Càng công khai, càng lợi

ANTĐ - Phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét tờ trình về thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Trước khi trình ra Quốc hội kỳ họp thứ 4 vào cuối tháng 10 này, Nghị quyết về quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm đã được đem ra thảo luận tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực ra, vấn đề này đã được đặt ra từ các kỳ họp Quốc hội trước và trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân.

Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm thuộc lĩnh vực khá nhạy cảm, vì thế Dự thảo về quy trình này đưa ra hai phương án. Một là lấy phiếu tín nhiệm chỉ gồm những người giữ chức vụ chủ chốt do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn với tổng số 49 người. Phương án hai là lấy phiếu tín nhiệm toàn bộ những người giữ các chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, bao gồm cả những thành viên trong các ủy ban, tổng số lên tới 430 người.

Phương án 1 là để thăm dò mức độ tín nhiệm của cán bộ, nói như Chủ tịch Quốc hội là để “tham khảo”.

Phương án 2 là bỏ phiếu tín nhiệm để thể hiện quan điểm có giữ cán bộ đó ở lại làm việc tiếp hay không.

Trong phiên họp thứ 11 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số các ý kiến cho rằng, không nên lấy phiếu tín nhiệm tràn lan, chỉ bỏ phiếu đối với 49 người. Có ý kiến đề nghị nên tập trung lấy phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ, thành viên UBND. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội đặt câu hỏi thế nào là bỏ phiếu và thế nào là lấy phiếu? Bởi Hiến pháp và luật pháp của ta chỉ quy định một thủ tục “bỏ phiếu tín nhiệm”.

Vì vậy, một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu chuyển thẳng từ phiếu tín nhiệm sang miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức. Có như vậy mới khiến công tác thay thế cán bộ không bị kéo dài, đảm bảo việc xử lý kịp thời cán bộ có tín nhiệm thấp và mắc nhiều sai phạm. Sau khi lấy phiếu tín nhiệm thì phải bỏ phiếu tín nhiệm mới có tính pháp lý. Tránh xảy ra mâu thuẫn, lúc lấy phiếu thì không đủ phiếu tín nhiệm, nhưng khi bỏ phiếu lại “thoát”. Như vậy sẽ làm mất uy tín và mất giá trị của phiếu.

Một vấn đề lớn cũng cần tìm được sự nhất trí trong các thành viên Ủy ban Thường vụ là lấy phiếu hai năm một lần hay hàng năm. Nếu năm nào cũng lấy phiếu sẽ dẫn đến tình trạng bản thân người được lấy phiếu lúc nào cũng “nơm nớp” lo sợ. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, nên lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm không sợ ảnh hưởng đến tính quyết đoán, kiên định của cán bộ. Tương tự, việc công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải được coi là đương nhiên, không chỉ công bố mức độ tín nhiệm mà cần công bố cụ thể tỷ lệ phiếu. Quốc hội sẽ lựa chọn và quyết định phương án bỏ phiếu tín nhiệm. Một ủy viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, cùng với việc bỏ phiếu rất cần hình thành văn hóa từ chức, coi đó như một nét đẹp trong sinh hoạt chính trị, một việc bình thường như nhiều quốc gia.

Công khai để cử tri và nhân dân biết mức độ tín nhiệm của Quốc hội đối với những người lãnh đạo đang điều hành đất nước chỉ càng tăng thêm niềm tin. Không công khai còn ảnh hưởng đến uy tín người được bỏ phiếu; càng công khai càng có lợi.