Càng đẩy, càng chậm

ANTĐ - Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cùng nhìn lại 10 năm sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Thủ tướng nhận xét: “Tốc độ cổ phần hóa thời gian vừa qua là chậm, một phần do khủng hoảng, một phần vì để kéo dài quá do chỉ đạo thiếu quyết liệt”. Ông nhắc lại chuyện một tổng công ty làm ăn thua lỗ từ 20 năm nay mà vẫn chưa giải quyết xong. Dường như càng thúc đẩy thì “cỗ xe” cổ phần hóa càng chậm lại.

Bằng chứng là, năm 2002-2004, cả nước cổ phần hóa được 1.641 doanh nghiệp, đến năm 2005-2006, cổ phần hóa được 1.172 doanh nghiệp, sang giai đoạn 2007-2010 chỉ có 348 doanh nghiệp. Một Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư chỉ rõ nguyên nhân của sự nghịch lý là phần lớn các doanh nghiệp thuộc diện sắp xếp, cổ phần hóa đều có quy mô vừa và lớn còn nhiều tồn tại về tài chính. Khi “động” tới các tập đoàn, tổng công ty đều thuộc quy mô lớn nên phải tiến hành một cách “thận trọng”. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có một quyết tâm chính trị cao, với hành động quyết liệt hơn, vẫn cứ ngại “đụng chạm” như thời gian vừa qua thì không thể đến được đích chặng đường gian nan này.

Một nghịch lý nữa là, trong giai đoạn khó khăn nhất, cổ phần của nhiều doanh nghiệp nhà nước ế ẩm, bán không có người mua. Đơn cử, lần bán đấu giá cổ phần ở các sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP.HCM của 117 doanh nghiệp nhà nước, có tới 69 doanh nghiệp không bán hết số cổ phần chào mời và 9 doanh nghiệp không có ai mua. Đây chính là giai đoạn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước “nhảy” ra ngoài hàng rào đầu tư sôi nổi nhất. Theo thống kê của Bộ Tài chính, những lĩnh vực được các “ông lớn” này… yêu thích nhất khi đầu tư ra ngoài ngành là bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Đầu tư mạnh mẽ nhất là bất động sản của khối doanh nghiệp này đến cuối năm 2010 lên tới 5.379 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với 2.999 tỷ đồng năm 2009 và con số này còn “khủng” hơn nhiều nếu so với 211 tỷ đồng trong năm 2006.

Lĩnh vực ngân hàng cũng có “sức hút” rất mạnh, đến cuối năm 2010 các tập đoàn, tổng công ty đã “dốc” túi đổ vào đây tới 10.128 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2006. Đầu tư ra ngoài ngành như vậy, không những làm phân tán nguồn lực mà còn hạn chế hiệu quả kinh doanh, thậm chí phát sinh tiêu cực. Nhìn trực diện những hạn chế và yếu kém của doanh nghiệp nhà nước được ví như “xương sống” của nền kinh tế, Viện Quản lý kinh tế Trung ương thẳng thắn chỉ rõ, nhiều doanh nghiệp không tập trung đầu tư, phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành cốt lõi mà đầu tư ngoài ngành tìm kiếm “địa tô” và lợi nhuận. Là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô, thực tế họ lại là một trong những nguyên nhân gây bất ổn kinh tế. Hơn thế, một số doanh nghiệp được độc quyền trên thị trường nội địa mà không bị kiểm soát. “Điệp khúc” thường thấy là, thiếu vốn đầu tư, lỗ vốn thì đòi tăng giá. Chuyên gia tài chính của WB cho rằng, việc quản trị doanh nghiệp nhà nước đang đứng trước thách thức lớn. Họ phải chịu những mâu thuẫn về lợi ích, chịu sự quản lý của nhiều cơ quan, thiếu cơ chế minh bạch thông tin…

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không chỉ là “bán” một số doanh nghiệp, cơ cấu lại tỷ lệ vốn nắm giữ của Nhà nước, mà còn là cải cách quản trị của các doanh nghiệp để đạt hiệu quả tương xứng với vai trò và kỳ vọng của Chính phủ và nhân dân. Công cuộc tái cơ cấu chắc chắn sẽ không thể tái diễn tình trạng càng thúc đẩy, càng chậm như cổ phần hóa.