Cảnh báo ‘‘Giáo trình dạy tự tử”

ANTĐ - Con người ta chỉ tìm đến cái chết khi bước tới đường cùng. Vậy nhưng giới trẻ ngày nay lại tìm đến cái chết dễ hơn bao giờ hết. Họ coi thường mạng sống của chính bản thân mình. Nguy hiểm nhất là giờ đây, hai từ “tự tử” còn đang trở thành một thú vui, một trò tiêu khiển đang lan tràn trên các tràn mạng xã hội. Các em chia sẻ cho nhau những đường link dẫn đến thứ cẩm nang chết người. Đó là cẩm nang… dạy tự tử

Người cha đau khổ trước di ảnh của đứa con tự tử vì đánh mất sổ đầu bài


Cái chết bắt nguồn từ những lý do vớ vẩn nhất

Nghiên cứu hơn chục vụ tự tử của các bạn trẻ từ đầu năm 2012 đến nay, chúng tôi tìm thấy một sự thật: Nguyên nhân dẫn đến những cái chết này hết sức phi lý. Chỉ vì một nỗi buồn bâng quơ, một thứ tình cảm nhẹ nhàng tuổi mới lớn hoặc một mối lo lắng nhỏ nhoi mà các em đã tự kết liễu đời mình, bỏ mặc bao tình cảm, công lao hy sinh của cha mẹ. Cũng phải nhìn nhận, tuổi trẻ suy nghĩ nông cạn và thiếu thốn tình cảm sẽ dễ dẫn đến ức chế, bế tắc nhưng tìm đến cái chết để chứng minh tình yêu, để chứng minh không lấy đồ của bạn... là những lỗi lầm không bao giờ có thể cứu chữa được.

Chiều 7-8-2012, một nam sinh trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) đã tẩm xăng tự thiêu vì bị từ chối tình cảm. Một số học sinh kể lại, bạn Trần Đình H. đem lòng yêu D. một nữ học sinh cùng khóa nhưng bị từ chối. Do H. tìm mọi cách muốn gần gũi với mình nên D. đã nói cho bố mẹ biết chuyện. Bố mẹ D. nhiều lần khuyên bảo H. nên chú tâm vào chuyện học hành nhưng không thể ngăn được trước tình yêu mù quáng của H. Nhiều lần H. cầm dao, nhắn tin đe dọa bố mẹ D. vì ngăn cấm trong chuyện tình yêu giữa D. và H. Để chứng minh tình yêu nên trong giờ lao động hè tại trường, H. đã chạy lên tầng 3, đứng trước mặt D. đổ xăng lên người và tự châm lửa đốt. Ngọn lửa bốc cháy dữ dội, khiến H. bị bỏng nặng, học sinh trong trường phải dùng nước mới dập tắt.

Trước đó, ngày 31-3-2012, người dân TP Pleiku, Gia Lai tá hỏa vì một cậu học trò lớp 8 treo cổ tự tử vì nghi bạn gái phản bội. Qua tìm hiểu, cô bạn gái của nạn nhân đang học lớp 7 cùng trường. Thời gian gần đây, “vợ yêu” của cậu bị bạn bè trêu trọc, ghép đôi với người khác nên cậu ghen tuông. Sau một lần nghĩ quẩn, cậu bé đã tìm đến cái chết để chứng tỏ tình yêu của mình.

Ngày 17-3-2012,  3 nữ sinh THCS Phan Chu Trinh (xã Đắk Sắk, Đắk Mil, Đắk Nông) uống thuốc độc tự tử vì sợ cô giáo mắng do làm mất sổ đầu bài. Ngày 11-3-2012, em Lầu Thị Dế, học sinh lớp 11, trường Dân tộc nội trú huyện Điện Biên Đông đã ăn lá ngón để tự vẫn vì cô đã làm hỏng chiếc điện thoại di động bố cho. Ngày 28-2-2012, bị nghi ngờ ăn trộm đồ đạc, nữ sinh M.T lớp 12 Anh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) thắt cổ tự tử trong kí túc xá. Ngày 10-2-2012, cháu Lương Thị H, sinh năm 1997, học sinh một trường cấp 2 tại Hải Dương đã tự tử vì bị cho rằng ăn trộm quần áo tại một cửa hàng. Tháng 1-2012, bị cô giáo bắt chép lại bài kiểm tra, nữ sinh K.O lớp 12 của trường THPT tư thục Đông Quan (huyện Đông Hưng, Thái Bình) đã nhảy từ tầng 2 xuống đất tự tử…. Tóm lại có tới cả nghìn lý do khiến các bạn trẻ dẫn đến tự tử, phần nhiều là những lý do hết sức vớ vẩn.

Số vụ tự tử đã tăng gấp 60% so với 50 năm qua

Tự sát là nguyên nhân gây chết người đứng thứ 10 trên toàn thế giới. Số lượng lớn các vụ tự sát tập trung ở châu Á, chiếm tới khoảng 60%. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì ở các vụ tự sát ở Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản chiếm khoảng 40% tổng số các vụ tự sát trên thế giới. Những con số trên đang làm đau đầu những nhà chính sách và được coi đây là một trong những căn bệnh hiểm của thế kỷ XXI.

Tự tử là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Theo báo cáo WHO, hàng năm trên thế giới có khoảng 1 triệu người chết vì tự tử, nghĩa là khoảng 3.000 người chết mỗi ngày. Tỷ lệ các bạn trẻ từng nghĩ đến chuyện tự tử và từng tìm cách kết thúc cuộc sống của mình đã tăng cao hơn gấp đôi so với 5 năm trước (theo cuộc điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên lần thứ 2, năm 2010)

Tính đến nay, số vụ tự tử đã tăng gấp 60% so với 50 năm qua và dự báo đến năm 2020, con số người chết vì tự tử trên toàn cầu sẽ tăng thành 1,5 triệu mỗi năm, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Điều đáng lo ngại là độ tuổi có hành vi tự tử đang bị trẻ hóa, tập trung chủ yếu vào lứa tuổi 15-25 tuổi.

Tại Việt Nam, số lượng người có ý nghĩ tự tử chiếm khoảng 8,9% dân số (theo nghiên cứu của bác sĩ Trần Thị Thanh Hương và các đồng sự). Các nhóm nghiên cứu về vấn đề khủng hoảng tâm lý dẫn đến tự tử gần đây còn cảnh báo hiện tượng tự tử tập thể tại Việt Nam ngày càng gia tăng. 

Trò đùa quái ác: Giáo trình tự tử

Theo PCP (trung tâm Phòng chống Khủng hoảng Tâm lý) nguyên nhân của hàng chục vụ nữ sinh tự tử tập thể dồn dập từ đầu năm 2012 đến nay gây những hậu quả đau lòng có nhiều yếu tố cộng hưởng nhưng quan trọng nhất là sự “lạnh lẽo của tình yêu thương”. PCP cũng cảnh báo các yếu tố nguy cơ dẫn đến tự tử bao gồm: Rối loạn tâm thần, lạm dụng chất gây nghiện, hút thuốc lá, nghiện cờ bạc, yếu tố sinh học và yếu tố xã hội... Trong số đó các yếu tố xã hội bao gồm sự ảnh hưởng của các trang mạng xã hội đang lan truyền nhau 1 loạt bài viết về cái gọi là “giáo trình tự tử”.

“Giáo trình dạy tự tử” đã xuất hiện từ lâu tại một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan… và đó chỉ là bước 1. Nếu theo đúng tiến trình, hiện tượng này sẽ phát triển đến mức xuất hiện những cộng đồng mạng rủ nhau đi “lên thiên đàng” tập thể là bước 2. Loại giáo trình tử thần này cũng đã lan truyền trong giới trẻ Việt Nam cách đây 1 năm. Nếu không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu thì trong thế giới mạng không giới hạn này, nguy cơ bước 2 sớm muộn cũng sẽ lan truyền trong giới trẻ nước ta.

Bắt đầu tra Google với cụm từ “giáo trình tự tử” tôi bắt đầu tìm hiểu về thế giới của cái gọi là cẩm nang kinh dị về dạy tự tử. Người viết nhận thấy nhiều đứa trẻ xem chuyện bày vẽ, chỉ dẫn ai đó tự kết liễu đời mình là thú tiêu khiển thời thượng nên vào cuộc rất phấn khích. Có đứa còn ví mình là “chuyên gia”, là “nghệ nhân” chuyên về lĩnh vực... tự tử. Và cũng vì những lý do đó mà đám “chuyên gia chết chóc” này vắt óc, dồn tâm huyết trong việc nghiên cứu các cách thức chỉ dẫn ai đó quyên sinh. 

Tôi không khỏi ngỡ ngàng khi các bạn trẻ đang dạy nhau cách kết liễu cuộc đời mình như trò tiêu khiển. Họ hướng dẫn các phương thức kết liễu đời người bằng các từ  “ngộ nghĩnh” như “đất dầm thấm lâu”, (cho thuốc độc vào vết thương), “hỏa phụng tiên” (tự thiêu), “sấm chớp vang trời” (bằng điện), v.v… 

Trên trang mạng Facebook của Phi Hùng, sinh viên năm nhất của một trường đại học danh tiếng đã liệt kê 7 kiểu tự kết liễu đời mình bằng bài thơ con cóc có vần điệu hẳn hoi với chú giải để ai đó “dễ thuộc lòng” đặng khi cần chết thì nhớ đó mà áp dụng. Không dừng lại ở những ngôn từ chỉ dẫn cách thức tự sát, gần đây nhiều đứa trẻ thích chuyện chết chóc còn râm ran, chuyền gửi link (đường dẫn) cho nhau về những giáo trình tự tử có kèm hình ảnh minh họa hẳn hoi. Xem qua một trong vô số giáo trình dạy tự tử bằng tranh như thế, không thể không rùng mình trước những sê-ri ảnh mô phỏng tường tận các “kỹ thuật” treo cổ từ quá trình chọn dây, thắt dây, đưa cổ vào thòng lọng!

Có lẽ chỉ bắt đầu bằng một ý nghĩ tạo ra sự “khác biệt đầy cá tính”, những bạn trẻ này đã tạo ra các hình vẽ nhằm tạo cảm giác hài hước như một bức tranh biếm họa vui. Nhưng lấy cái chết ra để vui đùa là một trò chơi chết người. Họ không lường hết được tất cả những hiểm họa bắt nguồn từ những “niềm vui nhỏ” này. 

Các vụ tự tử đã và đang xảy ra liên tục từ đầu năm 2012 đến nay. Phải chăng có một sự liên đới nào từ câu chuyện của “giáo trình tự tử”. Dù chỉ là đùa vui nhưng thực chất những “giáo trình” này có thể khơi dậy những ý nghĩ tiêu cực trong giới trẻ, thậm chí tạo trào lưu không tốt. Ở lứa tuổi vị thành niên, trẻ có lòng tự trọng, tự ái cao, luôn muốn khẳng định mình: mình là ai, mình làm được gì, có thể khẳng định cách làm khác người? Ở lứa tuổi này bạn bè rất quan trọng nên các em dễ dàng rủ nhau tự tử mà không lường hết được hậu quả. Đặc biệt là ngày nay, chỉ cần gặp 1 khó khăn nhỏ các em đã tìm đến cái chết để giải quyết. Đánh mất sổ đầu bài… tự tử. Người yêu bỏ… tự tử. Những câu chuyện tưởng chừng hết sức nực cười nhưng lại là sự thật. Nó đang trở thành trào lưu để 1 bộ phận bạn trẻ ngu muội và mù quáng làm theo với mục đích chứng tỏ bản lĩnh, cá tính của mình. Đây là suy nghĩ vô cùng sai lạc, cần phải cảnh giác và lên án.