Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy khuyến cáo sử dụng thiết bị thoát hiểm an toàn và đúng cách

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau vụ hỏa hoạn xảy ra tại ngôi nhà 9 tầng, 1 tum ở ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội vào đêm 12/9/2023, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhiều người dân đã mua thiết bị an toàn PCCC như thang dây, mặt nạ phòng độc, búa, kìm…trang bị cho gia đình phòng khi "bà hỏa" hỏi thăm.
Hướng dẫn sử dụng thang dây thoát hiểm hạ chậm
Hướng dẫn sử dụng thang dây thoát hiểm hạ chậm

Phương tiện thoát hiểm phải gắn với kiến thức

Việc trang bị phương tiện an toàn PCCC như bình chữa cháy, búa, kìm phá khóa, mặt nạ phòng độc, dây thoát hiểm thả chậm… cho gia đình không thừa đối với công tác phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó với hỏa hoạn. Tuy nhiên, cần phải có kỹ năng, kiến thức để đảm bảo an toàn hơn.

Không ai đoán trước cháy sẽ xảy ra lúc nào, thời điểm nào và cũng không ai dám khẳng định tất cả các công trình, tòa nhà, chung cư từ hiện đại cho đến bình dân, từ biệt thự cho đến nhà cấp 4 sẽ không tiềm ẩn nguy cơ cháy và có thể xảy ra cháy. Bởi tính hiểm họa của hỏa hoạn là không báo trước, nên phải chuẩn bị tốt công tác phòng ngừa và ý thức phòng ngừa luôn là nhiệm vụ quan trọng số 1 đối với công tác an toàn PCCC.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm cho biết: “Người dân chủ động trang bị dụng cụ an toàn PCCC là cần thiết. Khi có sẵn bình chữa cháy trong nhà, phát hiện lửa nhỏ dập tắt đơn giản, kèm với dụng cụ có sẵn như búa, kìm phá khóa khi gặp sự cố sẽ thoát nạn đơn giản hơn. Có dây thoát hiểm thả chậm và được chủ động nghiên cứu phương án, khi không may gặp sự cố phải bình tĩnh thoát hiểm để được an toàn”.

Về vấn đề thang dây thoát hiểm từ tầng cao xuống thấp, chuyên gia PCCC và CNCH lưu ý, thang dây khác với dây thoát hiểm thả chậm. Về tính an toàn và dể sử dụng thì dây thoát hiểm linh hoạt hơn, an toàn hơn do dụng cụ này có thể chịu trọng lượng lên đến 1.000 kg. Tính tối ưu của dây thoát hiểm thả chậm có hộp tự điều chỉnh tốc độ theo trọng lượng cơ thể và có móc khóa an toàn nên khi tụt xuống khó bị văng ra. Về thang dây khi thả xuống, người thoát nạn tự trèo theo bậc thang và khó thao tác, đặc biệt nguy hiểm nếu khoảng cách cao tầng dây sẽ văng đi, văng lại gây mất thăng bằng.

Lưu ý, việc mua sắm thiết bị phòng cháy, thoát nạn, người dân cần đến cửa hàng uy tín chuyên bán đồ bảo hộ lao động hoặc cửa hàng quen biết để tránh mua phải đồ kém chất lượng.

Cuộn dây thoát hiểm thả chậm

Cuộn dây thoát hiểm thả chậm

Phòng ngừa tốt sẽ hạn chế cháy xảy ra và chủ động mua sắm phương tiện, dụng cụ PCCC và dụng cụ thoát nạn sẽ tăng cơ hội sống nhiều hơn khi bị “bà hỏa” ghé thăm. Cùng với việc trang bị phương tiện là trang bị kiến thức PCCC, thoát nạn, kỹ năng dùng thiết bị thoát nạn cho từng cá nhân trong gia đình luôn là điều kiện phải có! Bởi nếu thiếu đi kỹ năng, kiến thức thoát nạn khi xảy ra sự cố sẽ gặp nguy hiểm khác đe dọa.

Cẩn thận để mỗi người dân được an toàn hơn

Vụ cháy ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân vừa xảy ra tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh người dân về công tác an toàn PCCC. Theo quan sát của phóng viên, ngay sau khi vụ cháy xảy ra tại chung cư mini ở phố Khương Hạ, nhiều người dân đã đổ xô đi mua sắm các loại thiết bị thoát hiểm để phòng ngừa với “giặc lửa”. Cho dù lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp tinh nhuệ đến mấy, phương tiện hiện đại như thế nào thì khi đến được nơi xảy cháy cũng phải có thời gian nhất định, nhanh nhất cũng phải mất 5 đến 10 phút và còn phải phụ thuộc vào địa hình, nơi xảy cháy có tiếp cận xe chữa cháy được không, tin báo sớm hay muộn, chất cháy là gì...?

Thang dây sẽ khó khăn hơn trong việc tự trèo từ trên tầng cao xuống thấp

Thang dây sẽ khó khăn hơn trong việc tự trèo từ trên tầng cao xuống thấp

Điều quan trọng hơn, mỗi công dân đều phải hiểu công tác an toàn PCCC là trách nhiệm của toàn dân. Để đảm bảo khu dân cư, tổ dân phố an toàn đều phải xuất phát từ ý thức, trách nhiệm của từng công dân, chủ cơ sở với công tác PCCC. Trăm người dân chung 1 tòa nhà có ý thức, nhưng còn 1 người ý thức kém, lơ là, chủ quan thì vẫn có thể là mối đe dọa đến cộng đồng.

Ở các khu chung cư hay tòa nhà cao tầng, từng cá nhân sinh sống và mỗi người từ chú bảo vệ, bác trông xe, chị lao công đều có thể hạn chế cháy bằng hành động cụ thể và trách nhiệm của mình thông qua ý thức sinh hoạt trong gia đình. Cụ thể là tắt thiết bị điện khi không sử dụng, đun nấu cần kiểm tra, có người trông coi, thường xuyên bảo dưỡng hệ thống báo cháy, hệ thống điện trong công trình và phân chia khu sạc giữa xe điện và xe chạy bằng nhiên liệu như xăng, dầu, gas, để khoảng cách an toàn thì sự thiệt hại sẽ giảm đáng kể khi không may xảy ra sự cố cháy, nổ.