Cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu chậm tiến độ, đội vốn hơn 3.600 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ GTVT cho biết, tổng mức đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu tăng khoảng 3.665 tỉ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 59/2022.

Bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng xem xét, thông qua nội dung dự thảo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7km, gồm 3 dự án thành phần có quy mô giai đoạn 1 gồm 4-6 làn xe tùy theo từng đoạn tuyến với tổng mức đầu tư là 17.829 tỷ đồng. Dự án được giao cho Bộ GTVT, hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu làm cơ quan chủ quản.

Dự án được Quốc hội thông qua vào 12/2022, sau đó Bộ GTVT và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần lượt phê duyệt báo cáo khả thi dự án thành phần 2 và 3. Tuy nhiên, đến giữa tháng 2/2023 tỉnh Đồng Nai mới hoàn thiện thủ tục trên đối với dự án thành phần 1, chậm 3 tháng so với kế hoạch được giao.

Phối cảnh dự án cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu

Phối cảnh dự án cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu

Ngoài ra, việc lựa chọn nhà thầu cho 5 gói thầu tại 3 dự án thành phần đến nay vẫn còn một gói thầu thuộc dự án thành phần 1 đang tiến hành lựa chọn nhà thầu. Dự kiến trong tháng 10 này mới hoàn thành.

Bên cạnh đó, công tác GPMB cho tuyến cao tốc cũng gặp nhiều khó khăn. Theo Bộ GTVT, tháng 11/2022, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được giao thực hiện GPMB cho dự án.

Tuy nhiên, hơn nửa năm trôi qua, hai địa phương này mới bàn giao được 114/452ha đất (đạt 25,30%) cho dự án thành phần 3. Còn dự án thành phần 1 và 2 chưa thực hiện bồi thường.

Do vậy, dù dự án thành phần 1 được khởi công vào tháng 6 vừa qua nhưng khởi công xong… để đó, do chưa có mặt bằng. Còn dự án thành phần 2, các nhà thầu cũng chỉ dừng ở việc triển khai huy động máy móc, thiết bị, xây dựng lán trại, trình duyệt vật liệu đầu vào; khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công… Bước đầu, nhà thầu chỉ triển khai thi công một số hạng mục dọn dẹp mặt bằng, đào bóc hữu cơ.

Tương tự, dự án thành phần 3 vẫn đang chuẩn bị và đang triển khai thi công các hạng mục dọn dẹp mặt bằng, đào, đắp nền đường, cầu và cống hộp. Lũy kế khối lượng đã thực hiện đạt khoảng 1,6% giá trị hợp đồng.

Lý giải việc chậm bàn giao mặt bằng, 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, nguyên nhân chủ yếu do nhân lực tại các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác GPMB của tỉnh chưa đáp ứng khối lượng công việc. Đơn giá bồi thường GPMB chưa được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt.

Dự án thành phần 1 đi qua khu vực đất an ninh - quốc phòng nên phải làm thủ tục điều chỉnh. Dự án thành phần 1, 2 đi qua khu vực đất do Tổng công ty Cao su Đồng Nai quản lý chưa được thu hồi, do chưa thống nhất về các khoản hỗ trợ khác.

Thậm chí, đến thời điểm này các khu tái định cư phục vụ GPMB dự án thành phần 1, 2 chưa triển khai xây dựng, dẫn đến không đủ điều kiện để thực hiện công tác GPMB theo quy định. Vì vậy, tiến độ bàn giao mặt bằng trong năm 2023 là khó khả thi.

Một khó khăn khác của dự án này là việc đội vốn. Theo hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, sau khi kiểm đếm thực tế, chi phí GPMB tăng khoảng 3.674 tỉ đồng. Trong đó, dự án thành phần 1 tăng khoảng 1.195 tỉ đồng, dự án thành phần 2 tăng khoảng 1.489 tỉ đồng, dự án thành phần 3 tăng 990 tỉ đồng.

Bộ GTVT cho biết việc tăng chi phí trên dẫn đến tổng mức đầu tư dự án tăng khoảng 3.665 tỉ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 59/2022.