sớm giải quyết được. Xa hơn nữa, tôi cho rằng chúng ta cần phải xem xét việc phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam, đây mới chính là yếu tố tạo đột biến trong tăng trưởng”.

Kỳ vọng

 

Theo ông Đặng Huy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Những kết quả đạt được trong năm 2013 cho thấy các giải pháp quyết liệt của Chính phủ đã bắt đầu phát huy tác dụng. Tuy vậy, các dấu hiệu phục hồi còn chưa rõ nét và chưa chắc chắn. Năm 2014 sẽ còn tiếp tục có những thách thức, vì thế, đòi hỏi phải kịp thời có các giải pháp, bởi nếu không có sự chuẩn bị thì doanh nghiệp sẽ khó cạnh tranh được ngay tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó, cần có những giải pháp, cơ chế hữu hiệu thúc đẩy cải cách doanh nghiệp Nhà nước”.

“Năm 2014 cũng cần những giải pháp giúp điều tiết dòng vốn đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp. Tăng tính liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đưa doanh nghiệp của chúng ta chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó là những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế để ứng phó với các tác động từ kinh tế thế giới và chủ động đón nhận cơ hội mà quá trình hội nhập đem lại”, ông Đặng Huy Đông kiến nghị.

Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, Chính phủ cần quyết liệt hơn trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khu vực huyết mạch của nền kinh tế. Nếu cơ chế, chính sách được thực hiện tốt, thì năm 2014 được dự báo là thời điểm cộng hưởng phát huy tác dụng và tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế chuẩn bị bước vào một chu kỳ tăng trưởng chất lượng cao hơn và bền vững hơn.

Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia (NCEIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP giai đoạn 2014-2015 sẽ khó đạt mức cao, song có thể diễn ra theo hai kịch bản khá tích cực. Dù theo kịch bản nào thì tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng đạt từ mức 5,67% và chỉ số giá tiêu dùng ở mức 7%. Nhìn nhận một cách lạc quan, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng: “Kinh tế Việt Nam đã thoát đáy từ cuối quý III năm 2013 và khả năng phục hồi sẽ rõ ràng hơn trong 2014. Biểu hiện là chỉ số phát triển công nghiệp, xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa, chỉ số quản lý mua hàng PMI và đầu tư trực tiếp nước ngoài bắt đầu tăng mạnh từ cuối quý III đến cuối năm 2013”.

TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, một số phân khúc, ví dụ nhà ở đã hoàn thành, có vị trí tốt,.. đã bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc cuối năm 2013. Diễn biến này có thể tiếp tục trong năm 2014. Về tổng thể, do vấn đề nợ xấu lớn và khả năng xử lý chưa hình thành, chính sách tiền tệ nhìn chung vẫn rất thận trọng để duy trì kinh tế vĩ mô, cho nên sự đi lên ít nhiều có thể có, nhưng để được gọi là bùng nổ hay hồi phục rõ rệt thì còn khó khăn.

Kênh chứng khoán được dự báo sẽ có những đợt sóng trong năm 2014 dựa trên kỳ vọng tích cực của nhà đầu tư và các động thái của Chính phủ trong việc tái cơ cấu nền kinh tế. Mặc dù khó có khả năng tăng vọt, tuy nhiên, có một số nhân tố có thể tác động tích cực đến hoạt động của thị trường này như tiến trình cổ phần hóa nhà nước được đẩy mạnh hơn, việc cam kết các hiệp định thương mại tự do cùng với việc tiếp tục duy trì ổn định và cải cách của Việt Nam cũng có thể tạo thêm độ hấp dẫn cho dòng vốn ngoại.

Đối với thị trường bất động sản, các chuyên gia nhận định, sẽ có sự phục hồi nhanh ở khu vực giá thấp và có tác động một phần trong việc tăng trưởng các lĩnh vực khác như vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng... góp phần vào phục hồi nền kinh tế. “Thị trường bất động sản đang thoát đáy ở khu vực giá thấp là đúng nhưng ở khu vực giá trung bình và giá cao vẫn chưa có câu trả lời”, GS.TS Đặng Hùng Võ đánh giá. 


Đầu tư vào vàng được các chuyên gia nhận định là kênh đầu tư kém hiệu quả, bởi giá vàng được dự báo có xu hướng giảm dài hạn do kinh tế thế giới phục hồi và có nhiều kênh đầu tư triển vọng hơn. Nhìn vào diễn biến tỷ giá năm 2013, có thể thấy được sự ổn định đúng như cam kết của cơ quan quản lý, vì vậy trong năm 2014, đầu tư vào USD cũng không được đánh giá cao. Trong khi đó, kênh gửi tiết kiệm là tương đối an toàn trong bối cảnh thị trường chứng khoán và bất động sản chưa nhìn rõ xu hướng tăng trưởng. Nếu cân nhắc giữa lợi nhuận và rủi ro thì kênh tiết kiệm có thể vẫn là kênh lựa chọn của số đông người có tiền nhàn rỗi. TS. Lê Xuân Nghĩa gợi ý: “Với tiền nhàn rỗi nên dùng 50% gửi tiết kiệm, 50% đầu tư vào chứng khoán vì nếu kinh tế phục hồi, thị trường chứng khoán sẽ tăng trước, đó là cơ hội để đầu tư; lãi suất cũng tăng, đó là cơ hội để bảo toàn vốn”.