Cảnh báo việc sử dụng thiết bị thoát nạn tràn lan: Tự cứu hay tự hại?

ANTĐ - Sau hàng loạt vụ cháy chung cư cao tầng, người dân đang đổ xô tìm mua trang thiết bị, dụng cụ cứu nạn, thoát hiểm để phòng thân. Song, nếu thiếu những kỹ năng cơ bản về thoát nạn, người sử dụng các thiết bị này có khi lại tự hại mình.

Ngay sau khi một số chung cư cao tầng tại Hà Nội xảy ra hỏa hoạn, người dân đã đổ xô đi mua sắm trang thiết bị, dụng cụ cứu nạn, thoát hiểm để… phòng thân.

Cảnh báo việc sử dụng thiết bị thoát nạn tràn lan: Tự cứu hay tự hại? ảnh 1Người sử dụng thiết bị an toàn cần được tập huấn từ lực lượng chuyên nghiệp về kỹ năng thoát nạn 

Đổ xô đi mua thiết bị phòng thân

Mặc dù không sống trong những chung cư cao tầng bị “bà hỏa” viếng thăm trong thời gian qua, song chị Nguyễn Thị Mai Anh (38 tuổi) cư dân sinh sống tại tầng 18 của một chung cư tại quận Hà Đông đã tự trang bị cho các thành viên trong gia đình mỗi người một ba lô thoát nạn và bộ mặt nạ dưỡng khí. “Tôi mua 4 ba lô thoát nạn cùng mặt nạ dưỡng khí tại một cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động trên phố Chiến Thắng, quận Hà Đông với giá 32 triệu đồng. Những thiết bị này dùng để phòng khi xảy ra cháy thì còn có cái mà tự cứu mình”. Hỏi về cách sử dụng các thiết bị lạ lẫm này thì chị Mai Anh trả lời, đơn giản là làm theo hướng dẫn của người bán hàng. Chỉ cần buộc một đầu dây vào nơi nào đó chắc chắn trong căn phòng rồi thả người qua cửa sổ hoặc ô thoáng cho rơi tự do và… tiếp đất. 

Chúng tôi đã tìm hiểu những thiết bị này tại một số cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động tại phố Nguyễn Du, Yết Kiêu, Linh Đàm. Chị Trần Minh H một nhân viên bán hàng cho hay, những ngày qua rất đông khách hỏi mua ba lô thoát nạn, tuy nhiên đây là đồ đắt tiền nên cửa hàng không có sẵn, nếu có nhu cầu mua thì khách phải đặt tiền trước.

Trước nhu cầu tăng vọt về sản phẩm ba lô thoát nạn, giới kinh doanh đã nhanh chóng chuyển hàng từ nước ngoài về Việt Nam bán cho những người có nhu cầu. Anh Đào Đức Hiếu, một người chuyên kinh doanh tại ngõ 20 phố Hồ Đắc Di, quận Đống Đa tiết lộ: “Tôi thấy nhiều người hỏi mua ba lô thoát nạn nên đã liên hệ với một số nhà cung cấp để nhập hàng về Việt Nam. Tuy nhiên đa số sản phẩm đều có xuất xứ từ… Trung Quốc”. Được biết, hiện giá bán ba lô thoát nạn tùy theo chất lượng và nguồn gốc, nhưng với hàng nhập từ Trung Quốc thì giá dao động từ 3 - 5 triệu đồng. Nếu sản phẩm nhập từ Australia,  Mỹ… giá bán khoảng từ 12 - 16 triệu đồng.   

Cảnh báo việc sử dụng thiết bị thoát nạn tràn lan: Tự cứu hay tự hại? ảnh 2Ba lô thoát hiểm

Kỹ năng thoát hiểm là quan trọng

Nhu cầu mua loại hàng này của người dân là việc cực chẳng đã, song chính những nỗi lo cấp thiết này lại là nguyên nhân khiến thị trường sản phẩm trở nên khó kiểm soát về chất lượng. Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2 - Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cảnh báo: “Việc đánh giá chất lượng của thiết bị là bài toán nan giải, nhưng không đáng ngại bằng việc người sử dụng thiết bị  chưa hề được tập huấn một ngày nào. Trong khi đó, với điều kiện để trang bị thiết bị thoát nạn như ba lô dây thì việc đầu tiên phải có móc thép được tính toán trong khi xây dựng cùng cấu kiện của căn phòng, đồng thời phải đặt ở vị trí gần ô thoáng để có thể thả người xuống dễ dàng”. 

Trước thông tin những ngày qua người dân đổ xô đi mua ba lô thoát nạn, Thiếu tá Nguyễn Minh Thành, Đội trưởng đội cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp - Phòng Cảnh sát PCCC số 2 khuyến cáo: “Việc trang bị thiết bị an toàn cho mình là cần thiết, nhưng người mua phải biết rõ nguồn gốc hàng và chất lượng thì mới đảm bảo an toàn khi sử dụng. Với ba lô thoát nạn dù của nước nào sản xuất cũng sẽ có nhiều độ dài khác nhau, phục vụ các tầng cao khác nhau. Do đó, người mua phải biết nhu cầu của mình ở tầng cao bao nhiêu để lựa chọn phù hợp nếu không sẽ rất nguy hiểm. Đó là chưa nói đến việc người sử dụng bao lô thoát nạn có đủ bình tĩnh để thả mình ra ngoài khoảng không hay không, bởi hầu hết họ đều không có những kỹ năng cơ bản về thoát nạn. Để tự cứu mình thì việc đầu tiên người sử dụng thiết bị an toàn cần phải có kỹ năng thoát nạn và được tập huấn từ lực lượng chuyên nghiệp. Hơn nữa các thiết bị nếu lắp đặt phục vụ mục đích này thì phải được tính toán đồng bộ với thiết kế cấu kiện xây dựng, thiết kế căn phòng". 

Trên thực tế, nhiều buổi tập huấn kỹ năng thoát nạn được lực lượng chuyên nghiệp hướng dẫn tại khu dân cư nhưng rất ít người dân quan tâm tham dự. Do đó khi gặp sự cố họ nhanh chóng rơi vào tình trạng rối trí, hoảng loạn.

Từ các vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu chung cư cao tầng trong thời gian qua, một cán bộ thuộc Cảnh sát PCCC số 2 khuyến nghị: “Nếu hỏa hoạn xảy ra tại tầng hầm, người dân nên bình tĩnh đóng chặt các cửa có hướng khói, dùng vật dụng mềm bịt kín khe cửa tránh để khói lọt vào,  sau đó bình tĩnh gọi điện theo số 114 báo cho lực lượng PCCC vị trí xảy cháy, số phòng đang mắc kẹt… Để bịt kín được căn phòng khi xảy ra hỏa hoạn, người dân cần trang bị băng dính bản to và để nơi dễ lấy nhất. Nếu thực hiện được người dân sẽ an toàn khoảng thời gian từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ đợi lực lượng cứu nạn, cứu hộ có mặt…