Cao ốc 21 tầng không phép

ANTĐ - Thời gian gần đây dư luận không khỏi bức xúc trước thông tin về tòa nhà Sakura Tower 47 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân không có giấy phép xây dựng nhưng vẫn thi công bất chấp các  quy định của pháp luật. Sự việc kéo dài 1 năm rưỡi và công trình đã “mọc” tới tầng thứ 21, người ta hoàn toàn có thể đặt câu hỏi: Phải chăng có ai đó đã “chống lưng” cho các vi phạm này?

Công trình Sakura 47 Vũ Trọng Phụng

Chỉ đến khi Thanh tra Bộ Xây dựng vào cuộc và ra Quyết định xử phạt hành chính ngày 26-7-2011 với số tiền 500 triệu đồng thì những vi phạm kia mới tạm chấm dứt.

Tòa nhà Sakura Tower do Công ty cổ phần Hùng Tiến - Kim Sơn làm chủ đầu tư và Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển hạ tầng Vinaconex - Alphanam chịu trách nhiệm thi công. Đây là một tổ hợp căn hộ, văn phòng, thương mại được khởi công từ cuối năm 2009 thuộc địa bàn phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân với tổng diện tích đất là hơn 2.600m2, diện tích đất xây dựng là gần 1.300m2 tương ứng mật độ xây dựng 48,2%. Sau hơn 1 năm dồn dập thi công đến nay công trình đã cơ bản hoàn thành tầng ngầm, phần thô và hiện đang… chờ cấp giấy phép.

Vấn đề đặt ra là Sakura Tower là một công trình lớn, thời gian vi phạm khá dài, nên không thể nói là các cấp chính quyền cơ sở và các ban, ngành của quận Thanh Xuân không hề hay biết. Để tìm hiểu rõ những vấn đề này chúng tôi đã có buổi làm việc với UBND phường Thanh Xuân Trung.

Sáng 11-10, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch phường cho biết: “Đầu tháng 3-2010 khi Công ty cổ phần Hùng Tiến - Kim Sơn bắt đầu tiến hành thu dọn mặt bằng chuẩn bị tiến hành xây dựng, UBND phường đã cử một đoàn công tác tới đây để làm việc và kiểm tra thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, do chủ đầu tư chưa thi công nên đoàn công tác của phường yêu cầu đại diện chủ đầu tư sau 1 tháng phải cung cấp đầy đủ mọi hồ sơ pháp lý của công trình cùng các giấy tờ liên quan rồi mới được xây dựng. Hết thời gian trên vẫn không thấy chủ đầu tư cung cấp những hồ sơ pháp lý theo yêu cầu, chúng tôi lại cử đoàn công tác tới để làm việc thì được biết Thanh tra xây dựng quận đã thụ lý việc này. Cụ thể là ngày 11-3-2010 Thanh tra xây dựng quận đã lập biên bản vi phạm hành chính yêu cầu Công ty cổ phần Hùng Tiến - Kim Sơn ngừng thi công do công trình vi phạm trật tự xây dựng”.

Theo quan điểm của ông Hòa thì: “Với một hành vi vi phạm thì không thể cùng lúc có đến 2 cơ quan xử lý. Mặt khác Nghị định số 23/2009/NĐ-CP, khoản 3, điều 55 có nói rõ: Đối với những hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan thì cơ quan nào phát hiện trước, cơ quan đó tiến hành xử phạt theo đúng các nguyên tắc quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Vì thế, dù công trình vi phạm nằm trên địa bàn phường, nhưng lúc này UBND phường chỉ đóng vai trò phối hợp, giám sát chứ không trực tiếp xử lý nữa”.

Tuy nhiên, kể từ lúc Thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân tiếp quản việc xử lý thì chủ đầu tư ngày càng “nhờn thuốc”. Cụ thể là sau biên bản yêu cầu ngừng thi công lập ngày 11-3-2010, Thanh tra quận lập tiếp 2 biên bản và quyết định xử phạt nữa vào các ngày 3-12-2010 và 23-3-2011. Chủ đầu tư vẫn phớt lờ và tiếp tục thi công. Mãi cho tới giữa tháng 7 vừa qua, khi dư luận đã quá bức xúc thì Thanh tra quận Thanh Xuân mới có văn bản báo cáo Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, lúc này tòa nhà 21 tầng Sakura Tower đã cơ bản hoàn thành phần thô.

Xung quanh sự việc này chiều cùng ngày ông Trần Viết Ngôn - Phó Chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng: “Ở góc độ quản lý nhà nước có thể nói, để xảy ra sự việc này là do phường, quận Thanh Xuân đã buông lỏng quản lý. Bản thân họ nắm sự việc, xử lý vi phạm nhưng không làm triệt để mà chỉ ra các văn bản có tính hình thức.

Nói thẳng ra là, nếu làm dứt khoát thì họ đã phải yêu cầu các ban, ngành hữu quan như điện, nước cắt toàn bộ. Đề nghị công an phối hợp vào giãn thợ, cấm xe chở vật liệu vào chân công trình thì dù có muốn chủ đầu tư cũng chịu không thể nào tiếp tục vi phạm được. Vi phạm để tồn tại tới hơn 1 năm trời mới báo cáo lên trên thì việc đã rồi. Bản thân tôi hiện nay cũng chưa hề có hồ sơ của công trình này, cũng không biết điều kiện khởi công đã đầy đủ chưa; nghĩa vụ tài chính đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; quy hoạch kiến trúc với các dự án này ra làm sao hay chứng nhận đầu tư thế nào. Tóm lại vẫn mù tịt”.

Vốn là địa bàn có nhiều “bài học” trong việc để xảy ra các vi phạm về trật tự xây dựng. Nay lại thêm một công trình lớn như Sakura Tower mà vẫn được chính quyền đánh bài “lờ” thì hoàn toàn có thể hiểu được lý do tại sao bộ mặt đô thị nơi đây luôn lộn xộn. Báo An ninh Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc xung quanh việc xử lý công trình này.