- Di sản sẽ chết nếu tham và thiếu tính toán
- Khám phá vẻ đẹp kì vĩ của hang động lớn nhất thế giới ở Việt Nam
- Không thể vì tiền mà cho du khách vào Sơn Đoòng ồ ạt
Các nhà thám hiểm thuộc Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh trong chuyến khám phá Sơn Đoòng
Chuyện cáp treo chạy vèo vèo trên đầu di sản ở Việt Nam không hiếm. Thậm chí còn nhiều. Yên Tử đấy. Chùa Hương đấy. Cái hồi chưa xưa cho lắm, chưa có cáp treo, người đi chùa cứ vừa đi vừa niệm Phật, đường dù có đông, có nhỡ dẫm vào chân nhau thì vẫn cứ thân thiện mỉm cười. Người có sức, có tâm thì vào đến động chính, người không có sức, đi đến đền Trình hoặc Thiên Trù là trở ra thì vẫn coi như Trời, Phật đã chứng cho lòng thành, hướng thiện.
Giờ đi chùa Hương chẳng tốn mấy thời gian. Có lâu cũng chỉ là lúc xếp hàng mua vé rồi chờ đến lượt vào cabin. Cáp treo vèo vèo chạy qua cả nóc chùa Giải Oan. Thế mới có chuyện, đến ga Giải Oan là phải rắc tiền. Tiền nhiều, bay lả tả như lá mùa thu, cứ tưởng từ trên trời rơi xuống nơi cửa Phật, hóa ra là từ cáp treo… vèo xuống(!?).
Rồi thì trên Đường Tùng- Yên Tử, lối mòn giờ rêu phong. Ít ai lặn lội đi bộ lên chùa Hoa Yên rồi chót vót cao là chùa Đồng, lại vòng đường qua chùa Vân Tiêu mà leo xuống. Cáp treo sẵn đấy rồi, ngồi cabin tiện lợi hơn. Nhưng du khách bị thiệt đấy khi họ đã bỏ qua rất nhiều điều thú vị mà chỉ có đi bộ lên đỉnh mới có thể cảm nhận hết được. Ngẫm kỹ mới thấy, giờ người ta đi chùa không phải là tìm về chốn bình an để tâm thanh thản, không phải là hành lễ, mà là “cưỡi ngựa, xem hoa”, mà là đi bằng được để cầu xin, vay mượn lộc lá. Toàn là những mục đích cụ thể, vừa tới được nơi cần đến cho thỏa chút tâm linh mà chẳng phải nhọc công. Có mấy ai thiết cỏ cây, mây nước, phong cảnh hữu tình, mà đa phần chọn đi cáp treo cho nhanh gọn, thuận tiện, đỡ tốn mồ hôi.
Gần đây, khách Tây, khách ta tha thiết rủ nhau chinh phục nóc nhà Đông Dương, chắc có người lo chẳng mấy nữa khi mắc cáp treo rồi thì chuyện chinh phục đỉnh cao mây vờn trở thành trò nhạt nhẽo. Đỉnh Fansifan quanh năm mây phủ có lẽ sắp đến ngày đông vui, thừa hơi người, thừa cả hàng quán và rác. Lo thế chắc không xa và cũng chẳng thừa!
Vấn đề cáp treo hay không cáp treo ở thời điểm này hẳn là đang làm cho một số nhà quản lý (những người thực sự có tâm với di sản) bối rối và lo ngại. Đó cũng là hiện thân cụ thể của bài toán bảo tồn và phát triển. Không thể khư khư ôm lấy những điều xưa cũ rồi “án binh bất động” bất cứ dự án nào dưới vỏ bọc bảo tồn di sản, nhưng ngược lại, cũng không thể coi dự án như “miếng bánh ngon” để rồi khai thác kiểu tận diệt với lập luận rằng “địa phương còn nghèo, không có tài nguyên, chỉ có duy nhất cách này để tăng nguồn thu ngân sách”.
Thử nhìn ra Thái Lan, nước rất gần với ta, tài nguyên du lịch họ đâu có nhiều, nhưng họ nghĩ được, làm được rất nhiều thứ để du khách vui vẻ dốc hầu bao và lần sau vẫn thiết tha muốn trở lại.
Chẳng phải tự nhiên mà mấy hôm nay truyền thông đặc biệt quan tâm đến dự án xây dựng cáp treo vào Sơn Đoòng. Mạng xã hội dấy lên phong trào “Nói không với cáp treo” và “Bảo vệ Sơn Đoòng”… Cáp treo không có tội và điều đáng lên án hơn cả chính là sự vô ý thức của du khách, sự e sợ “không quản được hết” của các nhà quản lý.
Thử hình dung xem, rầm rầm cáp treo đổ bộ vào hang hoang dã như thế thì liệu những loài sinh vật ở Sơn Đoòng vốn cả nghìn năm quen sống trong bóng tối sẽ ra sao? Cỏ cây hoa lá nơi đây sẽ thế nào? Chủ dự án có lắp đặt chiếu sáng xanh đỏ lòe loẹt trong hang hay không? Và nếu có thì hẳn những lan can inox sáng chóe chắc sẽ đâm nát vách đá thâm trầm. Vậy là, Sơn Đoòng- hang động đẹp nhất thế giới khiến các nhà khoa học toàn thế giới phải trầm trồ thán phục có lẽ nào sẽ lại trở nên nhạt nhẽo vô vị và nhang nhác giống những hang động khác?
Chúng ta đang có cả “kho vàng” trong tay. Đương nhiên, chúng ta không thể ngồi bất động nhìn “cả đống vàng” di sản, nhưng cũng không thể đem nó ra phô phang một cách thiếu tính toán lâu dài. Sao không chọn cách nào đó thân thiện hơn? Câu hỏi dành cho các nhà quản lý!
Mấy hôm nay, người dân Đồng Văn - Hà Giang lẫn Simacai - Lào Cai đều phát phiền về khách du lịch đổ về nhân mùa hoa tam giác mạch. Kinh phí thu từ du lịch còn chưa thấy đâu đã thấy cả cánh đồng hoa nát tươm dưới gót giầy của những du khách thiếu ý thức. Người viết bài này mạo muội đoán, nếu để du khách “tự sướng” kiểu đó tràn vào hang Sơn Đoòng để khoe khoang chiến tích, thì có lẽ chẳng mấy chốc kho vàng chúng ta đang sở hữu sẽ nát nhừ thành một bãi rác công nghiệp. Hãy giữ lấy của cải quý giá của chúng ta và những gì thiên nhiên ban tặng!