Cảnh giác với “cò” vay vốn

ANTĐ - Lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết của người dân có nhu cầu vay vốn, nhiều đối tượng lừa đảo đã dễ dàng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản khi “khoác” lên mình cái mác: Môi giới trung gian.

“Cò” lừa đảo chủ yếu đánh vào lòng tham của nạn nhân

Đánh vào lòng tham

Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cô sinh viên gầy gò, tên Lan Anh (quê ở Nam Định) nước mắt ngắn dài khi được triệu tập tới trụ sở cơ quan CSĐT. Vốn là người năng động, có “máu” làm ăn nên ngay sau khi bước chân vào cổng trường đại học, Lan Anh đã cùng một số người quen thành lập Công ty TNHH Chuyên san lấp mặt bằng.

Qua các mối quan hệ xã hội, Lan Anh đã quen với một người đàn ông tên Quang (tự xưng là cán bộ ngân hàng, trú tại Đức Giang, Hà Đông, Hà Nội). Khi thấy chị N.T.H, ở thị xã Sơn Tây có nhu cầu vay vốn, Lan Anh đã liên lạc nhờ Quang đứng ra làm thủ tục vay giúp chị H 7 tỷ đồng. Vị cán bộ ngân hàng “rởm” cũng tiếp nhận hồ sơ, thẩm định tài sản thế chấp của chị H rồi kết luận: không đủ điều kiện vay vốn. Sau nhiều ngày dền dứ, Quang yêu cầu chị H chuyển 500 triệu đồng cho Lan Anh để đối tượng này mua tài sản thế chấp. Quang cũng hứa, nếu đứng ra thu tiền thì khi hợp đồng vay vốn giải ngân, Lan Anh sẽ được chị H trả 0,5% tổng số tiền vay được. Sự việc vỡ lở, nữ giám đốc trẻ vừa là bị can, đồng thời là bị hại. Vì chị H chỉ có 430 triệu đồng nên Lan Anh đã ứng số tiền còn thiếu để đưa cho Quang; trong khi đối tượng lừa đảo đã cao bay xa chạy ngay khi ẵm trọn khoản tiền lớn.

Cùng chịu chung hậu quả từ chiêu lừa đảo “Thả con săn sắt, bắt con cá sộp” là trường hợp của anh Nguyễn Văn H trú tại Quốc Oai, Hà Nội. Đầu năm 2010, do cần vốn làm ăn nên anh H đã đến gặp Nguyễn Thị Kim (trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội) để nhờ vay với điều kiện phải thế chấp “sổ đỏ” và viết giấy ủy quyền cho công ty của Kim. Một tháng, rồi 2 tháng trôi qua, số tiền vay về chưa kịp sinh lãi thì anh H tá hỏa phát hiện mảnh đất “cắm dùi” của mình đang là tài sản thế chấp cho khoản vay trị giá hơn 1 tỷ đồng. Đáng chú ý, không chỉ có mình anh H, còn ít nhất 3 nạn nhân khác cũng bị Kim sử dụng thủ đoạn tương tự để lừa mang “sổ đỏ” đi vay vốn.

Cần nắm rõ các quy định

Đó là khuyến cáo của cơ quan chức năng sau khi xuất hiện ngày càng nhiều vụ lừa đảo liên quan đến hoạt động vay vốn. Nạn nhân thường là người có tài sản hoặc có nhu cầu vay vốn nhưng không nắm rõ các điều khoản, quy định pháp lý nên đã bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng. Không ít bị hại dù nhận ra sự rủi ro, bất hợp lý của các hình thức vay vốn được “cò” đưa ra nhưng vì nhiều lý do khác nhau, họ vẫn làm theo hướng dẫn để rồi phải gánh chịu hậu quả “tiền mất, nợ mang”.

Theo phân tích của Phòng Cảnh sát hình sự, khi Luật Công chứng được áp dụng cũng là thời điểm xảy ra nhiều hơn các vụ tranh chấp, lừa đảo liên quan đến vay vốn. Một cán bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH - CATX Sơn Tây cũng cho biết, việc thực hiện Luật Công chứng tại một số phòng công chứng tư chưa chặt chẽ, không gắn liền với trách nhiệm quản lý Nhà nước như ở chính quyền địa phương (công chứng, xác nhận tại xã, phường). Vì lý do đó, kẻ gian có thể lợi dụng việc nắm thông tin không đầy đủ hoặc sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để qua mắt nhân viên công chứng, rồi từ đó “đặt bẫy” người vay vốn.